24/09/2012 09:15 GMT+7

Liễn đối ở đàn tế Tây Sơn: chưa xứng

TRƯỜNG ĐĂNG
TRƯỜNG ĐĂNG

TT - Giới trí thức, học giả ở Bình Định đang phản ứng ba câu liễn đối đặt tại đàn tế trời đất ở Tây Sơn, ngay sau khi công trình này khánh thành (ngày 13-9) với vốn đầu tư trên 50 tỉ đồng.

i3ioVuKh.jpgPhóng to
Câu liễn đặt ở cổng chính đàn tế trời đất - Ảnh: Trường Đăng

Đàn tế trời đất được UBND tỉnh Bình Định xây dựng trên núi Ấn Sơn (thuộc xã Bình Tường, huyện Tây Sơn), khởi công từ ngày 26-11-2011 trên diện tích 46ha, hiện còn nhiều công đoạn đang tiếp tục hoàn thành. Việc xây dựng đàn tế trời đất là bày tỏ lòng tôn kính của nhân dân Bình Định và cả nước đối với công lao to lớn của nghĩa quân Tây Sơn đã dựng cờ chống thù trong giặc ngoài. Đây là nơi nhân dân cả nước đến viếng thăm, dâng hương để bày tỏ lòng biết ơn và còn tạo điểm nhấn du lịch.

Thế nhưng, riêng về các câu liễn đối, một nhà giáo Hán - Nôm bức xúc: “Sau này bá quan văn võ khắp nơi đến viếng họ sẽ nghĩ gì về “trời văn” Bình Định qua các câu liễn này!”.

Liễn đối không chuẩn

Đề nghị triệu tập cuộc họp lấy ý kiến

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 23-9, ông Văn Trọng Hùng - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Định - cho biết: “Tôi không đồng ý một số câu chữ trong câu đối ở đàn tế trời đất và đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định đề nghị triệu tập cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, khoa học và các học giả để lấy ý kiến. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có cuộc họp nào. Sở chưa bao giờ đồng ý với các câu đối hiện nay mà nhà đầu tư đã cho khắc ở đàn tế trời đất, quyết định cuối cùng là của UBND tỉnh”.

Câu liễn thứ nhất được đặt ở cổng đón: Ngàn thu vượng khí anh linh, một dải non sông kỳ tuyệt/ Ba vị anh hùng cái thế, bốn phương trời bể tung hoành. Nhiều nhà nghiên cứu Hán học, liễn đối ở Bình Định cho rằng câu này nhiều từ chưa chuẩn. Từ vượng khí nghĩa là khí tốt (tính từ) hoặc khí tốt luôn vượng (động từ), dù xét ở góc độ nào cũng không thể đối với anh hùng (danh từ) ở dưới. Từ anh linh (tính từ) lại cho đối với cái thế (động từ); kỳ tuyệt là rất lạ (tính từ) không thể đối với tung hoành nghĩa là dọc ngang (động từ)...

Câu thứ hai đặt ở trước cổng đền ấn: Công đức ngàn năm ghi bia đá/ Truyền thống muôn đời tạc tâm can. Hai từ ngàn năm/muôn đời cùng thanh bằng nên không phải đối; bia đá/tâm can một từ là thuần Việt với kết cấu chính - phụ và một từ Hán - Việt với cấu tạo đẳng lập hoàn toàn không thể đối. Câu đối này không chuẩn, không hay lại có ý không rõ ràng (công đức của ai?). Trước sự râm ran của dư luận, câu liễn này sau khi đặt lên hai ngày đã được dỡ xuống.

Câu thứ ba đặt ở cổng chính “Bảo sơn thiên ấn”: Trăm họ lầm than, nổi trống Tây Sơn trừ bạo chúa/ Bốn phương loạn lạc, giương cờ Bình Định (bình định) cứu lương dân. Nếu từ bình định không được viết hoa thì đối không chuẩn, vì bình định là dẹp yên giặc giã, ổn định việc cai trị là động từ không thể đối với danh từ riêng Tây Sơn. Từ Bình Định đặt đối với từ Tây Sơn nên dễ dẫn dụ người đọc nghĩ Bình Định phải viết hoa để chuẩn đối, đúng ý theo cấu trúc câu. Nhưng nếu viết hoa là địa danh Bình Định thì sai trầm trọng về kiến thức lịch sử. Bởi lúc Tây Sơn nổi trống thì chưa có địa danh Bình Định.

Không thể tùy tiện

Theo ý kiến của Lộc Xuyên Đặng Quí Địch - một nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa cổ ở Bình Định, các câu liễn ca ngợi được tài năng nhưng chưa nêu được công đức sự nghiệp của anh em Tây Sơn, sai nhiều về kiến thức đối lẫn lịch sử.

Theo ông Trần Đình Trắc, một người dân ở TP Quy Nhơn, từ bạo chúa cần xem xét lại chứ không thể chỉ chúa Trịnh là bạo chúa. Vào thời điểm 1771-1786 ở nước ta chỉ có nhược chúa (chúa yếu hèn), chúa Bắc Hà là Đoan Nam Vương Trịnh Khải được kiêu binh dựng lên, chính trị do kiêu binh thao túng. Chúa Nam Hà là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi, quyền hành do Trương Phúc Loan hành xử.

“Những câu liễn trên chưa nói lên được đặc tính địa linh (đất Tây Sơn), nhân kiệt (anh em Tây Sơn), chưa nói được công đức sự nghiệp vĩ đại của đức Quang Trung nói riêng, nhà Tây Sơn nói chung là đánh đuổi giặc phương Bắc, giặc Xiêm cứu nước. Những câu liễn này chưa chuẩn và không xứng tầm với công lao to lớn của ba vị anh hùng Tây Sơn, không đáng có mặt ở đàn tế trời đất Tây Sơn” - ông Đặng Quí Địch nhận xét.

Ông Đặng Quí Địch đã gửi đến giám đốc Sở VH-TT&DL Bình Định ba câu liễn của các nhà Nho nổi tiếng ở Bình Định với hi vọng đàn tế trời đất có câu liễn đối ngợi ca xứng tầm với công đức của nhà Tây Sơn chứ không thể ngẫu hứng, tùy tiện.

TRƯỜNG ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên