Đường ống Nord Stream nối liền Nga với Đức. Các sự cố hồi tháng 9 năm ngoái đã khiến khí đốt từ đường ống này tràn ra biển Baltic.
Theo Hãng tin Reuters, chỉ có Nga, Trung Quốc và Brazil bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Nga soạn thảo, trong khi 12 thành viên hội đồng còn lại bỏ phiếu trắng.
Một nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu thuận và không có phiếu phủ quyết của Nga, Trung Quốc, Pháp, Mỹ hoặc Anh để được thông qua.
Nga đã đề xuất dự thảo nghị quyết trên hồi tháng 2 vừa qua, chỉ vài ngày trước lễ kỷ niệm một năm ngày Matxcơva phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine.
"Nếu không có một cuộc điều tra quốc tế khách quan và minh bạch thì sự thật về những gì đã xảy ra sẽ không được phơi bày", Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nói với Hội đồng Bảo an trước cuộc bỏ phiếu.
Các vụ nổ đường ống Nord Stream xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch.
Hồi tháng 2 vừa qua, chính quyền Thụy Điển, Đan Mạch và Đức cho biết các cuộc điều tra riêng của họ vẫn đang tiếp diễn và họ đã thông báo với Nga.
Trong bức thư chung gửi tới Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cả ba nước này tuyên bố thiệt hại là bởi "những vụ nổ mạnh do mục đích phá hoại".
Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng gọi vụ việc là "một hành động phá hoại".
Hầu hết các thành viên Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu trắng hôm 27-3 cho biết họ làm như vậy vì các cuộc điều tra quốc gia nên được phép kết thúc, trước khi xem xét liệu có cần bất kỳ hành động nào tại Liên Hiệp Quốc hay không.
Trong khi đó Nga phàn nàn rằng họ không được thông báo về những cuộc điều tra cấp quốc gia đang diễn ra.
Matxcơva cũng khẳng định rằng phương Tây đứng sau các vụ nổ, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood cho biết "Mỹ không tham gia dưới bất kỳ hình thức nào", đồng thời cáo buộc Nga đang cố "làm mất uy tín của các cuộc điều tra cấp quốc gia đang diễn ra".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận