14/10/2021 06:49 GMT+7

'Lén' cho học sinh đến trường, bị lập biên bản trường cũng... 'khổ tâm'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Tận dụng tối đa thời gian dịch bệnh kiểm soát được giống như "cơ hội vàng" để học sinh có thể quay lại trường học. Nhưng trên thực tế nhiều "vùng xanh" hiện vẫn rất e dè, dẫn đến có trường đã cho học sinh đi học lén lút.

Lén cho học sinh đến trường, bị lập biên bản trường cũng... khổ tâm - Ảnh 1.

Thầy cô giáo nhiều trường ngoại thành Hà Nội dọn vệ sinh trường lớp để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường

Giữa những ngày 100% trường học các cấp ở Hà Nội vẫn phải đóng cửa, dạy học trực tuyến, qua truyền hình thì bỗng có một trường ở ngoại thành "vượt rào".

"Nhìn trước ngó sau"

Chưa bao giờ thấy cảnh phụ huynh đưa con đến trường với vẻ lo lắng, nhìn trước ngó sau, giao con cho cô giáo ở cổng phụ rồi tất tả đi ngay như việc diễn ra ở Trường liên cấp Capitole (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) trong mấy ngày qua. Gần 50 học sinh được lén lút đưa đến vào 8h, buổi chiều tầm 4h30 cô giáo lại lén lút trả học sinh cho phụ huynh. Mọi việc diễn ra nhanh chóng, vội vã, trong khi cổng chính của trường vẫn đóng cửa. Việc kéo dài từ ngày 27-9 đến ngày 8-10 thì bị phát hiện.

Bà Trần Thị Thanh Huế, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sóc Sơn, cho biết sau khi kiểm tra, lập biên bản, học sinh trường này lại phải ngừng đến trường từ ngày 8-10 để chờ xử lý vụ việc. Phòng GD-ĐT huyện Sóc Sơn cũng có văn bản nghiêm cấm các nhà trường tự ý cho học sinh trở lại trường dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được thành phố cho phép. Mặc dù lãnh đạo trường cho biết đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch và mỗi lớp học sinh chỉ có khoảng 10 em nên đảm bảo giãn cách nhưng vẫn được yêu cầu toàn bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh phải tự cách ly ở nhà.

Câu chuyện "xé rào" của một trường tuy là sai nhưng cũng cho thấy bất cập mà nhiều trường học Hà Nội đang phải chấp nhận. Trong nhiều ngày qua, Hà Nội chỉ lác đác phát sinh vài ca F0, hầu hết ở khu vực nội thành. Nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội trong nhiều ngày không có ca mắc COVID-19 nào, trong đó có những huyện không có ca nhiễm, nhưng học sinh vẫn không thể đến trường vì phải chờ quyết định chung cho toàn thành phố bao gồm cả các "vùng xanh" và vùng còn nhiều nguy cơ.

Mong học sinh "vùng xanh" được tới trường

Theo bà Trần Thị Thanh Huế, huyện Sóc Sơn hiện có 85.000 học sinh. Mặc dù đã cố gắng nhưng việc học trực tuyến chỉ đạt 50 - 60% yêu cầu so với học trực tiếp tại trường. Học sinh lớp 1 rất cần được uốn nắn trực tiếp, học sinh lớp 2 và lớp 6 năm đầu tiên thực hiện chương trình mới cũng rất cần được dạy học trực tiếp. Nếu việc bất khả kháng thì đành chấp nhận áp dụng các giải pháp dạy học từ xa, nhưng những huyện ngoại thành hiện yên ổn hơn thì rất mong thành phố có quyết định cho học sinh đi học, tranh thủ thời điểm còn an toàn để dạy học trực tiếp vì dịch bệnh khó lường.

Cô Nguyễn Thị Lý - hiệu trưởng Trường tiểu học Bát Tràng (Gia Lâm) - nói học sinh lớp 1 của trường học trực tuyến rất vất vả. Phụ huynh phải hỗ trợ, kèm con nên có người phải nghỉ làm, có người phải mang con theo đến chỗ làm. Trong khi chỉ có khoảng 50% học sinh có máy tính để học, số còn lại học qua điện thoại thông minh nên gặp khó khăn, hại mắt vì phải nhìn quá lâu vào màn hình.

Trong hai tuần qua, nhiều trường học ở các huyện ngoại thành Hà Nội đang là "vùng xanh" đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa học sinh trở lại trường, nhưng hiện vẫn chưa có tín hiệu nào khả quan cho thấy được phép đón học sinh trở lại. Cô Lý cho biết trường đã huy động giáo viên đến sát khuẩn, lau rửa sàn nhà, bàn ghế, thiết bị học tập. Trường cũng lên phương án phân luồng trước và sau giờ học, đảm bảo giãn cách, tổ chức đo thân nhiệt... đảm bảo quy định 5K khi học sinh trở lại để phòng dịch, nhưng hiện vẫn phải chờ chưa biết khi nào mới có thể đón học sinh quay lại.

Ông Nguyễn Văn Hậu, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mê Linh, cũng bày tỏ mong muốn học sinh "vùng xanh" ở huyện này được đi học trở lại trong tháng 10. "Có thể để học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9, lớp 12 đi học trước để đảm bảo giãn cách, phòng dịch chặt chẽ. Sau 1 - 2 tuần yên ổn thì cho học sinh các khối còn lại trở lại trường. Cách này sẽ tận dụng được thời gian an toàn để dạy trực tiếp cho những khối lớp đầu, cuối cấp và lớp thực hiện chương trình mới năm nay" - ông Hậu nói.

Nên tranh thủ mở cửa trường

Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm, hiệu trưởng Trường tiểu học Dân Hòa (huyện Thanh Oai), nêu quan điểm: "Với các vùng xanh như một số huyện ngoại thành Hà Nội, trường nào đảm bảo thực hiện đầy đủ các giải pháp an toàn phòng dịch thì nên cho phép học sinh trở lại trường. Với thực tế đã diễn ra thì không thể chắc chắn một lúc nào đó dịch bệnh có thể quay lại. Vì thế nơi nào hiện kiểm soát được nên cho phép tranh thủ mở cửa trường học để trẻ có cơ hội học tập trực tiếp, giải quyết những vấn đề không thể thực hiện khi dạy học gián tiếp".

23 tỉnh thành học trực tiếp 100%

Theo Bộ GD-ĐT, đến ngày 12-10 có 23 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp; 8 địa phương kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; 32 địa phương phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình. So với thời điểm đầu năm học, có một số địa bàn đã cho học sinh đến trường nhưng sau 1 - 2 tuần lại phải ngừng chuyển sang dạy học trực tuyến, qua truyền hình do có dịch tái phát.

Thêm các tỉnh thành cho học sinh quay lại học trực tuyến vì dịch COVID-19 Thêm các tỉnh thành cho học sinh quay lại học trực tuyến vì dịch COVID-19

TTO - Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, tính đến ngày 10-10, vẫn còn 33 tỉnh, thành phố cho học sinh học trực tuyến và qua truyền hình, trong đó một số nơi đã cho học sinh đến trường nhưng lại phải điều chỉnh.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên