15/10/2012 07:32 GMT+7

Lời khai hạ gục Lance Armstrong

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TT - Cơ quan chống doping Mỹ (USADA) đã sử dụng hơn 20 lời khai, trong đó có đồng đội cũ, HLV và cả người chăm sóc cho các VĐV đua xe để kết tội cuarơ huyền thoại Lance Armstrong.

TT - Cơ quan chống doping Mỹ (USADA) đã sử dụng hơn 20 lời khai, trong đó có đồng đội cũ, HLV và cả người chăm sóc cho các VĐV đua xe để kết tội cuarơ huyền thoại Lance Armstrong.

Báo Guardian (Anh) đã có cuộc gặp với Emma O’Reilly - người chăm sóc cho các VĐV đội tuyển xe đạp Bưu điện Mỹ, nơi Armstrong từng khoác áo. Khi còn là một thiếu niên, cô Emma từng đua xe ở Ireland và từng làm trợ lý cho đội tuyển xe đạp quốc gia Ireland. Sau đó, cô xin vào làm việc ở đội Bưu điện Mỹ.

Tuy nhiên Emma sớm nhận ra rằng công việc của cô không chỉ giới hạn ở chuyện mátxa cơ bắp hay ủi quần áo. Cô tiết lộ mình đã trở thành một thành viên trong chiến dịch doping của đội Bưu điện Mỹ. Chiến dịch đó trở nên phức tạp hơn nhiều với sự xuất hiện của Lance Armstrong năm 1998. Khi đó, chưa tới tuổi 30, Emma thường xuyên vận chuyển chất kích thích qua biên giới, vứt bỏ thuốc và kim tiêm khi các nhân viên điều tra xuất hiện, và phân phối chất kích thích cho các tay đua khi họ cần. “Ai cũng dùng chất kích thích cả, chỉ là họ sử dụng một cách bí mật thôi - Emma mô tả - Chất kích thích là một phần của cuộc đua”.

Có lần Emma đi từ Pháp sang Tây Ban Nha rồi lại trở về Pháp để lấy thuốc kích thích cho Lance Armstrong, đưa tận tay cho anh ta tại khu để xe một nhà hàng McDonald ở Nice. Một lần khác, cô lấy một gói testosterone cho một tay đua khác. Emma cũng cung cấp đá lạnh cho các tay đua để họ ướp thuốc kích thích. Cô sử dụng tài trang điểm để che đậy những vết tiêm trên tay các tay đua.

Emma cho biết trong đội Bưu điện Mỹ, các tay đua thậm chí còn than phiền rằng đội không tận dụng thuốc kích thích một cách hiệu quả nhất. Trong một cuộc đua Tour de France, khi các nhân viên điều tra xuất hiện, các tay đua đã xả lượng doping trị giá 25.000 USD từ toilet của xe buýt xuống một cánh đồng.

Nhưng càng ngày Emma càng cảm thấy xấu hổ, tủi nhục và lo lắng vì hành động phi pháp. “Việc khó khăn, đau đớn nhất là đấu tranh với bản thân để nói ra sự thật” - Emma kể. Sau khi rời đội năm 2000, cô từ chối đề nghị tiếp cận của rất nhiều nhà báo. Nhưng càng đọc về những cái chết của nhiều tay đua, cô càng lo lắng.

Giờ ở tuổi 42, cô đã thuật lại toàn bộ thời gian mình làm việc cho đội Bưu điện Mỹ cho các nhân viên điều tra Mỹ. “Tôi chỉ muốn làm trong sạch môn đua xe đạp. Ở đó có sự khiêu khích, những áp lực khủng khiếp. Tôi chỉ muốn nói ra sự thật” - Emma khẳng định.

NGUYỆT PHƯƠNG

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Lance Armstrong Emma