07/03/2008 05:11 GMT+7

Lên bản chống... kéo vợ

ĐỖ HỮU LỰC
ĐỖ HỮU LỰC

TT - "Tôi từng một lần bị cha mẹ đồng ý gả bán cho người tôi không ưng cái bụng, ba lần bị người ta đón đường "kéo vợ".

dYGM6Exm.jpgPhóng to
Cô cán bộ Đoàn Triệu Khánh Vân “một mình, một xe máy, một balô” lên bản vùng cao của huyện Sìn Hồ vận động bỏ hủ tục “kéo vợ” - Ảnh: Đ.H.Lực
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Tất cả những lần ấy tôi đều vượt qua vì tôi nghĩ rằng hạnh phúc phải tự mình định đoạt và trong hôn nhân, tình yêu phải đến từ hai phía".

Đó là lời mở đầu "bài giảng" của cô cán bộ Đoàn Triệu Khánh Vân, người dân tộc Dao đỏ, hiện là phó ban thanh thiếu niên nông thôn Tỉnh đoàn Lai Châu.

Sinh ra và lớn lên ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, một bản nằm xa tít tắp non cao thuộc huyện Mường Nhé. Khi Vân mới 17 tuổi, đang học lớp 11 thì cha mẹ bắt nghỉ học để lấy chồng.

"Tôi nhớ mãi hôm ấy, khi từ trường nội trú về thăm nhà đã thấy nhà mình dựng một cái rạp rất to và rất đông người đang tụ tập ở nhà tôi chờ ăn cỗ. Tôi hỏi cha mẹ hôm nay có việc gì mà nhà mình có cỗ to thế. Mẹ tôi bảo: "Người ta ăn hỏi mày đấy, tao đã nhận 70 đồng bạc trắng, 30 mâm cỗ rồi". Tôi suýt ngất đi khi được biết người sắp cưới tôi là con một nhà khá giả trong làng, hắn chẳng chịu học hành gì, chỉ chơi bời lêu lổng".

Từ "chuyện đời tôi"

Vân kể tiếp: "Tối hôm ấy, hắn đến nhà tôi. Khi giáp mặt tôi, hắn cười nhăn nhở: "Em sắp làm vợ anh rồi!". Tôi quắc mắt lên, quát: "Tôi còn phải học, tôi thà chết chứ không bao giờ làm vợ anh!". Quyết định cho hắn một đòn nữa, tôi giả vờ... tự tử bằng cách mua một lọ cồn xoa khắp người, rồi nằm rũ rượi giữa nhà. Cha mẹ tôi cuống quýt tìm mọi cách để làm cho tôi tỉnh lại. Tôi cứ một hai đòi chết nếu cha mẹ gả tôi cho hắn. Khi hay tin tôi đòi tự vẫn vì bị cưỡng ép lấy hắn, hắn đến nhà tôi hốt hoảng nói: "Thôi, cô cố sống lại đi, tôi không dám lấy cô đâu". Tôi bừng tỉnh dậy ngay, chỉ mặt hắn: "Anh nhớ giữ lời đấy nhé!".

Khi học hết lớp 12, Vân trở về bản, cùng trang lứa với cô có rất nhiều bạn gái đã bị "kéo vợ", đây là tục lệ có từ rất lâu đời của người Dao đỏ, người Mông... ở vùng cao Tây Bắc. Một hôm trên đường đi lên nương, cô bị một nhóm người từ trong bụi rậm xồ ra, vác tuột đi. Biết mình đã bị "kéo vợ", Vân cố vẫy vùng, chống cự. Vân thoát được lần ấy. Vân còn bị vồ bắt hai lần. Rút kinh nghiệm lần trước, mỗi khi đi ra khỏi nhà Vân đều mang theo... phương tiện phòng thân.

Vượt lên "cái lý”

Sau khi suýt ba lần bị "kéo vợ" Vân đã quyết chí đi học lên, rồi trở thành cán bộ Đoàn. Khi Vân dẫn người chồng về bản thăm, cả bản ngỡ ngàng khi thấy Vân lấy chồng là người dân tộc Tày. Vân tự hào nói với bà con: "Đây là người tôi yêu!".

Không ít nữ thanh niên ở những bản làng xa hỏi Vân: "Làm sao em có dũng cảm như chị để không bị người ta "kéo vợ"?". Vân trả lời: "Các bạn phải hiểu rằng cưỡng ép hôn nhân là vi phạm pháp luật". Trong những buổi về dự sinh hoạt chi đoàn ở bản, bao giờ Vân cũng kể chuyện mình và động viên các bạn nếu có yêu nhau thì tỏ tình bằng cách ngỏ lời chứ không nên "kéo vợ"?". "Kéo vợ" là gây đau khổ, tổn thương cho rất nhiều người. Tôi là người từng chịu nhiều đau khổ và tôi đã biết cách vượt lên "cái lý” đó!" - Vân tự hào nói với các đoàn viên thanh niên như vậy.

Triệu Khánh Vân cho biết thêm sắp tới cô dự định viết một cuốn tự truyện về đời mình, trong đó cô sẽ lên án về cái lý "kéo vợ" gây đau khổ cho bao người và viết về chuyện hạnh phúc gia đình do chính mình tự chọn lựa.

ĐỖ HỮU LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên