Leo thang cuộc chiến chip Mỹ - Trung

THANH TUẤN 23/09/2024 09:49 GMT+7

TTCT - Cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục bước leo thang mới khi chính quyền Biden sẽ siết các công nghệ lõi liên quan tới máy tính lượng tử và các sản phẩm bán dẫn khác.

Đồng thời, Mỹ cũng phối hợp với các đồng minh chủ chốt trong hạn chế đà tiến của Trung Quốc liên quan lĩnh vực này.

Leo thang cuộc chiến chip Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Ảnh: Asia Times

Thời điểm này, các nhà sản xuất chip đại lục đối mặt với thách thức nghiêm trọng sau khi Hà Lan vừa cấm nhà sản xuất ASML cung cấp dịch vụ cho máy móc của họ tại Trung Quốc.

Cú đòn ASML

Đầu tháng 9, Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Hà Lan Reinette Klever thông báo quy định mới về kiểm soát xuất khẩu, trong đó yêu cầu ASML phải xin phép khi bán máy quang khắc 1970i và 1980i cho khách hàng Trung Quốc. 

Ngoài ra, ASML phải xin giấy phép mỗi lần làm dịch vụ, cung cấp thiết bị thay thế, hay thậm chí là nâng cấp phần mềm cho hệ thống quang khắc từng bán ở đại lục. Đây là động thái để Hà Lan đồng nhất về biện pháp với phía Mỹ trong siết chặt cấm vận chip với Trung Quốc, có hiệu lực từ cuối năm ngoái của Washington.

ASML hiện là công ty chi phối độc quyền của các loại máy in quang khắc tiên tiến nhất, nên động thái này sẽ tác động nghiêm trọng lên việc phát triển chip hiện đại của Trung Quốc. 

ASML từ chối bình luận về việc cung cấp dịch vụ với các máy này, nhưng dịch vụ bảo dưỡng là một phần quan trọng để đảm bảo dây chuyền sản xuất chip. Kỹ sư dịch vụ thường phải có mặt 24/24 trong trường hợp máy móc có vấn đề. Tại Trung Quốc, model 1980i là máy chủ lực cho các xưởng sản xuất chip vì tính đa năng, có thể sản xuất trên nhiều mẫu khác nhau.

Theo báo Hong Kong SCMP, tác động ngắn hạn sẽ rất lớn với ngành công nghiệp chip đại lục. Kể từ khi ASML gia nhập thị trường Trung Quốc năm 1988, tập đoàn này đã lắp hơn 1.000 máy quang khắc cùng các giải pháp đi kèm, theo ông Shen Bo, quản lý một nhà máy (China Daily tháng 9-2023). ASML hiện chưa công bố bao nhiêu máy bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm mới nhất.

Roger Dassen, giám đốc tài chính của ASML, nói trong cuộc họp tháng 7 rằng các máy ở xưởng tại Trung Quốc vẫn đóng góp đáng kể vào doanh thu của tập đoàn. 

Tuy nhiên, bảo dưỡng chỉ là vấn đề nhỏ so với việc không thể mua máy in quang khắc tiên tiến nhất. Hiện việc bảo dưỡng hay kiếm thiết bị thay thế vẫn không khó bằng việc xây dựng hệ thống quang khắc mới từ đầu.

Leo thang cuộc chiến chip Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Ảnh: ASML

Cuộc chiến lan rộng

Trung Quốc đại lục là thị trường lớn thứ hai của ASML sau Đài Loan, nhưng là nơi đã đối mặt một loạt lệnh cấm liên quan tới máy in quang khắc từ 2019. ASML hiện bị cấm bán máy scan quang khắc EUV, hệ thống rất cần cho chip nhỏ hơn 7nm, cũng như hệ thống in thạch bản cực tím sâu DUV. 

Giấy phép liên quan các công ty Trung Quốc bị cấm hiện tại cũng sẽ không được cấp lại, còn giấy phép mới sẽ bị từ chối. "Nếu phía Hà Lan không phản kháng, Mỹ chắc chắn sẽ đưa ra thêm các cấm vận", theo biên tập viên Paul Van Gerven của Bits&Chips.

Trong quý 2-2024, kim ngạch hàng xuất khẩu của ASML sang Trung Quốc là 2,5 tỉ USD, tương đương gần 1/2 doanh thu toàn cầu của tập đoàn này. ASML nói năm 2023, họ chỉ đủ sức thực hiện 50% đơn hàng từ Trung Quốc vì khối lượng đặt hàng quá lớn.

Về lệnh cấm của chính quyền Biden, quy định mới sẽ nhắm vào máy tính lượng tử và các thiết bị liên quan, thiết bị làm chip tiên tiến, công nghệ chip "gate all-around" (GAA), cùng một loạt thiết bị, phần mềm liên quan tới các kim loại và hợp kim. 

Theo Bloomberg, quy định mới sẽ nhắm tới xuất khẩu toàn cầu, dù sẽ có cấp phép cho các nước đồng minh đã có chính sách cấm với Trung Quốc tương tự.

Bộ Thương mại Mỹ tính toán cấp phép miễn trừ sẽ tạo động lực cho các nước khác tham gia theo Mỹ, vốn là nước đang dẫn đầu trong một loạt lĩnh vực học thuật, nghiên cứu chip. 

Washington cũng siết chính sách với Trung Quốc và các nước thân Bắc Kinh nhằm hạn chế việc tiếp cận công nghệ hàng đầu cần cho phát triển AI do lo ngại lợi thế về chip có thể giúp Bắc Kinh có lợi thế về công nghệ quân sự.

Nỗ lực của Mỹ trước kia bao gồm một loạt biện pháp đơn phương, nhưng giờ Washington đang cố gắng phối hợp với nhiều đồng minh hơn - như luật cấm xuất khẩu quy mô lớn từng triển khai từ 2022 - và xây dựng khuôn khổ cấm đoán có tính toàn cầu hơn.

Mỹ và Trung Quốc là các nước đi đầu trong phát triển máy tính lượng tử, được cho là then chốt với cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo. 

Một số chuyên gia lo ngại lệnh cấm vận của Washington chưa chắc cản trở được bước tiến của Bắc Kinh trong công nghệ lượng tử. 

Dù sẽ còn nhiều năm để có thể tạo ra đột phá thực sự cách mạng và hiện còn rất không ổn định, máy tính lượng tử có tốc độ gấp hàng triệu lần máy tính truyền thống. Các nước trên thế giới đã đầu tư hàng tỉ USD vào ngành này do lo sợ các lợi thế về kinh tế và quân sự cho nước "về đích trước".

Mỹ hiện cũng chuẩn bị một loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu liên quan đến chip bộ nhớ băng thông cao (HBM) - cấu phần quan trọng để phát triển AI - và một loạt công cụ sản xuất chip khác. Các biện pháp này sẽ được áp dụng trên toàn cầu, có ngoại lệ cho một số đồng minh như Nhật Bản và Hà Lan, hai nước quan trọng hàng đầu trong chuỗi cung ứng chip.

Cả Nhật và Hà Lan từ năm 2022 đã phối hợp với Mỹ để thực hiện một số lệnh cấm xuất khẩu tới Trung Quốc, nhưng vẫn có những khác biệt về chi tiết khiến nhiều tập đoàn Mỹ không hài lòng. Washington đang vận động để xử lý các khác biệt này, trong khi theo đuổi chiến lược đa phương mới về cấm vận với Trung Quốc.

Leo thang cuộc chiến chip Mỹ - Trung - Ảnh 3.

Ảnh: Nikkei Asia

Theo GIS, các lệnh cấm của phương Tây không chỉ có tác động xấu với đại lục mà còn với chính phương Tây.

Hiện thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 40% lượng chip toàn cầu, nên bất cứ lệnh cấm nào cũng sẽ tác động nghiêm trọng tới doanh thu của các công ty và ảnh hưởng lớn lên kinh tế toàn cầu.

Trong trường hợp phương Tây quyết tâm theo đuổi cấm vận để phong tỏa Trung Quốc về mặt kinh tế, công nghệ và quân sự, điều này có thể dẫn tới phân rã hoàn toàn giữa hai hệ thống, đồng nghĩa với chấm dứt hoàn toàn kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Bất cứ động thái dịch chuyển chuỗi cung ứng nào để chuyển sản xuất về Mỹ và châu Âu cũng sẽ có tác động lớn và đòi hỏi khoản đầu tư khổng lồ. Sản xuất chip ở Mỹ hiện tốn kém hơn khoảng 50% so với ở Đài Loan do chi phí nhân công và các loại chi phí khác.

"Trung Quốc phản đối việc Mỹ biến các vấn đề thương mại, công nghệ thành vấn đề chính trị và vũ khí - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói tuần trước - Cản trở hợp tác thông thường về công nghệ, thương mại và kinh tế vi phạm nguyên tắc kinh tế thị trường, gây bất ổn cho chuỗi cung ứng toàn cầu, không mang lại lợi ích cho ai".

Tác động chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo tổ chức nghiên cứu GIS, Mỹ đang chiếm 10% thị phần toàn cầu về sản xuất chip, nhưng lại chi phối tới 39% chuỗi giá trị (và 53% nếu tính cả Nhật, châu Âu, Hàn Quốc và Đài Loan). Trong khi Mỹ dẫn đầu về quy trình thiết kế vi mạch các loại tiên tiến nhất thì Hà Lan và Nhật lại rất mạnh về phân khúc hạng trung, đóng gói và thử nghiệm.

Chính quyền Biden hiện đưa ra chính sách "sân nhỏ, rào cao" với công nghệ chip đặc biệt tiên tiến có khả năng ứng dụng quân sự. 

Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan nói hồi tháng 4-2023: "Mục tiêu của chúng ta không phải là tự cung tự cấp, mà là năng lực bền bỉ và an ninh trong chuỗi cung ứng". Chính phủ Mỹ hiện cũng đã siết nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng này.

Washington còn đề xuất liên minh "Chip 4" cùng Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan để đảm bảo chuỗi cung ứng chip ở Đông Á. Đài Loan hiện sản xuất 92% các chip tối tân nhất, kích thước 3-5nm, và 80% chip dưới 7nm. 

Khả năng đi đầu về công nghệ này và các nhà cung cấp đa dạng của Đài Loan là rất đặc biệt, khó nước nào có thể sao chép trong trung hạn, và thậm chí cả dài hạn.

Để đối phó, từ năm 2015, chính quyền Bắc Kinh đã kêu gọi chiến lược quốc gia nhằm tự chủ các công nghiệp lõi về chip, không phụ thuộc vào phương Tây. 

Nền sản xuất Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kể, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với hệ thống của phương Tây. 10 năm qua, Bắc Kinh đã đầu tư khoảng 150 tỉ USD vào ngành bán dẫn, nhiều nhất thế giới. 

Trước đó, giới chuyên gia từng đánh giá cần ít nhất 7 năm để công ty chip hàng đầu Trung Quốc SMIC có thể bắt kịp các tập đoàn công nghệ hàng đầu phương Tây. Nhưng cả SMIC và Huawei, một đại gia công nghệ Trung Quốc khác, đều có bước tiến vượt bậc và đã sử dụng công nghệ Mỹ để sản xuất chip 7nm từ năm 2023.

Còn để trả đũa với Mỹ, Trung Quốc cũng đang chuẩn bị các lệnh cấm liên quan đến đất hiếm (nguồn tài nguyên mà họ kiểm soát tới 80% trữ lượng, vốn rất quan trọng cho pin lithium, màn hình và các sản phẩm công nghệ cao khác). Tháng 7-2023, Bắc Kinh đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu hai kim loại quan trọng là gallium và germanium, vốn rất cần trong sản xuất chip và xe điện. ●


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận