22/09/2022 14:24 GMT+7

Liên đoàn Luật sư Việt Nam góp ý về Luật đất đai sửa đổi

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Sáng 22-9, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi dự thảo Luật đất đai 2013, trong đó nêu chính sách thu hồi đất, bồi thường thu hồi đất còn nhiều bất cập.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam góp ý về Luật đất đai sửa đổi - Ảnh 1.

Luật sư Lê Hồng Nguyên phát biểu tại hội thảo - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Sáng 22-9, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi dự thảo Luật đất đai 2013. Một trong nhiều nội dung mà các đại biểu quan tâm, góp ý đó chính là chính sách thu hồi đất, bồi thường thu hồi đất và chính sách đất đai bền vững tránh những sai sót dẫn đến nhiều sai phạm.

Cần tìm ra cơ chế bồi thường hợp lý

Luật sư Lê Nết cho rằng, để thực hiện được dự án, chủ đầu tư và người sử dụng đất nên tuân theo cơ chế thỏa thuận, tôn trọng ý chí của các bên, chứ không nên dùng mệnh lệnh hành chính bằng việc thu hồi hoặc cưỡng chế. 

Theo ông Nết, mặc dù người dân không có quyền sở hữu với đất đai nhưng có quyền sử dụng, và quyền sử dụng đất hiện nay là tài sản lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Do đó, khi đất được doanh nghiệp nhắm đưa vào dự án thì cần thỏa thuận với người dân để đạt được mục đích.

Trước đó, ông Lê Hoàng Châu (Hiệp hội Bất động sản TP.HCM) cho rằng hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp không thể triển khai dự án được vì còn một phần diện tích người dân không chịu thỏa thuận.

Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý với điều 70 dự thảo về việc thu hồi đất đai do liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội và mục đích công cộng. Luật sư Nguyễn Hoàng Nhật Thi nhận định cần phải làm rõ tiêu chí xác định của từng loại dự án thuộc diện thu hồi, tránh tình trạng áp dụng không đúng bản chất. 

Cụ thể, điều 70 dự thảo quy định các dự án đã được 80% người dân có đất thu hồi đồng thuận thì sẽ thuộc diện bị thu hồi. Theo luật sư Thi, quy định này hoàn toàn mới và có ưu điểm là tháo gỡ được việc khai thông nguồn lực đất đai thông qua cơ chế thỏa thuận. 

Nhưng luật sư Thi cũng cho rằng cần tính toán kỹ cho cơ chế thu hồi này như việc tái định cư, mức giá bồi thường cho con số 20% chưa đồng ý thỏa thuận và bị áp dụng biện pháp thu hồi này.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam góp ý về Luật đất đai sửa đổi - Ảnh 2.

Luật sư Lê Nết góp ý cho dự thảo - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Giá đất thị trường và Nhà nước chênh lệch gây hệ quả xấu

Liệt kê hàng loạt vụ án bị khởi tố vì liên quan đến các dự án bất động sản, luật sư Lê Hồng Nguyên dẫn chứng: Khánh Hòa có 36 dự án thì có 24 dự án vi phạm về Luật đất đai, rất nhiều lãnh đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa đã bị bắt. Rồi ở Bình Thuận, Bình Dương… nhiều cán bộ bị khởi tố, xét xử do liên quan đến đất đai. Tất cả những hệ quả này đều do quy định của Luật đất đai bất cập.

"Chúng ta đang có vấn đề cần bàn từ Luật đất đai, vì đất đai là tài sản của người này, nhưng lại là hàng hóa của người khác. Đất đai do Nhà nước quản lý, nhưng là đứa con của người sử dụng và quản lý đất. Cơ chế quản lý tài sản đất đai còn lỏng lẻo, cần có sự dung hòa mà doanh nghiệp không phải lợi dụng kẽ hở pháp luật, mà hai bên cần nhìn về một hướng", ông Nguyên góp ý.

Cũng theo luật sư Nguyên, chúng ta có cơ chế về giá do hội đồng nhân dân ban hành hằng năm, điều chỉnh theo hệ số K, nhưng đã xảy ra các vụ án rất đau xót, ở nhiều tỉnh thành, các nhà đầu tư bất động sản đang suy sụp về tài chính do hậu quả của các bất cập trong quy định đất đai. 

Ông Nguyên dẫn chứng có một dự án ở Bình Thuận đang bị yêu cầu thu chênh lệch giá đến 1.800 tỉ đồng, trong khi một dự án doanh nghiệp chỉ lời vài trăm tỉ. Nếu doanh nghiệp không có tiền để đóng chênh lệch giá này thì doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản. 

Đồng thời ông Nguyên cũng nêu tại rất nhiều tỉnh thành đang có cơ chế kiểm tra lại giá trị chênh lệch, nhiều dự án bất động sản được khuyến cáo nộp thêm tiền chênh lệch trước khi cơ quan điều tra vào khởi tố vụ án.

"Trong khi giá của Nhà nước quá thấp so với giá thị trường. Vậy cần làm giá thế nào để tránh được các bất cập này. Do đó, cần phải xác định giá, không để chênh lệch tạo ra hậu quả xấu cho xã hội", ông Nguyên nói.

Góp ý của Chủ tịch Quốc hội về dự án Luật đất đai sửa đổi Góp ý của Chủ tịch Quốc hội về dự án Luật đất đai sửa đổi

TTO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần tuyệt đối tránh những vướng mắc có tính chất vi phạm hiện nay lại đưa vào dự án Luật đất đai sửa đổi để hợp thức hóa. Việc sửa đổi cần trên tinh thần quốc gia, dân tộc.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên