Theo Hãng tin Reuters, ngày 5-4, Hội đồng quyền con người Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu Israel phải nhận trách nhiệm trước những tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại mà nước này có thể đã thực hiện tại Dải Gaza.
Liên Hiệp Quốc yêu cầu Israel nhận trách nhiệm về tội ác chiến tranh
Nghị quyết được 28 quốc gia bỏ phiếu thuận, 13 nước bỏ phiếu trắng và 6 nước bỏ phiếu chống, trong đó có Đức và Mỹ.
Nghị quyết nhấn mạnh "việc cần thiết đảm bảo tất cả những trường hợp vi phạm luật nhân đạo và luật về quyền con người quốc tế bị xử lý".
Văn bản này cũng thể hiện "sự lo ngại nghiêm trọng trước các báo cáo vi phạm quyền con người và luật nhân đạo quốc tế trầm trọng, bao gồm các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người có thể đã xảy ra trên lãnh thổ của người Palestine bị chiếm đóng".
Trước khi nghị quyết trên được thông qua, bà Meirav Eilon Shahar, đại diện thường trực của Israel tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), cáo buộc hội đồng "đã từ lâu bỏ rơi người dân Israel và bảo vệ phong trào Hồi giáo Hamas", đồng thời cho rằng văn bản này "biến chất".
"Căn cứ nghị quyết các bạn vừa thông qua, Israel không có quyền bảo vệ người dân của mình, trong khi Hamas có mọi quyền để sát hại và tra tấn những người Israel vô tội. Mỗi lá phiếu thuận là một lá phiếu ủng hộ Hamas", bà Shahar phát biểu ngay trước khi việc biểu quyết bắt đầu.
Ở chiều ngược lại, đại diện thường trực của Palestine tại Geneva Ibrahim Khraishi hoan nghênh nghị quyết. Tuy nhiên, ông vẫn tỏ ra không hài lòng với việc không phản đối của một số nước phương Tây.
"Trên khắp thế giới đã xuất hiện những lời kêu gọi các bên phải chịu trách nhiệm (cho những gì diễn ra tại Gaza). Tuy nhiên, lập trường này lập tức thay đổi khi vấn đề hướng về Israel", ông Khraishi phát biểu trước Hội đồng quyền con người.
Israel mở cửa khẩu cho hàng viện trợ vào Gaza
Cũng trong ngày 5-4, Israel tuyên bố chấp thuận mở lại cửa khẩu Erez từ nước này vào Dải Gaza, nhằm vận chuyển hàng hóa viện trợ đến tay người dân nơi đây. Cảng Ashdod ở phía nam Israel cũng sẽ được trưng dụng tạm thời cho công tác này.
Động thái trên diễn ra ngay sau cuộc điện đàm tối 4-4 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trong đó, ông Biden yêu cầu Israel có hành động "cụ thể, vững chắc" nhằm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza, nếu không Washington sẽ thay đổi chính sách với nước này.
Cả Mỹ và Israel đều đang đối diện sức ép to lớn, sau khi cuộc tấn công nhầm giết chết bảy nhân viên của một tổ chức quốc tế đang trên đường thực hiện nhiệm vụ nhân đạo ở Gaza tối 1-4 của Tel Aviv.
Đây là giọt nước tràn ly, dẫn đến sự phẫn nộ toàn cầu trước việc Israel liên tục gây khó dễ cho các chuyến hàng viện trợ vào Gaza.
Suốt 6 tháng qua, chiến dịch quân sự của Israel khiến người Palestine tại dải đất này không thể tự sản xuất lương thực và phải phụ thuộc vào các lô hàng cứu trợ từ bên ngoài. Nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo Dải Gaza sẽ rơi vào nạn đói nếu tình hình vận chuyển hàng cứu trợ không được cải thiện.
Ngay sau khi Israel thông báo mở lại cửa khẩu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên tiếng khen ngợi.
Tuy nhiên, ông Blinken vẫn nhấn mạnh: "Thực tế, bằng chứng (cho việc Israel thật sự mở cửa khẩu) sẽ nằm ở kết quả. Trong vài ngày hoặc vài tuần tới, chúng ta sẽ thấy các kết quả ấy xuất hiện".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận