Phóng to |
Bà Bùi Thị Ngọc Hương và cháu ngoại Mỹ Duyên tại chùa Pháp Vân - Ảnh: Hoàng Hoa |
Có người mang theo mền mùng, gạo, có người phải đi rửa chén thuê, thậm chí phải bán cả chiếc nhẫn cưới của mình... Tất cả chỉ vì con.
Bà
Bà Bùi Thị Ngọc Hương (Đà Lạt, Lâm Đồng) trước khi đưa cháu ngoại đi thi đại học ở Sài Gòn đã chuẩn bị sẵn một cái... mền rách. Bà bảo chỉ vì bà lo xa, sợ mảnh đất xa lạ không có chỗ cho hai bà cháu. May mắn khi vừa xuống bến xe đã được các bạn sinh viên tình nguyện hướng dẫn tới ở trọ miễn phí tại chùa Pháp Vân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), bà Hương mừng đến rớt nước mắt.
Ngồi kể chuyện nghèo của mình mà hai bàn tay khô héo, nhăn nheo của bà cứ đan siết vào nhau. Bà vừa thở vừa nói thì thào: “Mẹ nó gần 50 tuổi rồi, sức đã yếu lại mắc bệnh thiếu máu bẩm sinh nên ốm đau bệnh hoạn suốt, mỗi lần đi nhà thương tốn hàng chục triệu đồng. Cha nó theo vợ bé, bỏ lại ba đứa con thơ, thành thử cái gì cũng đến tay ngoại. Anh và chị nó chẳng ai dám đi thi đại học vì không có tiền. Nhưng Mỹ Duyên là út, lại chịu khó học nhất nhà nên tôi nhất quyết không để nó thiệt thòi”.
Lần đầu tiên hai bà cháu lọ mọ đến Sài Gòn, cháu nép vào lòng bà bảo sợ lạc đường, sợ người lạ lừa gạt, sợ mất cắp, sợ không có chỗ ngủ. Bà xoa đầu cháu trấn an: “Cùng lắm trải cái mền rách ra ghế đá công viên, không được nữa thì xin vô trú tạm ở đồn công an một đêm. Mình đi thi đại học chứ có đi làm gì đâu mà phải sợ”.
Vậy là bà đập con heo đất, gom hết tiền lẻ dành dụm gần hai năm được hơn 2 triệu đồng, bỏ qua chứng bệnh thấp khớp, đau lưng, khăn gói cùng cháu ngoại đi Sài Gòn. Gần hai năm bỏ ống heo, bòn mót từ rổ cóc, ổi, xoài bán ở vỉa hè không biết có đủ cho một lần đưa cháu đi thi. Để tiết kiệm, bà chỉ ăn chay, còn bao nhiêu tiền để dành cho cháu uống nước, ăn sáng.
Nói đoạn, ánh mắt bà chợt lo âu: “Xong chuyến này, về tiếp tục bỏ ống heo để cháu đỗ đại học còn mua cho cái máy tính, lỡ hứa với cháu rồi. Trời thương không có bệnh hoạn gì, còn xoay tới đâu hay tới đó. Tài sản duy nhất cho cuộc đời bà già này là con, là cháu. Chúng khỏe mạnh, được ăn học đàng hoàng là bà già này mừng lắm rồi”. Bà Hương không giấu được những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má khô gầy. Chỉ có ánh mắt vẫn tươi như nuôi hi vọng về đứa cháu ngoan, học giỏi có thể thi đậu đại học. Hi vọng ấy khiến bà lão 75 tuổi này quên hết mệt nhọc ở chốn thị thành...
Mẹ
Phóng to |
Chị Trần Thị Ánh (quê Đức Trọng, Lâm Đồng) đắn đo, cân nhắc để có một bữa cơm vừa ngon vừa rẻ tại phòng trọ cho con trước giờ thi Ảnh: H.Hoa |
Trước cổng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, một bà mẹ tay xách vali, tay cầm bọc nilông lỉnh kỉnh nước, bánh mì, nhấm nhứ mấy lần mà không qua được đèn đỏ. Người mẹ nghèo khó quê ở Trảng Bàng, Tây Ninh ấy vừa đưa con đến Thủ Đức, TP.HCM dự thi. Để qua được cơn khốn khó này, chị chọn cách tiết kiệm là... uống nước chín và ăn bánh mì.
Chị Nguyễn Thị Ánh tâm sự: “Lần nào bán con heo con gà, vợ chồng cũng bỏ ống heo một chút. Nhưng đập heo chỉ được hơn 2 triệu đồng. Năm nay, bé Châu thi hai khối A và B, còn bốn ngày nữa mới hết kỳ thi mà trong người đã gần cạn tiền”. Nhìn xuống chiếc nhẫn đeo trên tay, chị thở dài: “Có lẽ phải bán nốt chiếc nhẫn này thôi”.
Chiếc nhẫn vàng 1 chỉ là gia tài của hai vợ chồng dành dụm đề phòng khi ốm đau. Chị không dám đeo bên mình, chỉ bỏ trong tủ khóa lại vì sợ tuột mất. Vậy mà trong cảnh khốn đốn này, chị đã phải nghĩ đến tình huống bán nó.
Lại có một bà mẹ nghèo khó tranh thủ rửa bát thuê trong quán cơm để có tiền nuôi con đi thi đại học. Trong quán ăn sinh viên đông nghịt người trước cổng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM (làng đại học Thủ Đức), một người phụ nữ khom mình bưng bê chồng bát đĩa cao ngất với vẻ lóng ngóng. Đó là một người mẹ từ Phù Cát, Bình Định vào đưa con đi thi đại học. Để trang trải tiền ăn, tiền phòng trọ cho con, chị đã xin phụ việc ở quán ăn này để kiếm tiền.
Ở quê thu nhập của vợ chồng chị chỉ dựa vào những ngày oằn lưng gánh gạch thuê để nuôi bốn con ăn học. Thu nhập ba cọc ba đồng nên khi con trai đầu lòng thi đại học, vợ chồng chị phải xin chủ lò gạch ứng trước 3 triệu đồng. Mang theo 3 triệu đồng vào Sài Gòn, chưa đến ngày thi đợt hai mà mẹ con chị chỉ còn chưa đầy 1 triệu. Đánh liều, chị lân la hỏi bà chủ nhà trọ cũng là chủ quán cơm được phụ bưng bê và rửa bát với tiền công 50.000 đồng/ngày: “Tui làm được ba ngày rồi. Mẹ có làm gì đâu, tranh thủ kiếm thêm chút tiền mua sữa, bánh mì bồi dưỡng cho con. Mẹ không sợ mệt, không sợ đau lưng, không sợ đôi tay phồng rộp, chỉ sợ con xấu hổ với bạn bè, người quen”.
Nỗi niềm mồ côi Ngồi lặng lẽ một góc cầu thang trong chùa Ngọc Lâm (Q.6, TP.HCM), Trần Thị Phương Thảo (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, Tây Ninh) gí sát cặp kính cận vào cuốn sách Lịch sử lớp 12. Thảo mồ côi cả cha lẫn mẹ nên luôn mơ ước đậu vào ngành sử của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để không phải đóng học phí. Giữa năm 2006, cha Thảo mất sau một vụ tai nạn giao thông. Mẹ bị bệnh tim bẩm sinh, không qua nổi cú sốc mất chồng nên lăn ra ốm, nằm viện suốt gần bốn tháng rồi cũng đi theo cha. Cô bé ở một mình trong căn nhà trống, xung quanh ngút ngàn cỏ, tràm và bạch đàn. Ông bà ngoại đã mất, nhà nội ở tận Ninh Thuận, gần Thảo chỉ còn duy nhất dì ruột nhưng năm nay đã ngoài 70 tuổi nên chẳng giúp được gì. Thảo nói trong nước mắt: “Ngày mẹ mất, cả nhà chỉ còn đúng 10.000 đồng nhàu nát trong túi áo mẹ. Em phải nhịn đói nhiều ngày liền. Chỉ có nhỏ bạn thân gần nhà mang cơm cho em ăn. Lên cấp III, em đi học nửa buổi, còn nửa buổi đi làm thuê làm mướn cho người ta, mỗi ngày kiếm được 40.000-50.000 đồng”. Lên lớp 12, Thảo xin chuyển qua học bổ túc. Học ban đêm, ban ngày Thảo đi bế em cho người ta, mỗi tháng kiếm được 900.000 đồng. Để có việc làm suốt một năm, Thảo phải ở đậu nhà nội đứa bạn thân tại thị xã Tây Ninh. Hết lớp 12, Thảo đăng ký thi đại học nhưng sắp đến ngày đi thi thì đánh rớt hết tiền. Ở trên đó không biết nhờ cậy ai, lại rất khó kiếm việc làm nên em đến Củ Chi, TP.HCM xin làm công nhân đóng gói bao bì, lương 1,4 triệu đồng/tháng. Sau gần một năm đi làm, số tiền tích cóp được Thảo dùng để đi ôn thi đại học. Bắt xe buýt lên thành phố dự thi, trong người chỉ còn vài chục ngàn đồng. Nói đến đây, nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt sạm đen của cô học trò 18 tuổi. Em nói trong tiếng nấc: “Từ khi mẹ mất, em ăn chay trường. Đó là một cách để em nhớ về mẹ và cũng là để tiết kiệm. Vào chùa, em xin sư cô cho em ăn chay bữa trưa và bữa tối. Em chỉ mong đỗ vào ĐH sư phạm để bớt khoản lo về học phí”. “Alô, tiếp sức mùa thi nghe...” “Phải đường dây nóng tiếp sức mùa thi không?”. “Dạ, đúng rồi chú...”. “Không có chi, tui gọi hỏi cho chắc, đến hôm nào lên TP tui gọi. Sợ nhầm, chả biết trông cậy vào đâu. Thôi ngủ tiếp đi nhé...”. Những cuộc gọi như thế vào lúc nửa đêm là điều bình thường đối với các đội trưởng đội tiếp sức mùa thi. Mùa thi ĐH này, số điện thoại di động của họ tạm thời biến thành đường dây nóng hỗ trợ thí sinh. 12g đêm, sau một ngày chạy đôn chạy đáo tìm chỗ trọ cho thí sinh, đội trưởng cụm tiếp sức mùa thi ngã tư Thủ Đức Lâm Văn Tỉ (sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) vừa chợp mắt thì chuông điện thoại reo inh ỏi. Một giọng nói hốt hoảng gần như khóc: “Cháu ơi, con cô đi lạc giờ không biết đường nào mà về”. Hỏi ra mới biết bà mẹ đang ở Cà Mau gọi điện thoại cho đường dây nóng để cầu cứu vì con trai bà đang bị lạc ở Sài Gòn. Con trai bà một mực đòi đi thi một mình vì “con đã lớn”. Thi xong buổi sáng, buổi chiều cậu con trai tự mình đón xe buýt đi khám phá phố xá Sài Gòn. Cậu đi hết chuyến xe này đến chuyến khác, qua phố này đến phố khác... Đến lúc xe buýt dừng chạy cũng là lúc cậu ở Q.5, chẳng biết làm sao tìm đường về phòng trọ ở Q.Thủ Đức. Trong lúc bối rối, cậu chỉ biết gọi cho mẹ. Mẹ càng rối lên lo cho con lạc giữa Sài Gòn. May sao, người mẹ nhớ ra số điện thoại đường dây nóng mấy ngày trước đã gọi để hỏi về thông tin tuyển sinh. Nhận được điện thoại, Tỉ bật dậy gọi cho các đường dây nóng khu vực Q.5 để giúp đỡ cậu bé. Cậu bé về đến nhà trọ an toàn. Người mẹ gọi điện cảm ơn rồi hỏi đường cặn kẽ để “ngày mai lên với nó chứ ở nhà nóng ruột quá”. Mỗi ông bố, bà mẹ gọi đến từ các vùng quê khác nhau, có con thi các trường khác nhau, hoàn cảnh cũng khác nhau nhưng đều chung một lòng lo lắng cho con, muốn chuẩn bị tốt nhất cho con trong kỳ thi vất vả, căng thẳng này. “Trực đường dây nóng mới hiểu nhiều khi các bậc cha mẹ lo lắng còn hơn người con đi thi. Mỗi lần nhấc điện thoại lên, chúng tôi lại thấy niềm tin đang được gửi gắm nên thấy mình cần phải chia sẻ nỗi lo lắng ấy” - đội trưởng Tỉ tâm sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận