Ngôi trường mới vừa khánh thành ngày 6-9 ở thôn 3 Đèn Pin (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) do cô Thoa vận động xây dựng - Ảnh: Trường Trung |
Cô không xin tiền hay xin gì khác cho mình, mà cô đi xin... trường học cho học sinh.
Những bức ảnh tháng ngày cắm bản, những em học trò không áo quần đến lớp... từ chiếc điện thoại của cô giáo trẻ này đã lay động lòng người. Từ sự kêu gọi của cô Thoa, bốn ngôi trường mới đã được xây dựng giữa núi rừng thăm thẳm.
Băng rừng vượt suối phăng phăng nhưng cũng có lúc những ngọn núi rừng khuất phục được đôi chân cô giáo trẻ. Đó là một ngày đầu tháng 10-2014, sau khi lội bộ cả ngày trời về gần tới thôn thì đôi chân Thoa nặng trịch như đeo tạ. Cô Thoa bị tụt bắp chân (chuột rút) phải nằm một chỗ. Đêm đó cả một góc rừng thôn 4 sáng rực trông như lễ hội nhưng không phải, đó là người dân trong thôn đốt đuốc đi khiêng cô giáo Thoa về trường |
Khóc lên vì học trò
Trung tâm xã Trà Leng cách nhà cô giáo Thoa ở thị trấn Bắc Trà My chừng 50km đường núi. Từ trung tâm xã, sau ba giờ men theo bìa rừng, vượt qua bốn con suối thì tới điểm trường nơi cô giáo Thoa vừa về đứng lớp. Sau cơn mưa chiều, mây núi đặc quánh vờn trên đỉnh Trà Leng để lộ ra những nóc nhà thôn 3 Đèn Pin ở lưng chừng núi.
Giữa những mái nhà meo mốc màu xám, trường mẫu giáo nổi lên khang trang nhờ màu sơn mới toanh, vững chãi giữa đồi. Đó là ngôi trường thứ tư mà cô Thoa đứng ra kêu gọi mọi người xây dựng giúp học trò mới khánh thành đúng dịp khai giảng ngày 6-9.
Ngôi trường dựng bằng vách gỗ xoan tự nhiên với diện tích hơn 80m2, được lợp tôn đóng trần laphông. Bên trong có một phòng học rộng và hai phòng nhỏ làm nơi sinh hoạt cho các cô. Phòng học được lót gạch men nổi bật, có phân ra các khu học tập cho nhóm trẻ với đầy đủ dụng cụ học tập cơ bản không thua kém gì trường ở miền xuôi.
Đứng bên cửa sổ nhìn con trai mới 5 tuổi ngồi học trên nền gạch men bóng láng, anh Hồ Văn Thi hồ hởi nói: “Trường mẫu giáo cô Thoa là nơi đẹp nhất ở thôn này. Mình thả con rồi đi núi cả ngày cũng yên tâm vì ở đây sạch sẽ, có cô Thoa chăm lo cho tụi nó. Trường kín gió không sợ cái nắng, cái mưa như ở nhà mình nên không sợ giàng bắt đi, không sợ con ma núi tìm vô”.
Ngày trước, học trò mẫu giáo thôn 3 Đèn Pin được học “ké” với điểm trường tiểu học ở thôn. Năm học vừa qua, do số lượng học trò tiểu học nhiều nên không có phòng học cho trẻ mầm non. Người dân trong bản phải lợp tạm một phòng nhỏ bằng tranh tre nứa lá rồi chia làm chỗ học cho con em và chỗ sinh hoạt cho cô.
“Bà con ở đây nghèo nên làm cái trường tạm lắp ghép đủ thứ mà mái cứ bị dột hoài. Nhà sinh hoạt của các cô trước đây cũng chỉ đủ kê giường nên sinh hoạt khó khăn lắm. Chừ trường mới khang trang, dân bản phấn khởi cho con em ra trường” - anh Hồ Văn Xía, người dân trong thôn, nói rồi xoa tay xuống nền gạch minh chứng.
Chuyện đi xin trường của cô Thoa bắt đầu vào đầu năm học 2014 - 2015. Khi ấy cô Thoa về cắm bản ở thôn 4. Thôn 4 của người M’Nông có hơn 30 nóc nhà, cách đường xe chạy chừng nửa ngày đi bộ. Bà con trong bản quanh năm sống nhờ một mùa lúa nương và những đọt măng rừng.
Trẻ em người M’Nông cứ lớn lên như con thú rừng, có gì ăn nấy. Có áo quần thì mặc, có dép thì mang. Không áo quần, không giày dép thì cứ thế “trần như nhộng” đến lớp. Cái nghèo, cái đói cứ bám riết người M’Nông khiến con đường đến lớp của con em họ mãi gập ghềnh.
“Thú thật lần đầu vào bản với một cô giáo trẻ ai cũng thoáng buồn vì quá hẻo lánh. Ở đây chỉ có vài nhà có điện nhờ tuôcbin nước, sóng điện thoại thì đi mấy cây số mới có, quanh năm làm bạn với núi rừng, thân con gái ai chẳng buồn. Nhưng rồi riết thành quen, sống với bản làng kham khổ mình thấy thương nhiều lắm."
"Xót xa nhất là nhìn thấy học trò mầm non bé choắt không có lấy một cái áo, cái quần run bần bật giữa lớp học. Lần đầu thấy cảnh đó tôi đã khóc rất nhiều. Đêm về nằm vắt tay lên trán suy nghĩ phải làm sao bớt được nỗi cơ cực của học trò. Tôi lấy điện thoại chụp ảnh, chia sẻ với bạn bè mình trên Facebook rồi tìm được sự đồng cảm” - Thoa kể về lần đầu tiên đi xin từ thiện.
Từ nickname Tieu Muoi Tran, những hình ảnh tuy chưa rõ nhưng đã lột tả hết được những vất vả của người M’Nông được đưa lên mạng. Đó là những đôi chân trần bê bết bùn đất, những khuôn mặt lấm lem đỏ hẩy lên vì cái lạnh, các em học sinh đến trường chỉ với chiếc áo, chưa biết ngượng ngùng khi chụp ảnh cứ lan truyền trên mạng trong niềm xúc động.
Từ đây, những cánh thư, những túi áo quần, đồ dùng học tập và quà liên tục được các hội từ thiện gửi lên Trà Leng trong niềm vui vô bờ bến của cô trò vùng núi sâu.
Những ngôi trường từ... mạng xã hội
“Tôi sung sướng vô cùng, đứng dưới cơn mưa chiều hứng sóng điện thoại một giờ để cảm ơn ý tốt của họ mà tôi như lạc giữa cơn mơ. Có gì tuyệt vời hơn khi nhận được sự đồng cảm, cùng hành động của bè bạn. Đó là những người mà tôi chưa hề quen biết, nhưng họ hiểu những điều mà tôi chia sẻ trên mạng. Thật không thể ngờ tới, cả trong mơ cũng không tưởng tượng được rằng mình có thể đi xin được một ngôi trường cho học trò mình” - cô Thoa nhớ lại lần đầu tiên khi biết có người ngỏ ý muốn giúp đỡ những học trò của mình một ngôi trường mới.
Ấy là vào thời điểm cuối tháng 9-2014, khi Thoa đang công tác tại thôn 4 nóc Ông Dũng. Hội từ thiện Ong Vàng sau khi nhận được những chia sẻ của cô giáo Thoa đã “đáp lại” bằng một ngôi trường khang trang dành riêng cho cô trò mầm non.
Niềm vui xen lẫn nỗi lo, cô Thoa phải lo chu toàn từ việc dạy học đến việc tiếp đón đoàn đi tiền trạm, cùng Hội từ thiện Ong Vàng tìm kiếm ý tưởng dựng trường...
Cả nhà của cha mẹ Thoa ở thị trấn Bắc Trà My cũng được “trưng dụng” làm nơi trung chuyển và lưu đón sự đóng góp của các câu lạc bộ từ thiện đến với Trà Leng.
Ở điểm trường trên núi, một bao ximăng, thanh sắt lên tới đây cũng đội giá lên gấp chục lần. Cô Thoa lại cùng các đoàn viên trong xã liên tục đi thuyết phục người dân, vận động đóng góp xây trường sao cho vừa rẻ vừa bền. Ai có gỗ thì góp gỗ, không có gỗ thì góp công cưa gỗ, người xuống sông đãi cát, người vận chuyển ximăng từ trung tâm xã vào thôn.
Những ngày như thế Thoa đi lại như con thoi, vừa tranh thủ dạy học nhưng cũng sẵn sàng cuốc bộ cả ngày trời để đón đoàn từ thiện đến giúp bản làng.
“Cùng băng rừng lội suối với cô Thoa khi đi khảo sát rồi đi vận chuyển nguyên vật liệu dựng trường, chúng tôi phục cô sát đất. Có khi đi hơn tám giờ sức thanh niên như tôi mệt bở hơi tai, vậy mà thân con gái như cô Thoa vẫn phăng phăng đi, vẫn tươi cười như không. Lên núi đã khó, đi vào những ngày mưa lại khó hơn. Đường trơn trượt, không vững một chút là cả người và vật liệu xây dựng văng xuống núi như chơi. Đó là chưa kể ngày mưa vắt rừng búng tưng tưng trong sự khiếp hãi của người miền xuôi như tôi” - anh Nguyễn Văn Tâm, thành viên Hội từ thiện Vô Ưu, kể.
Gần một tháng lặn lội như thế, điểm trường đầu tiên cũng được dựng lên trong niềm vui sướng của dân làng. Ngày trường hoàn thành, thôn 4 vui như hội, chính quyền xã, đoàn từ thiện, các thầy cô và người dân các nóc lân cận cũng kéo đến chung vui. Còn Thoa xúc động khóc nức nở vì “đứa con” của mình đã nên hình hài. Từ đây, những em học trò như cây cỏ núi rừng không còn phải run lên vì gió rét. Xây được ngôi trường đầu tiên, cô Thoa tiếp tục “đi kêu” những hội từ thiện giúp đỡ các điểm trường khác trong xã.
Cứ như thế, quần quật cả năm học rồi dịp hè vừa qua, những ngôi trường mới mọc lên giữa núi rừng xa xôi thôn 4 tổ Ông Lò (nay là tổ Ông Hương), thôn 2 Tắc Lẻ, thôn 3 Đèn Pin trong niềm hạnh phúc tột cùng. “Các cô chú, anh chị ở hội từ thiện tin tưởng giao em giám sát hết. Riết rồi quen, sau bốn ngôi trường này coi như em có thêm bằng giám sát thi công luôn” - cô Thoa nói, ánh mắt rạng ngời.
“Chúng tôi nợ cô Thoa một giấy khen” Bốn năm công tác liên tục cắm ở bốn điểm trường thôn khác nhau, người M’Nông ở Trà Leng ai cũng quen mặt cô Thoa. Người M’Nông ở đây tiếng Kinh diễn đạt chưa sành nhưng cái bụng luôn thật thà. Để khen một ai đó tốt bụng, hiền lành và giúp đỡ, họ nói “rất ngoan và khôn”. Người M’Nông ở đây bảo: “Cô Thoa ngoan và khôn nhất xã”. Ông Phan Quốc Cường, phó chủ tịch UBND xã Trà Leng, nói những hành động của cô Thoa có sức thuyết phục chẳng kém gì các già làng, trưởng bản. “Dù mới là giáo viên hợp đồng về công tác chưa hẳn đã lâu, nhưng những gì cô Thoa làm được cho người dân là trên cả tuyệt vời. Trong bối cảnh huyện miền núi còn rất khó khăn, sự đầu tư của Nhà nước rất hạn chế nhưng bằng sự nhiệt huyết, uy tín và sự tận tâm của mình, cô Thoa đã huy động được nguồn lực xã hội để xây dựng trường thôn. Ở đây ai cũng quý cô Thoa cả. Chúng tôi thấy vẫn còn nợ cô Thoa một tấm giấy khen vì những đóng góp” - ông Cường tâm sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận