Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Vũ Lộc - nhà nghiên cứu lịch sử thiên văn và lịch pháp tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam - nói "lịch hai năm trùng nhau" đang được nhắc đến thực chất là các ngày tương ứng trong hai năm đều rơi vào cùng một thứ trong tuần.
Mỗi tuần chỉ có 7 ngày nên hiện tượng này không hề hiếm gặp.
Mỗi năm thường (không nhuận) có 365 ngày, chia 7 dư 1, nên sau mỗi năm thường, một ngày dương lịch sẽ "tiến một thứ", ví dụ như ngày 1-1 năm ngoái là ngày chủ nhật thì ngày 1-1 năm nay là ngày thứ hai.
Nếu cứ như thế thì sau mỗi 7 năm, mỗi ngày trong lịch lại trùng nhau về thứ trong tuần.
Tuy vậy, vì có năm nhuận với 366 ngày nên quá trình "tiến một thứ" nêu trên lại được đẩy nhanh 1 ngày mỗi khi đi qua ngày nhuận 29-2.
Trong 7 năm bất kỳ, nhất định có 1 năm nhuận, nên chỉ cần sau 6 năm là lịch hai năm (không nhuận) lại giống nhau. Ví dụ như lịch năm 2023 và năm 2017 giống nhau với ngày 1-1 đều rơi vào chủ nhật.
Nhưng nếu trong 7 năm nào đó lại có 2 năm nhuận thì chu kỳ "trùng lịch" chỉ còn 5 năm. Vì hai năm nhuận cách nhau 4 năm, cách 5 năm thì phải có một năm nhuận và một năm không nhuận. Hai năm như vậy nhất định không thể trùng nhau.
Ví dụ năm 2020 và 2025 cách nhau 5 năm và cùng có ngày 1-1 rơi vào thứ hai nhưng năm 2020 là năm nhuận nên lịch sau ngày 28-2 của hai năm đó sẽ khác nhau.
Như vậy, nếu muốn tìm hai năm nhuận có lịch trùng nhau thì phải đợi sự phối hợp của hai chu kỳ: 4 năm một lần nhuận và 7 ngày một tuần. Tức là hai năm nhuận cách nhau 28 năm sẽ có lịch giống nhau.
Đó là lý do vì sao lịch năm 2024 giống với năm 1996. Tương tự, lịch năm 2028 sẽ giống với lịch năm 2000.
"Một lưu ý khác mà nhiều người có thể bỏ qua, đó là theo phép đặt nhuận, các năm chia hết cho 100 nhưng không chia hết cho 400 thì không phải là năm nhuận (ví dụ như năm 1700, 1800, 1900). Nên chu kỳ trên cần phải điều chỉnh khi đi qua các năm này", ông Lộc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận