
Hình ảnh yêu thương trên mạng sẽ càng ý nghĩa và đẹp hơn nếu đời thực cũng đối xử và yêu thương thật lòng như thế - Ảnh minh họa: Q.ĐỊNH
Vẫn biết những hình ảnh lung linh không tì vết vốn đầy rẫy khắp các nền tảng mạng xã hội. Nhưng độ chênh giữa "sống ảo" và "cuộc đời thực" xa đến mức thất kinh thì lại là vấn đề xã hội đáng suy nghĩ.
1. Chợt nhớ đến vụ sao kê hồi cơn bão số 3 Yagi năm ngoái. Thế là từ điển đời sống bỗng có thêm chữ "phông bạt" mà khởi nguồn từ sự cách biệt đến ngỡ ngàng giữa thực tế và thông tin trên mạng. Đến mức chuyển khoản có 1.000 đồng rồi sửa thành con số 10 triệu đồng, chụp màn hình khoe mình đóng góp khoản tiền ấy giúp đồng bào như thật thì cũng đến chịu!
Khoe vốn cũng là nhu cầu tự nhiên của nhiều người. Tôi nhớ có người bác họ hồi những năm 1990, khi chưa có mạng xã hội như bây giờ thỉnh thoảng vẫn khoe mình trúng vé số giải nọ giải kia. Đến nhà mở tủ lạnh ra thời điểm ấy mà đã thấy trái cây ngoại nhập trong tủ cùng những thực phẩm đắt tiền khiến ai cũng trầm trồ.
Thế mà đùng một cái, bác ấy bể nợ, số tiền tính bằng tỉ đồng thời điểm chừng 30 năm về trước quả là kinh khủng. Hóa ra việc kể mình trúng số cùng cuộc sống hào nhoáng để tạo vỏ bọc thuận tiện cho việc mượn đầu này vá đầu kia làm ăn. Đến lúc không còn khả năng chi trả nên "bùng nợ".
2. Đôi khi chỉ khoe cho vui với bạn bè thì không nói làm gì. Còn khoe để khoác lác, ẩn giấu ý đồ hay mục tiêu nào khác đang nhắm đến không phải ai cũng dễ nhận ra. Không phủ nhận nhiều người khá ưa chuộng kiểu sống "phông bạt" trên mạng, nhất là khi mạng xã hội trăm hoa đua nở hiện nay. Hết khoe đi chơi chỗ sang chảnh cho đến những món đồ xa xỉ, bữa ăn thịnh soạn đôi khi khiến người lướt mạng lác mắt.
Lại nhớ vụ án Phan Văn Minh ở Đà Nẵng lạnh lùng xuống tay giết người yêu trong nhà nghỉ. Đáng nói là chỉ trước đó một ngày, dân mạng còn xuýt xoa trước tình yêu đẹp, thầm khen cô gái gặp đúng người của đời mình khi clip cầu hôn giữa quán ăn của anh này dành cho cô người yêu được truyền khắp cõi mạng.
Vậy mà sự thật là cô gái kết thúc cuộc sống dưới chính tay người vừa cầu hôn mình trước đó chỉ vì cả hai mâu thuẫn không quá lớn.
3. Trở lại câu chuyện đánh vợ ở trên, anh chồng đã ký cam kết không tái phạm và chị vợ cũng nói đó là lần đầu tiên "lớn chuyện" do căng thẳng trong cuộc sống và chỉ là phút thiếu kiềm chế của cả hai. Họ mong khép lại câu chuyện vì còn thương và giữ gia đình cho con. Song dư luận vẫn thất vọng, thậm chí đòi pháp luật cần xử nghiêm hành vi "tác động vật lý" ấy để răn đe và làm gương.
Có người nhếch mép bảo không lạ khi điều được thấy khác xa hình ảnh nhân vật này cất công xây dựng trước đó trên mạng, kiểu anh chồng quốc dân hết lòng vì vợ con. Người ít quan tâm thì nói thôi chuyện nhà người ta, cứ bình thường cho qua là được. Người để ý chút lại cho rằng đây là vấn đề xã hội cần được mổ xẻ để không còn tình trạng tương tự tái diễn.
Mà thực tế mạng xã hội đâu thiếu những kiểu "sống ảo" vậy. Có chăng chỉ là chưa tới lúc lộ ra, phải không?
Sẽ thế nào nếu một ngày phát hiện hình ảnh đời thật khác xa với những gì họ đã quen và thường thấy về ai đó trên mạng? Người có khả năng ảnh hưởng hay trở thành thần tượng của người khác nên ứng xử thế nào, xây dựng hình ảnh cho mình ra sao cả trên mạng lẫn trong đời thực?
Mời bạn cùng chia sẻ suy nghĩ với Nhịp sống trẻ chủ đề này và vui lòng gửi về email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận