23/04/2022 19:52 GMT+7

Lịch sử không chỉ là chính trị, quân sự mà còn phải biết tổ tiên chúng ta yêu đương thế nào

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Tiến sĩ sử học Vũ Đức Liêm và họa sĩ Tạ Huy Long đều cho rằng muốn lịch sử hấp dẫn người trẻ thì lịch sử phải kết nối được với hiện tại, giúp giải quyết được các vấn đề của ngày nay, lịch sử ‘phải dùng được chứ không phải chỉ để ngắm’.

Lịch sử không chỉ là chính trị, quân sự mà còn phải biết tổ tiên chúng ta yêu đương thế nào - Ảnh 1.

Tiến sĩ sử học Vũ Đức Liêm (phải) và họa sĩ Tạ Huy Long (trái) giới thiệu một bức tranh họa sĩ Tạ Huy Long vẽ minh họa chuyện loạn 12 sứ quân trong cuốn Nam hải dị nhân liệt truyện ra mắt ngày 23-4 - Ảnh: T.ĐIỂU

Tại buổi ra mắt 2 cuốn sách Truyền kỳ mạn lục Nam hải dị nhân liệt truyện do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức ngày 23-4 tại Hà Nội, họa sĩ Tạ Huy Long và tiến sĩ sử học Vũ Đức Liêm đã trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc vì sao học sinh chán học sử và cách nào để lịch sử hấp dẫn hơn với người trẻ.

Từng vẽ minh họa nhiều cuốn sách văn học sử được bạn đọc rất yêu thích, họa sĩ Tạ Huy Long trăn trở rất nhiều để làm sao đưa những câu chuyện quá khứ của cha ông đến gần với độc giả trẻ ngày nay - những bạn trẻ "nhiều năng lượng nhưng rỗng bên trong", rỗng về văn hóa, lịch sử dân tộc.

Bởi "rỗng" nên các bạn trẻ ngày nay rất dễ bị chi phối, hoang mang trước những vấn đề của cuộc sống hiện tại.

"Điều luôn đúng là để thành người thì chúng ta phải biết mình là ai, biết quá khứ như thế nào, mình cấu thành từ cái gì…", họa sĩ Tạ Huy Long nói về vai trò của việc hiểu biết về quá khứ cha ông.

Ông Long cho rằng người lớn ai cũng muốn giới trẻ ham mê lịch sử nước nhà, nhưng rõ ràng hiện nay cách dạy sử, làm sách sử "không ổn".

Ông cha cứ giữ khư khư những giá trị cũ, còn xung quanh lại có quá nhiều thứ hấp dẫn tác động vào trẻ. Lịch sử người lớn bảo hay nhưng đám trẻ bảo không hấp dẫn gì cả, bởi người lớn truyền đạt một chiều.

"Tại sao chúng ta không tiếp cận lịch sử theo hướng đi vào đời sống hơn. Nó phải giải quyết được các vấn đề, các câu hỏi thường trực của đời sống hôm nay.

Lịch sử không ứng dụng được, không giúp người trẻ giải đáp được các vấn đề hiện tại của họ, không giải quyết được vấn đề tâm lý, tình cảm của người trẻ thì họ phải tìm cái khác.

Phải làm sách lịch sử sao cho nó có tác động tích cực đến con người hôm nay, lịch sử phải dùng được chứ không phải để ngắm", họa sĩ Tạ Huy Long chia sẻ.

Lịch sử không chỉ là chính trị, quân sự mà còn phải biết tổ tiên chúng ta yêu đương thế nào - Ảnh 2.

2 cuốn sách Truyền kỳ mạn lục và Nam hải dị nhân liệt truyện được minh họa rất đẹp từ hai họa sĩ Nguyễn Công Hoan và Tạ Huy Long - Ảnh: T.ĐIỂU

Từ góc độ một tiến sĩ sử học, một người đang đào tạo những giáo viên dạy sử trong Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ông Vũ Đức Liêm cũng đồng tình với quan điểm lịch sử phải "có ích", phải kết nối được với con người hôm nay.

Theo ông, vấn đề lớn nhất của sách lịch sử bây giờ là ít khả năng kết nối với đời sống hôm nay.

"Không ai học sử cho vui. Mọi người cần về quá khứ để tìm hiểu cái gì đó liên quan đến họ, đến thời đại của họ, câu chuyện của họ, giúp giải bài toán đang đặt ra với họ", tiến sĩ Vũ Đức Liêm nói.

Muốn vậy thì lịch sử phải chi tiết, sống động, đầy màu sắc, phản ánh được bề sâu tư duy, tín ngưỡng, tinh thần của người Việt, chứ không chỉ có lịch sử quân sự, chính trị, các cuộc chiến tranh như sách giáo khoa lịch sử hiện nay đang làm.

"Lớp trẻ phải biết cha ông chúng ta không chỉ có đánh nhau mà còn muốn biết tổ tiên mình ăn mặc, đi lại, ở, yêu đương ra sao… Chừng nào sách sử chỉ theo khuôn khổ khô cứng thì không ai chú ý đến lịch sử cả, vì đó chỉ đơn thuần là các thông tin vô nghĩa", ông Liêm nói.

Nhưng ông lạc quan rằng nếu có nhiều những cuốn sách như Lĩnh Nam chích quái, hay 2 cuốn sách ra mắt hôm nay của Nhà xuất bản Kim Đồng là Truyền kỳ mạn lục Nam hải dị nhân liệt truyện thì không chỉ thúc đẩy người trẻ yêu thích với lịch sử, văn hóa của cha ông, mà còn đào tạo ra những thế hệ người Việt mới giàu tri thức nhân loại mà thấm đẫm văn hóa dân tộc.

Môn sử: nên tự chọn hay bắt buộc?: Thích lịch sử, có lý do chưa yêu môn sử Môn sử: nên tự chọn hay bắt buộc?: Thích lịch sử, có lý do chưa yêu môn sử

TTO - 'Mình thích tìm tòi kiến thức về lịch sử nhưng không yêu thích môn sử' - đó là chia sẻ của Phan Duy Anh, học sinh lớp 12D5 Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên