Đây được xem là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thể thao VN thiếu những tài năng trẻ.
Với tư cách là HLV trưởng đội tuyển quần vợt VN và là thầy dạy của Nam, HLV Trần Đức Quỳnh đã có bài viết chia sẻ với TTO qua chuyên mục Góc nhìn chuyên gia.
Ra mắt mục Góc nhìn chuyên gia trên TTO
Phóng to |
Tay vợt Lý Hoàng Nam - một trong những niềm hi vọng của quần vợt VN - Ảnh: TTO |
Có thể nói việc tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam lên ngôi tại giải quần vợt trẻ ITF Vietnam Championships – Huế 2012 là tín hiệu đáng mừng cho quần vợt Việt Nam.
Mục Góc nhìn chuyên gia là nơi để những chuyên gia trong các lĩnh vực thể thao cung cấp cho bạn đọc có một cái nhìn toàn cảnh về thể thao Việt Nam. Ngoài ra, Góc nhìn chuyên gia còn là cầu nối để những nhân vật có tiếng tăm trong làng thể thao chia sẻ những câu chuyện, những trải nghiệm của mình hoặc vấn đề đang được dư luận quan tâm, nhằm tìm ra giải pháp đưa thể thao Việt Nam ngày càng phát triển. |
Điều này nhằm khẳng định thêm một thực tế: thể thao VN không phải không có những tài năng trẻ! Nhưng, để những tài năng trẻ ấy có thể phát triển và ổn định phong độ hay không đó còn là một chuyện khác!
Để quần vợt VN theo kịp quần vợt thế giới và hi vọng đoạt huy chương trong các kỳ SEA Games, theo tôi còn nhiều việc dành cho các nhà quản lý thể thao nói chung là Liên đoàn Quần vợt VN.
Như mọi người đã biết, cả hai niềm hi vọng của quần vợt VN là Nguyễn Hoàng Thiên và Lý Hoàng Nam có được thành tích như hiện nay đều do sự đầu tư từ gia đình và các doanh nghiệp yêu thích thể thao.
Nói một cách khác, sự thăng tiến này không mang dấu ấn nào của Liên đoàn Quần vợt VN!
Để quần vợt VN có nhiều Lý Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Thiên, với tư cách là một người gắn bó với môn thể thao này nhiều năm, tôi có những ý kiến đóng góp như sau:
- Liên đoàn Quần vợt VN nên cố gắng tổ chức đưa quần vợt vào học đường (hiện nay nếu chưa tổ chức quần vợt trong học đường được nên phát triển nhân rộng phong trào quần vợt sân nhỏ - tennis mini).
-Tổ chức cùng một lúc các giải quần vợt phong trào, giải chuyên nghiệp và giải thiếu niên (U-10, U-12, U-14, U-16 và U-18). Làm được như vậy sẽ có nhiều khán giả đến xem quần vợt hơn.
Và một điều đặc biệt là đối với những giải dành cho phong trào chỉ thưởng cúp, không thưởng tiền!
Sở dĩ tôi nói điều này bởi vì thời gian qua có nhiều VĐV chuyên nghiệp có khuynh hướng muốn xuống đánh giải phong trào vì dễ thắng và không tốn công luyện tập nhiều mà được nhiều tiền.
Theo tôi được biết, hiện nay trên thế giới chắc chỉ còn VN tổ chức giải phong trào có thưởng tiền!
Nếu tổ chức được như vậy thì Liên đoàn Quần vợt VN có thể lấy lệ phí phong trào nuôi chuyên nghiệp, từ đó hệ phong trào chỉ còn những người chơi quần vợt thật sự phong trào nên họ sẵn sàng bỏ tiền ra để ủng hộ liên đoàn. Còn những người đánh hay ở hệ phong trào (trước sống bằng nghề đánh giải kiếm tiền), nay sẽ quay ra làm HLV dượt banh cho những người mới tập chơi hoặc làm trọng tài cho các giải thi đấu. Cũng có thể, nếu còn trẻ họ sẽ cố gắng luyện tập để trở thành HLV quần vợt chuyên nghiệp thật sự...
Những người đánh giỏi hệ phong trào nay muốn làm HLV dượt banh phải học một khóa ngắn ngày do liên đoàn tổ chức (từ 2-7 ngày) để thống nhất cách dạy cầm vợt cho những người mới tập chơi.
Tương tự, những người muốn làm trọng tài phải học lớp trọng tài do liên đoàn tổ chức và phải có trình độ Anh ngữ căn bản có thể trao đổi với các chuyên gia, HLV nước ngoài.
Ai cũng biết để có được thành công như hiện nay, ngoài việc nội lực thật sự mạnh, các liên đoàn quần vợt quốc gia Thái Lan, Philippines... cũng đã tận dụng rất tốt mối quan hệ với Liên đoàn Quần vợt thế giới để mang về những giải đấu quốc tế uy tín. Và, điều đặc biệt là để giúp các tay vợt trẻ trong nước có điều kiện thi đấu cọ xát.
Với VN, theo tôi, hằng năm phải tổ chức từ 3-5 giải trong hệ thống ITF để tạo điều kiện cho các tay vợt trẻ trong nước luyện tập, đồng thời khuyến khích gia đình và liên đoàn địa phương cho các em đi thi đấu các giải tương tự xung quanh các nước láng giềng.
Còn đối với giải Men Future (giải đấu tương lai) nên tổ chức được 10 giải trong năm, sẽ giúp các tay vợt trẻ VN mau bắt nhịp với thế giới.
Và điều cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh rằng: một liên đoàn mạnh là một tổ chức bất vụ lợi và phải có lòng say mê quần vợt.
Với tôi, quần vợt VN không phải không có những viên ngọc quý. Nhưng để những viên ngọc này sáng lên phải có sự hỗ trợ từ một liên đoàn mạnh!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận