01/06/2024 15:05 GMT+7

Ly dị đã 3 năm, vợ cũ xin không cắt hộ khẩu, có sao không?

Tôi ly dị được 3 năm rồi, không còn ở chung nhà nữa, nhưng vợ cũ xin không cắt hộ khẩu vì không muốn làm lại giấy căn cước, tài khoản ngân hàng.

Tôi cũng đồng ý cho cô ấy giữ tên trong hộ khẩu. Giờ tôi đang là chủ hộ, vào VNeID thì tên cô ấy vẫn còn mối quan hệ là vợ tôi trên app, vậy cho tôi hỏi sau này có trục trặc hay khó khăn gì về mặt giấy tờ hay mua bán nhà không?

Bạn đọc Long – long****@gmail.com gửi câu hỏi tư vấn.

Luật sư Tào Văn Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn về thay đổi nơi thường trú:

Luật sư Tào Văn Dũng

Luật sư Tào Văn Dũng

Quy định pháp luật về thay đổi nơi thường trú:

Theo thông tin anh cho biết thì anh đã ly dị vợ được 3 năm, vợ cũ không còn ở chung nhà nữa, nhưng xin anh không cắt hộ khẩu của cô ấy vì sợ đi làm lại giấy tờ. Lý do vợ anh đưa ra là không thuyết phục vì việc không khai báo nơi thường trú mới là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

- Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký, theo quy định tại khoản 4 điều 22 Luật Cư trú năm 2020.

- Khi không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, theo quy định tại khoản 1 điều 9 nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021.

Những bất lợi khi không đăng ký nơi thường trú mới:

Các giao dịch dân sự và hành chính của vợ cũ anh (sau khi ly hôn) như: chuyển nhượng, tặng cho nhà đất, phân chia di sản thừa kế, đăng ký xe… có thể gặp những trở ngại khi cần thiết liên hệ với cơ quan nhà nước tại nơi thường trú cũ. 

Các giấy tờ liên quan đến các giao dịch của vợ anh đều được gửi về địa chỉ nhà của anh, có thể có một số giấy tờ tống đạt của các cơ quan nhà nước phải giao cho người được tống đạt. Nên sẽ rất bất lợi trong việc giao nhận các giấy tờ liên quan. 

Gặp trở ngại khi cần phải xác nhận hộ tịch như: khai sinh; nhận cha, mẹ, con; giám hộ; kết hôn; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; xác định tình trạng nhân thân của cá nhân...

Khi có đủ điều kiện đăng ký thường trú ở nơi ở mới và đã hết hạn đăng ký nơi thường trú mới mà vẫn không đăng ký thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật về việc đăng ký nơi thường trú mới; xóa đăng ký thường trú cũ và điều chỉnh thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu. Khi đó, mối quan hệ hôn nhân giữa anh và vợ cũ cũng phải được điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu.

Riêng việc anh bán căn nhà (anh đã được công nhận quyền sở hữu) sau khi ly hôn thì sẽ không có trở ngại liên quan đến việc vợ cũ anh còn thường trú. Tuy nhiên, anh cần thông báo cho vợ cũ biết trước một khoảng thời gian để chuẩn bị chuyển đến nơi ở mới.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Đăng ký Tuổi Trẻ Sao

Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên