TTCT - 140.000 đồng/set (gói) gồm năm loại rau, trong khi giá rau tại chợ trung bình chỉ 5.000-6.000 đồng/bó, vậy mà nông trại Niconicoyasai phải hoạt động hết công suất mới đáp ứng được nhu cầu của nhóm khách hàng tại TP.HCM. Phóng to Khách Nhật cùng làm vườn với các em ở nhà tình thương Teresa - Ảnh: Thanh Tùng Để giải tỏa sự hiếu kỳ, chúng tôi tìm đến nông trại nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vào một ngày đầu đông. Vừa đến nơi đã nghe tiếng nói rộn vang từ xa: “Xin chào!” của Shiokawa Minoru, 30 tuổi, chủ nhân Niconicoyasai. Anh đi chân đất, quần xắn cao và trên tay cầm những củ cà rốt còn dính đất đỏ bazan. Ăn trưa giữa vườn rau Chưa kịp nghỉ ngơi, đoàn khách chúng tôi ngay lập tức bị người chủ vườn lôi vào cuộc. Bất chấp cái lạnh của buổi sáng vùng cao, anh đi băng băng vòng quanh các ngọn đồi trồng rau rộng hơn 2.500m2, vui với từng trái khổ qua bé tí vừa trổ, từng cái cây nảy mầm và buồn hiu khi thấy rau bị sâu ăn nát lá. Vừa cho một lá rau húng vào miệng, anh mời mọi người bằng vốn tiếng Việt trôi chảy tự học: “Ngon lắm, không sao đâu!”. Từ những ngại ngần ban đầu, những vị khách, phần lớn là dân văn phòng, doanh nhân, đã “dũng cảm” thử rau ngay trên cánh đồng, thích thú vọc tay làm đất, nhổ cỏ. “Hiện 90% khách hàng của Niconicoyasai là cộng đồng người Nhật. Lượng khách Việt Nam dù có tăng lên gần đây nhưng vẫn chưa đáng kể do giá rau khá cao so với thu nhập bình quân của người Việt. Chúng tôi rất mong có thể tăng thêm sản lượng để giảm giá thành, nhưng không thể mở rộng ồ ạt vì phải đảm bảo chất lượng rau” - chị Pilot Bya, phụ trách kinh doanh của Niconicoyasai tại TP.HCM, nói. Tất cả quy trình trồng rau ở đây không hề có dấu vết của việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Khu vườn vì thế không hẳn tươi tắn, xanh mát như trong suy nghĩ nhiều người, ngược lại nhiều lá cải bắp vẫn bị sâu ăn tơi tả, cà rốt nhiều chỗ mọc không đều. “Năng suất không thể cao như rau sử dụng hóa chất, nhưng với chúng tôi thì chất lượng quan trọng hơn số lượng, điều kiện tiên quyết là rau ngon và an toàn” - Shiokawa giải thích. Như để chứng minh cho điều này, tất cả rau mà các vị khách vừa hái đều trở thành nguyên liệu cho bữa ăn trưa ngay trong vườn, như một buffet rau thịnh soạn với bắp cải, dưa leo, bí... Chị Miyako, một nội trợ người Nhật, cho biết: “Ở TP.HCM, khi đi siêu thị, tất cả bao bì rau đều là tiếng Việt, tôi đọc không hiểu nên rất lo vì sợ có hóa chất. Ở đây khi ăn trực tiếp thì yên tâm và tin tưởng hơn”. Sau khi “mệt bở hơi tai” theo anh Shiokawa đi từ sáng sớm đến lúc mặt trời đứng bóng qua tất cả vườn rau, mọi người hiểu thêm rằng trồng rau kiểu này không hề đơn giản. “Phải mất bốn tháng mới thu hoạch được một đợt bắp cải, trong khi rau chợ là nửa tháng, chưa kể phân trấu, cà phê phải ủ sáu tháng mới dùng được. Giá rau đắt hơn bình thường cũng có lý của nó” - anh Nguyễn Văn Hùng, một doanh nhân, bình luận. Mỗi tháng trung bình có một đoàn khách 5-10 người từ TP.HCM đến nông trại Niconicoyasai như một dạng tour du lịch vườn rau, trong đó phần quan trọng là “mục sở thị” cách trồng rau và thưởng thức rau. Mỗi ngày có 50-100kg rau vượt hơn 350km từ Buôn Ma Thuột đến các gia đình tại TP.HCM, giao tận nơi với mỗi set (gói) rau gồm nhiều loại, giá thuộc loại đắt, từ 140.000-200.000 đồng, vậy mà luôn bị “cháy hàng”. Ngay cả các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi Nhật Bản, cửa hàng rau củ quả hữu cơ cũng sẵn sàng đến đặt hàng ở Niconicoyasai. Phóng to Anh Shiokawa tranh thủ trao đổi với nông dân về cách trồng rau hữu cơ - Ảnh: Thanh Tùng Nụ cười đến từ một dự án thất bại “Thất bại là mẹ thành công nên Shio có nhiều mẹ lắm!” - Shiokawa dí dỏm nói về hành trình làm nông dân kỳ lạ của mình. Năm 21 tuổi, anh đến Việt Nam dạy tiếng Nhật cho một dự án phi lợi nhuận của Nhật về nông nghiệp hữu cơ tại Đắk Lắk. Theo dự án, một số thanh niên trong tỉnh được tuyển chọn sang Nhật học về nông nghiệp hữu cơ. Nhưng sau năm năm, họ trở về và không có đất dụng võ vì nông dân không tin tưởng cách làm này. Nhiều thực tập sinh trở lại làm rẫy, hái cà phê thuê, những người Nhật lần lượt về nước nhưng Shiokawa thì không. “Shio tin chắc nếu có người làm được mô hình này thì nông dân sẽ tin theo và làm được thôi! Phải làm sao để người Việt Nam luôn cười khi được ăn rau sạch, không khóc vì bị bệnh với rau có hóa chất độc hại” - anh giải thích về cái tên Niconicoyasai (Rau cười) nghĩ đến ngay từ lúc đó. Vậy là năm 2011, chàng trai tốt nghiệp đại học ngành môi trường tại Nhật đã dồn hết 125 triệu đồng tiền tiết kiệm vào thuê 1.000m2 đất giữa núi rừng hoang vu, kêu gọi những thực tập sinh cũ từ Nhật về và bắt đầu hành trình Rau cười. Shiokawa chưa từng cầm cuốc làm đất, cũng không hề biết cách gieo hạt, tưới rau, mật độ hạt lúc dày lúc thưa nên rau không thể nảy mầm, sâu bệnh tấn công nên rau không lớn nổi. Rồi thiếu phân bón nhưng không muốn dùng phân hóa học, kể cả phân gà công nghiệp, anh nghĩ cách tự nuôi gà lấy phân. Mua về 1.000 con gà, Shiokawa và các cộng sự cùng ăn ngủ bên cạnh đàn gà, vậy mà đàn gà vẫn chết hơn 70%... Vật lộn với những bài học đầu tiên về trồng trọt và chăn nuôi, rồi liên tục học hỏi từ tài liệu, tư vấn của các chuyên gia Nhật Bản, một năm sau cả nhóm mừng rỡ mang lứa rau đầu tiên vào TP.HCM bán. “Tới nhà hàng nào người ta cũng đuổi ra, cuối cùng chúng tôi cũng xin được vào bán trong ngày hội của CLB ẩm thực Overland. Tiền bán rau hôm đó được 60.000 đồng, vậy mà hai đứa vui như điên, không ai nhớ đến chuyện chi phí xe cộ, vào đây ăn uống đã là 2 triệu đồng rồi!” - anh Võ Mai Hảo, cộng sự đầu tiên của Shiokawa, kể lại. Và cũng từ đây, các anh đã tìm thấy đối tượng khách hàng của mình: những gia đình Nhật Bản, đặc biệt gia đình có con nhỏ, rất quan tâm đến việc được ăn rau sạch, an toàn. Để chinh phục được khách Nhật rất khó tính này, đích thân Shiokawa phải xuống TP.HCM, mò mẫm tìm đường đi giao cho từng khách hàng, có những ngày vòng vèo suốt ngoài đường từ sáng đến tối. Cứ vậy, anh làm việc cật lực và chỉ nhận mức lương ngang bằng với tất cả nhân viên của mình. Những vườn rau tiếp nối Từ thành công của vườn rau Niconicoyasai đầu tiên, hiện đã có ba địa điểm khác tại Buôn Ma Thuột bắt đầu trồng rau hữu cơ. Điều đặc biệt là tất cả nông dân tham gia dự án đều còn trẻ, tuổi từ 17-35 nên “mọi người rất cởi mở, sẵn sàng thử cái mới, sai thì làm lại”, theo khẳng định của anh Hảo, phụ trách sản xuất. “Lúc trước tôi trồng rau bình thường, xài thuốc trừ sâu nên lúc nào cũng nhức đầu, phải uống nước đậu đen, nước chanh liên tục mới thấy đỡ. Khi nghe anh Shio nói về rau hữu cơ, vợ chồng tôi quyết tâm đổi qua, thất bại lao đao lên xuống suốt cả năm đó chứ, có điều mình thích làm nên không bỏ” - anh Cù Chính Huy, 33 tuổi, kể. Shiokawa cùng các nông dân thảo luận cách làm rau hữu cơ rất bình đẳng. Dẫn chúng tôi đi thăm giàn dưa leo, anh reo lên thích thú khi nhìn thấy những sợi dây cột giàn tự hủy thay cho dây nilông. Bắt tay anh Huy, Shiokawa nói: “Bên vườn của Shio không biết cách làm này, anh chị nghĩ ra hay quá, để về bên đó làm thử!”. Thu nhập từ việc bán rau của gia đình anh Huy mỗi tháng ổn định 8-10 triệu đồng. “Ví dụ cải ngọt ngoài chợ tụt giá 4kg chỉ có 5.000 đồng, ở đây tụi tui vẫn bán 25.000 đồng/kg” - chị Mỹ Trang, vợ anh Huy, vui vẻ cho biết. Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận quy trình kiểm tra rất gắt gao. “Mỗi tháng công ty đi lấy mẫu nước, mẫu đất một lần, người kiểm định đi vòng quanh hết khu này kiểm tra từng lá rau, giàn cây, hư là bỏ hết” - chị nói thêm. Không chỉ làm việc với nông dân, Shiokawa còn đặc biệt quan tâm đến việc tạo điều kiện cho học sinh làm quen với việc trồng rau hữu cơ từ vườn rau của nhà tình thương Teresa, nơi đang nuôi dạy hơn 100 trẻ em người dân tộc từ huyện xa lên Buôn Ma Thuột đi học. Mỗi ngày các em phân công từng nhóm đến chăm sóc vườn rau trong vòng một giờ vào buổi sáng và buổi chiều, sau đó tự tay hái rau và mang rau đến công ty bán. Nhờ vậy các em rất rành về các loại rau, cách trồng đậu, trồng cà chua, đậu bắp... Quần xắn cao, Shiokawa đi chân đất thoăn thoắt khắp vườn, chỉ dạy các em cách trồng đậu để tăng nitơ, làm giàu đất, rồi cách bón phân, tưới nước... A Huy, lớp 11, người Xê Đăng, cho biết: “Trước đây ở nhà chỉ có mẹ em làm rẫy nên em không biết mấy thứ này, giờ được làm ở vườn rau, được chú Shio chỉ cách làm, em rất thích”. Vừa quệt mồ hôi ướt đẫm trán, Shiokawa vừa nói: “Nếu từ nhỏ các em đã biết cách trồng rau không phân bón như thế này, lớn lên các em sẽ quen thuộc với nó, có thể làm ra những vườn rau còn tốt hơn vườn rau của Shio. Nếu được như vậy thì tốt lắm”. Trong lúc hướng dẫn các em, thỉnh thoảng Shiokawa nhắc nhở nhặt tờ giấy, vỏ kẹo lẫn trong đất mang ra ngoài. Đúng với tiêu chuẩn Nhật là “rau sạch từ vườn rau không có rác”, tất cả vườn rau trong hệ thống Niconicoyasai đều cắm một bảng to “Cấm vứt rác bừa bãi”. Mỗi ngày, tất cả người trong công ty, từ giám đốc đến nhân viên, đều phải kiểm tra vườn và tự tay nhặt rác. Một quy trình rất Nhật nữa là toàn bộ rau được rửa bằng nước trà xanh, thay vì sục khí ozone như nhiều nơi khác trước khi đóng gói. Tags: ĐOÀN BẢO CHÂUVườn rauRau cườiNông trại NiconicoyasaiShiokawa Minoru
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
TP.HCM thưởng Tết cao nhất 1,9 tỉ đồng từ một doanh nghiệp vốn nước ngoài VŨ THỦY 23/12/2024 Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM về tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng Tết cao nhất năm nay là 1,908 tỉ đồng từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chính thức: Trả gộp lương hưu 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết HÀ QUÂN 23/12/2024 Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thông báo về chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội gộp 2 tháng đầu năm 2025 trước Tết Nguyên đán.
Người phụ nữ trong clip đẩy thùng rác ra giữa đường Nha Trang rồi lái xe hơi bỏ đi nói gì? NGUYỄN HOÀNG 23/12/2024 UBND phường Tân Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang xác minh để xử lý theo đúng quy định vụ một phụ nữ đẩy thùng rác ra giữa đường rồi lái xe đi.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện tỉ phú Gerard Williams vì sợ công khai hồ sơ thuế? HOÀI PHƯƠNG 23/12/2024 Trong đơn kiện ngược, luật sư của ông Gerard Williams đưa ra bằng chứng Đàm Vĩnh Hưng vẫn nhảy múa vui vẻ sau tai nạn, chứ "không tàn phế".