7g30 sáng, đường chạy của sân vận động Huancayo bắt đầu nhộn nhịp khi các chàng trai, cô gái có những đôi chân cơ bắp chạy như ngựa đua. Một số người chạy một mình, số khác chạy từng nhóm tám người và được HLV theo dõi sát sao với đồng hồ bấm giờ trên tay. Bất kể trời mưa hoặc bùn lầy trên đường, họ vẫn chạy, khi nhiệt độ có thể xuống dưới -4 độ C.
Ở độ cao 3.200m so với mực nước biển, thành phố Huancayo được xem là nơi sản sinh những VĐV marathon xuất sắc nhất Peru vì buộc các tay đua phải hít thở thật sâu, tim phải bơm máu nhiều hơn, phổi phải thích nghi tốt hơn. Những tháng luyện tập sẽ đào tạo ra các tài năng sẵn sàng phá các kỷ lục thế giới và mang về HCV, HCB. Bằng chứng mới nhất là Gladys Tejeda và Raul Pacheco, hai nhà vô địch tại cuộc đua marathon quốc tế mới đây ở Mexico.
Người ta biết rằng độ cao địa lý tạo ra những điều kiện tập luyện lý tưởng. Và ở Huancayo có đủ tất cả: những cánh đồng, núi cao, đồi, suối, mưa cùng những HLV tài năng. Juan José Castillo là một trong số đó. Từng chạy 15km với thời gian tốt nhất đứng hàng thứ tư thế giới, Castillo phá kỷ lục quốc gia ở các cự ly 5.000m, 10.000m và từng về nhì một cuộc đua marathon. Nay ông đảm nhận việc phát hiện tài năng cho chương trình đào tạo các VĐV marathon của Viện Thể thao Peru trong kế hoạch phát hiện và huấn luyện những Tejeda và Pacheco tương lai.
Theo tờ La República, chính Castillo đã phát hiện Tejeda tại ngôi làng Shogui ở vùng núi cao Huancayo. Trước khi về thứ tư ở Giải marathon Seoul (Hàn Quốc), Tejeda là một cô gái bình thường, quen chạy nhảy trên đường làng để chăn cừu. Cuộc sống của cô thay đổi hẳn khi Castillo đến gõ cửa và thuyết phục gia đình cho cô đến tập luyện với ông. Trước khi vô địch ở Mexico, Tejeda từng về nhì ở Giải vô địch Nam Mỹ 2010.
Ở Huancayo, người ta chạy vì nhu cầu. Các nhà vô địch marathon tương lai của Peru đều hiểu rằng chỉ đôi chân mới có thể đưa họ đến các quốc gia khác để kiếm tiền và nhờ đó thoát nghèo. Về mặt này, Peru và Kenya giống nhau. Kenya là quốc gia hàng đầu xuất khẩu các VĐV điền kinh. “Ở Kenya, người ta chạy vì đói. Phải đoạt giải thưởng để thoát nghèo, chẳng có lựa chọn nào khác” - một HLV ở Huancayo nói. Giải marathon Mexico thưởng cho nhà vô địch 34.000 USD, thấp hơn rất nhiều so với các giải danh tiếng New York, Boston và Chicago thưởng đến 200.000 USD. Tuy nhiên, điền kinh Peru chỉ mới ở bước khởi đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận