Hoàng Phương, Quỳnh Như và Huỳnh Tuyết Anh trong phim Những cô gái bên bờ biển của đạo diễn Akio Fujimoto chiếu tại TIFF 2020 - Ảnh: TIFF
Bộ phim Những cô gái bên bờ biển (Along the sea) thuộc thể loại tâm lý xã hội, miêu tả nỗi vất vả của những phụ nữ Việt Nam đến Nhật Bản với tư cách là thực tập lao động. Họ làm nghề lao công, chuyên cần dọn dẹp vệ sinh ở vùng biển xứ người.
Phim do đạo diễn Akio Fujimoto thực hiện, ba diễn viên Việt Nam là Hoàng Phương, Quỳnh Như và Huỳnh Tuyết Anh đóng ba vai chính.
Hơi ấm mùa đông xa xứ
Nhật Bản. Mùa đông lạnh lẽo. Những khoang tàu điện ngầm chật ních người chen chúc. Ba phụ nữ lao động nhập cư người Việt dáng vẻ mệt mỏi đứng cạnh nhau.
Một cô gái đứng sau với vẻ bơ phờ, đặt tay lên vai đồng hương phía trước như muốn tìm sự nương tựa và được cô bạn vỗ nhẹ lên bàn tay chia sẻ, ủi an.
Thế rồi bỗng nhiên mắt cô bạn hoe đỏ và nhòe nước. Cô thứ ba ngước mắt âu lo rồi đưa tay ngăn dòng nước mắt rơi trên má bạn. Những tình tiết tinh tế, đầy cảm xúc đó là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong phim.
Tác phẩm được chiếu trong hạng mục World Focus (Tâm điểm thế giới) tại TIFF năm nay gây dấu ấn mạnh mẽ về chủ đề cuộc sống, mưu sinh của những người nhập cư từ các nước châu Á hòa nhập vào xã hội Nhật Bản phải đối mặt và trải qua những thử thách chông gai như thế nào.
Trang tin Điện ảnh Nhật Bản cho hay: "Vì muốn bộ phim thật tự nhiên, chân thật nên đạo diễn Fujimoto đã chọn lựa diễn viên chưa từng có kinh nghiệm diễn xuất".
Những cô gái bên bờ biển không chỉ phản ánh nỗi trăn trở về thân phận lao động nhập cư nơi một xã hội hiện đại như Nhật Bản mà còn để lại những niềm tin và tình người. Làm việc cực nhọc giữa mùa giá rét, nhưng ba phụ nữ Việt Nam có những đàn chim hải âu trắng làm bầu bạn.
Và chính bản thân họ cũng phải dựa vào nhau, hỗ trợ nhau cùng tồn tại, vượt khó bằng tình thân, tình đồng hương.
TIFF vượt qua Covid-19 để thành công
Trong một năm tổ chức hạn chế do Covid-19, LHP quốc tế Tokyo lần thứ 33 (bế mạc ngày 9-11 với bộ phim Hokusai của đạo diễn Hajime Hashimoto) vẫn vượt qua khó khăn, linh hoạt thu hẹp quy mô, phạm vi hoạt động, tăng cường các biện pháp phòng chống lây nhiễm virus để "mang niềm vui và cảm xúc xem phim qua màn ảnh rộng đến khán giả, góp phần xốc dậy tinh thần của công chúng" như lời của ông Hiroyasu Ando - chủ tịch TIFF.
Do ảnh hưởng của Covid-19, TIFF phá lệ thông thường và áp dụng sáng kiến kết hợp các hạng mục giải thưởng chính, Tương lai châu Á và Điện ảnh Nhật Bản thành một phần tranh giải chung đặc biệt mang tên "Tokyo Premiere 2020".
Nhiều buổi chiếu phim, giao lưu đạo diễn, diễn viên và hội thảo được chuyển sang hình thức online và được chia sẻ rộng rãi qua mạng.
Trong hội thảo "Sản xuất phim ở ASEAN kể từ khi có Covid-19" ngày 6-11, các diễn giả chia sẻ cập nhật tình hình mới nhất trong ngành công nghiệp điện ảnh ở các quốc gia châu Á bị ảnh hưởng bởi đại dịch cũng như cách mà các nhà làm phim Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội "trong nguy có cơ".
Thật thú vị là TIFF 2020 cũng trình chiếu thêm một bộ phim khác về đề tài lao động nhập cư trên đất Nhật là Đến & đi (Come and Go) - dự án phim của đạo diễn người Nhật gốc Malaysia Lim Kah Wai.
Phim quy tụ dàn diễn viên đa quốc gia - trong đó có diễn viên Liên Bỉnh Phát (giải Viên ngọc quý Tokyo tại TIFF 2018 nhờ vai diễn trong phim Song Lang) đóng vai một thực tập sinh Việt Nam sống và làm việc tại TP Osaka (Nhật).
TIFF còn trình chiếu tuyển tập phim Sông Mekong 2030 gồm các phim kết hợp của năm nhà làm phim châu Á, trong đó có Phạm Ngọc Lân (Việt Nam) góp mặt với phim Dòng sông không nhìn thấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận