Phong độ tốt của Maddison cũng không cứu nổi Leicester - Ảnh: REUTERS
Hơn 12 năm kể từ khi được tập đoàn bán lẻ của Thái Lan mua lại, Leicester City lần đầu tiên phải đối mặt với nguy cơ rớt hạng rõ rệt đến thế.
Ngừng chi tiền mua cầu thủ
Ở mùa giải 2016 - 2017 (tức ngay sau khi họ giành chức vô địch đáng nhớ), Leicester cũng từng rớt xuống nhóm cuối bảng vì phong độ kém cỏi. Nhưng năm đó ban lãnh đạo đội bóng chỉ cần sa thải HLV Claudio Ranieri - người đã cạn kiệt ý tưởng sau một mùa giải thành công tột bậc - là đủ để kích thích tinh thần thi đấu của các cầu thủ.
Còn ở thời điểm này, HLV Brendan Rodgers tuy đang ngồi trên lửa nhưng những ông chủ người Thái vẫn chưa động đến chiếc ghế của ông. Vì đơn giản họ hiểu rằng chiến lược gia người Bắc Ireland cũng không thể làm gì hơn khi mà suốt 2 năm qua ông hầu như không được đội bóng bổ sung lực lượng.
Mùa hè năm 2020, Leicester bán Chilwell cho Chelsea để thu về 50 triệu bảng, rồi đến mùa đông lại để tiền vệ Demarai Gray ra đi. Ở chiều ngược lại, Leicester mang về Fofana và Castagne - những sự thay thế tương đối chấp nhận được, và họ hòa vốn trên thị trường chuyển nhượng năm đó.
Một năm sau, Leicester đẩy đi hai cái tên chất lượng Ghezzal và Praet, đồng thời chia tay Wes Morgan, Christian Fuchs - những công thần của chức vô địch lịch sử. Bù lại, ban lãnh đạo đội bóng chấp nhận chi hơn 60 triệu euro để mua Daka, Soumare, Vestegaard.
Nhưng rồi mùa hè này, Leicester để mất một loạt trụ cột gồm Fofana, Schmeichel và Choudhury nhưng chỉ mang về đúng một cái tên là Wout Faes. Kết quả, Leicester lãi đến hơn 64 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng. Đó là khoản lãi chuyển nhượng cao nhất trong lịch sử đội bóng nhưng cũng cho thấy một sự thật đáng buồn rằng gia đình Srivaddhanaprabha đã không còn mặn mà đầu tư cho đội bóng.
Cần biết rằng ở Premier League, hầu hết mọi đội bóng đều chi đậm vào thị trường chuyển nhượng mùa hè để xây dựng lực lượng. Fulham, đội bóng mới lên hạng mùa này, đã chi 61 triệu euro để mua và chỉ thu về 20 triệu euro từ chiều bán, tức chấp nhận thực chi hơn 40 triệu euro. Tương tự là Bournemouth với khoản thực chi 27 triệu euro và Nottingham Forest thực chi đến 155 triệu euro...
Trong bối cảnh đó, Leicester (xếp thứ 8 mùa giải trước) hoàn toàn có thể rớt xuống nửa dưới bảng xếp hạng nếu đứng im tại chỗ trong mùa hè rồi. Và rồi họ thậm chí còn để mất nhiều trụ cột mà không có sự thay thế xứng đáng.
Nỗi khổ của giới chủ Thái Lan
Ban lãnh đạo Leicester thông cảm cho HLV Rodgers vì ông không được đáp ứng yêu cầu chuyển nhượng, và người hâm mộ đội bóng cũng buộc lòng phải thông cảm cho giới chủ Thái Lan. Là một tập đoàn bán lẻ với thế mạnh là những cửa hàng miễn thuế trong sân bay, King Power chịu thiệt hại nặng nề vì đại dịch. Theo Forbes, tài sản của gia đình Srivaddhanaprabha vào năm 2019 là 5,9 tỉ USD và giờ đây rớt còn 1,7 tỉ USD.
Với tình hình tài chính bi đát của tập đoàn mẹ, ban lãnh đạo Leicester chỉ có thể nỗ lực trả đủ lương cho các ngôi sao của đội. Quỹ lương cầu thủ của Leicester lên đến 72 triệu USD/năm, đứng thứ bảy ở Premier League, và quỹ lương toàn bộ của Leicester là 110 triệu USD/năm, xếp thứ tám giải đấu.
Nếu tính theo tỉ lệ của quỹ lương so với lợi nhuận, mức tỉ lệ của Leicester là 85%, cao thứ 4 giải đấu. Tức trong số những đội trả lương cao nhất, Leicester lại thu về khá ít (M.U tuy có quỹ lương khổng lồ nhưng doanh thu của họ còn cao hơn nhiều, tỉ lệ tương ứng chỉ là 65%). Với mức thu chi ngày càng mất cân bằng như vậy, Leicester khó lòng mua thêm ngôi sao nào trong thời gian tới.
Hơn 10 năm trước, gia tộc Srivaddhanaprabha đã đến và biến Leicester từ một đội bóng trung bình trở thành quyền lực thực thụ của Premier League. Giờ đây, những hậu quả nặng nề của đại dịch buộc lòng giới chủ Thái Lan phải giương mắt nhìn đội bóng con cưng của họ chìm dần trên bảng xếp hạng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận