26/08/2018 18:09 GMT+7

Leon Lê: Chàng Việt kiều Mỹ mơ giấc mộng cải lương

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Gần mười năm trước, Leon Lê một thân một mình về Việt Nam tìm kiếm cơ hội để tự dựng một vở cải lương trên sân khấu. Ai nghe anh nói về ý định ấy cũng phì cười, không ai tin vào tình yêu của một chàng Việt kiều dành cho cải lương xứ Việt!

Leon Lê: Chàng Việt kiều Mỹ mơ giấc mộng cải lương - Ảnh 1.

Đạo diễn Leon Lê và diễn viên Issac (vai Linh Phụng) tại trường quay phim Song Lang - Ảnh: ĐPCC

Với bộ phim dài đầu tay, tôi đã xác định đó phải là bộ phim mà mình muốn làm. Và phải có cải lương!

Đạo diễn Leon Lê

Căn hộ nhỏ nơi Leon Lê đang ở nằm trên một chung cư cũ kỹ ngay trong lòng chợ cũ Sài Gòn. 

Leon kể anh mới dọn về đây được gần hai năm, từ lúc bắt đầu chạy dự án Song Lang cùng nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. 

Ngày ngày từ căn hộ này, anh có thể nghe rất rõ những thanh âm của Sài Gòn: tiếng lao xao buôn bán ngoài chợ, tiếng chim hót thảnh thơi ngoài mái hiên, cả tiếng mưa tí tách thi vị ngoài song sắt cửa, "cuộn phim thời gian" trong đầu anh bắt đầu tua chậm về một tuổi thơ nghèo khó, ngây thơ nhưng cũng lãng mạn nhất với cải lương Sài Gòn.

Việt kiều mà mê cải lương

13 tuổi, Leon rời Sài Gòn sang Mỹ chỉ vì gia đình anh sợ: nếu không sớm tách anh ra khỏi cải lương và những cuốn băng cassette tuồng cổ anh mở nghe tối ngày, sớm muộn gì anh cũng sẽ trở thành kép hát! 

Mà thật vậy, đến khi ra đi, hành trang của anh cũng chẳng có gì nhiều ngoài một vali đựng đầy băng cassette các vở cải lương anh mê mẩn. 

Những cuốn băng cũ mèm, bôn ba bao năm tháng... mới đây lại cùng anh trở về Việt Nam để trở thành đạo cụ cho bộ phim đầu tay của Leon: Song Lang.

Song Lang là một cốc cà phê sữa có dư vị ngọt ngào xen hậu đắng nhẹ! Một bộ phim cài cắm đầy rẫy chi tiết tinh tế, mà mỗi lần xem xong khán giả lại có cảm giác khoan khoái như vừa giải thêm được một câu đố - phần thưởng cho sự tĩnh lặng đắm chìm cùng một tác phẩm điện ảnh lớp lang. 

Còn với Leon, đó là hành trình tạm khép lại những ám ảnh đằng đẵng cùng cải lương mà có nhiều lúc anh từng nản.

Mười năm trước, Leon trẻ hơn bây giờ, điên rồ và cũng nhiều mơ mộng hơn. 

Từ Mỹ về Việt Nam, anh mang theo một giấc mơ to lớn: sẽ dựng lại một vở cải lương, làm sống lại những năm tháng vàng son của cải lương thập niên 1980 - nơi anh từng là một đứa trẻ bị bố mắng mẹ la chỉ vì tối ngày trốn đi coi tuồng.

"Gia đình tôi là dân Bắc "54", ở nhà thì bố mẹ nghe chèo. Cứ thứ bảy thì tôi lại được bố dẫn vào Nhà văn hóa Lao động coi hát bội. 

Nhà tôi lại ở gần rạp Minh Châu, tối nào có tuồng thì y như rằng tôi lén mẹ chạy ra rạp đứng cả tiếng đồng hồ dòm qua cái lỗ xem hát. Những ký ức đó nằm mãi trong mình. Đó là lúc tôi yêu cải lương nhất!" - Leon nhớ lại.

Nhưng giấc mơ được làm lại một vở cải lương "nguyên chất" là một chuyến phiêu lưu mà chắc chắn sẽ lỗ về mặt kinh phí, cũng sẽ không đạt được yếu tố nghệ thuật như Leon mong mỏi trong bối cảnh cải lương giờ đây đã khác trước quá nhiều. 

Lúc đó, trong đầu Leon đã nghĩ đến việc chuyển hướng sang làm một bộ phim, một năng khiếu... vô tình được anh phát hiện và cũng làm anh mê mẩn không kém. 

"Nhà tôi ở rất gần nhà anh em Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn. Mỗi lần qua chơi lại thấy anh Charlie hí hoáy ngồi viết kịch bản hay quay dựng một cái gì đó". 

Năm 16, 17 tuổi, Leon đã góp ý cho kịch bản "Làm phim thời Hùng Vương 18" của Charlie, rồi viết kịch bản phim ngắn Ma nữ đa tình cho Vân Sơn. 

Dần dần Leon thích phim, anh bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc hơn con đường điện ảnh bằng những phim ngắn được đầu tư bài bản, nổi bật nhất là hai phim ngắn đã tạo được tiếng vang: Dawn (Bình minh, ra mắt năm 2013) và Talking to my mother (Trò chuyện cùng mẹ, ra mắt năm 2015).

"Với bộ phim dài đầu tay, tôi đã xác định đó phải là bộ phim mà mình muốn làm. Và phải có cải lương, vì không biết chừng nào mới có cơ hội đưa được cải lương vô phim nữa..." - Leon tâm tư. 

Cùng với nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, Leon bắt đầu phát triển ý tứ cho Song Lang từ câu chuyện về một anh giang hồ say đắm cải lương và một kép chánh đầy tâm tư trong một đoàn cải lương Nam Bộ những năm 1980...

Người ta nói nghệ sĩ nói chung và kép hát nói riêng là phường vô học? Nhưng nhớ lại thì ngày xưa, nghệ sĩ dù có diễn cương cũng diễn rất hay, lời văn, ý tứ nghe đều thấm thía. 

Leon nghe cải lương riết đến mức ngôn ngữ Hán Việt ngấm vào anh từ khi nào chẳng rõ. 

Hơn 20 năm sống ở nước ngoài, tiếng Việt của anh vẫn rất phong phú, đến độ anh có thể ngồi xuống soạn lời cho một số bài bản cải lương xuất hiện trong Song Lang với những "uyên ương, âm dương, chia cách đôi đường" ngọt ngào, tình tứ mà chẳng cần dụng công nhiều.

Với tất cả tình cảm trong trẻo nấy, Leon không mộng sẽ làm ra được một tác phẩm cao siêu để đời gì, mà làm phim với anh như một cách để gìn giữ những hào quang rực rỡ cho cải lương một thời. 

Ít ra cũng có thể mang bộ phim ấy khoe với bạn bè thế giới, giới thiệu với họ về một bộ môn nghệ thuật đặc sắc đang mai một...

Tôi thích bộ phim Song Lang vì chữ “nợ” mà nó chuyên chở! Rồi lại tự thấy chính mình cũng “nợ” một lời cảm ơn đến những người làm ra một bộ phim thật tử tế, có gu thẩm mỹ thật tốt cho công chúng xem. Điện ảnh Việt cần lắm những con người như thế, những sản phẩm tinh tế như thế!

NSƯT Thành Lộc

"Ai cũng bảo tôi chọn đường đầy gai..."

Những ngày Song Lang ra rạp có lẽ là những ngày vừa vui vừa buồn với Leon. Vui vì sau bao gian nan, thai nghén, bộ phim đã hoàn thành chỉn chu nhất trong khả năng có thể. 

Còn buồn vì nhiều người vỗ vai Leon nói: Nếu anh chọn kiểu làm phim như Song Lang tại thị trường Việt Nam ở thời điểm này, con đường anh đi sẽ gặp vô vàn chông gai. Họ nói chẳng sai!

Nhưng Leon ngồi thần ra, nghiệm lại: hóa ra cuộc đời của anh từ bé đến giờ không có điều gì anh muốn mà khi nghe xong người ta gật đầu bảo anh sẽ làm được cả! 

"Khi tôi nói tôi muốn trở thành một diễn viên nhạc kịch Broadway, mọi người bảo: Mày mới qua Mỹ mấy năm, tiếng còn chưa rành, mà diễn viên múa là phải tập từ nhỏ, phải nằm trong máu, rồi người Á Đông sẽ bị kỳ thị, không làm được đâu... Tôi cứ kệ và vẫn đến New York học, để đến năm 20 tuổi tôi có sô diễn đầu tiên trong đời! 

Rồi khi tôi học nhạc kịch, 10 người học thì 9 người bỏ nghề vì không trụ nổi, tôi vẫn tiếp tục, tiếp tục đến khi nó trở thành một cái nghiệp của mình đến tận bây giờ. 

Lần đầu tiên tôi nói tôi muốn về Việt Nam thử xem có cơ hội hợp tác nào không, ai cũng bảo thôi về làm gì, lạ nước lạ cái... 

Thành ra lớn lên một chút, đến tuổi này rồi tôi cứ im ỉm, mình muốn làm gì mình cứ kiên trì với giấc mơ ấy. Không có gì là không thể làm được cả, chỉ cần mình lì và quyết tâm với nó" - Leon nói.

Trước khi ra rạp khoảng một tháng, thông tin của Song Lang mới bắt đầu được rò rỉ ra ngoài. 

Trước đó, trong thời gian gần hai năm, không một diễn viên nào trong phim được post Facebook hay lên báo chí khoe khoang bất kỳ thông tin gì về bộ phim. Đó là quy định của Leon. 

"Mình chưa làm xong, có gì để khoe?" - Leon "dằn mặt" từng người trong đoàn như thế và với chính mình, anh cũng sẵn sàng... bất chấp thị hiếu của khán giả để bảo vệ "đứa con" đầu tay trước sóng gió thị trường mà đôi lần nhà sản xuất của bộ phim đã lung lay, chùn bước. 

"Tôi chỉ nghĩ một điều: có đáng để hi sinh lòng tự trọng của một bộ phim để lấy một nhóm nhỏ fan của ca sĩ này, người mẫu nọ hay không? Tôi thấy không đáng. Tôi sẽ không làm một bộ phim chiều theo mong ước của họ" - Leon thẳng thắn.

Và giấc mơ phim nhạc kịch

Song Lang ra rạp, nhận vô số lời khen ngợi và cảm ơn từ giới chuyên môn và khán giả. Không ít khán giả chia sẻ phải xem lại lần 2, lần 3. 

Còn với Leon, sự hài lòng của anh dành cho bộ phim dài đầu tay dù chỉ dừng ở mức tương đối, chưa thật "đã", nhưng cái đích cuối cùng là làm một bộ phim có cải lương thì đã đạt được. 

Leon giờ đã sẵn sàng để trở về với thực tại cùng một giấc mơ khác cũng dữ dội và dịu êm chẳng kém gì: một bộ phim nhạc kịch (musical film) đúng nghĩa, đúng sở trường của anh, cũng là thể loại mà các nhà làm phim Việt đã manh nha nhưng chưa có bộ phim nào thực sự để lại dấu ấn trong lòng khán giả.

Leon không nói quá nhiều về giấc mơ ấy, anh chỉ cười, nhẹ nhàng bảo: "Ngôn ngữ tiếng Việt không thể viết được lời thoại dùng để hát vì tiếng Việt có dấu, không giống như tiếng Anh không dấu, có thể hát dễ dàng mà nghe nó không bị... ngớ ngẩn. Mình cần có những cách xử lý thông minh hơn". 

Chỉ nhiêu đó mà chẳng hiểu sao người nghe lại có rất nhiều niềm tin rằng Leon lại sẽ làm được một điều gì đó khác biệt và mạnh mẽ hơn cho dòng phim nhạc kịch Việt Nam, dù là năm năm, mười năm hay lâu hơn thế!

song lang

Đóng cặp cùng Issac, Liên Bỉnh Phát (phải) với hóa thân trọn vẹn vai Dũng “thiên lôi” được xem là một phát hiện mới của điện ảnh Việt - Ảnh: ĐPCC

* Đã từ rất lâu rồi, Việt Nam mới có một bộ phim như Song Lang. Song Lang là một bộ phim về tình người, về lòng tự trọng của con người, về vòng xoay bất tận của khổ và diệt khổ, của nhân và quả, của thiện và ác. Và của hạnh phúc không thể đạt tới.

Nhờ sự tinh tế, ý nhị trong từng khuôn hình và sự mượt mà trong cách dựng phim, ta có thể cảm được sự mong manh chớm chạm đến ranh giới của khao khát yêu và được yêu, một nỗi trống vắng mơ hồ thoảng nhẹ, thật khẽ của thời cuộc và của kiếp làm người.

Nhà sản xuất Marcus Mạnh Cường Vũ

* Tôi đã bỏ tiền mua vé xem Song Lang lần hai và vẫn cảm xúc đong đầy, mãn nguyện với bộ phim.

Tôi cảm thấy mình giàu có khi cảm nhận, nuốt trọn được những khung hình đẹp và tinh xảo, những món đồ vật khơi gợi ký ức của những năm 1980 đầu 1990 ùa về, những câu thoại dễ thương, những câu chuyện rất đời... và trên hết là cảm xúc nhân bản, dữ dội, hoài vọng rồi cứ âm ỉ khắc khoải trong tiềm thức sau khi rời rạp.

Một bộ phim làm ta tự vấn về lương tri, về hạnh phúc, về những điều mà ta coi là quý giá nhất với mình và suy ngẫm nhiều hơn về ký ức văn hóa, ký ức của đô thị mà ta đang sống.

Nhà báo Nguyễn Hậu

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên