Từng là một vật liệu mang tính cách mạng, sau đó có mặt ở mọi lúc mọi nơi, giờ đây nhựa trở thành một thứ ngày càng bị xa lánh bởi tác hại lâu dài do các hóa chất gây ra cho hành tinh.
Do đó, Lego đã cam kết sản phẩm làm ra sẽ 100% tái chế vào năm 2030.
Tim Brooks, trưởng bộ phận Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của Lego, chia sẻ với AFP: “Với sản phẩm gần như không thể vỡ và có thể lưu truyền suốt nhiều thế hệ người chơi, Lego luôn có tôn chỉ là sự bền vững.”
Cái tên Lego – ghép từ Leg Godt trong tiếng Đan Mạch – có nghĩa là “Chơi hay”, giờ đây cũng buộc phải thích nghi với yêu cầu của người tiêu dùng và đòi hỏi bắt buộc về bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu do nhóm nghiên cứu thị trường NPD chỉ ra rằng 47% người mua sắm trên thế giới không chọn mua đồ chơi bởi bận tâm tới ảnh hưởng đối với môi trường
“Các nhà sản xuất đồ chơi thật sự nắm bắt vấn đề… Đã có rất nhiều cải tiến trong khâu đóng gói thành phẩm và chất liệu sản xuất đồ chơi,” một chuyên gia trong ngành tại NPD, Frederique Tutt, chia sẻ với AFP.
Trước tình hình này, Lego vẫn không có kế hoạch từ bỏ nhựa. Thay vào đó, hãng ra mục tiêu cải thiện chất liệu sử dụng.
Hiện tại, hầu hết nhựa Lego là nhựa nhiệt dẻo ABS (công thức hóa học (C8H8• C4H6•C3H3N)n) thường dùng cho các vật gia dụng.
“Chúng tôi muốn sử dụng nhựa có trách nhiệm, và đặc biệt nó phải có chất lượng cao, có độ bền và có khả năng tái sử dụng. Đó chính là tinh thần của gạch Lego,” Brooks khẳng định.
Với 320 triệu tấn poymer sản xuất trên toàn thế giới năm 2015, theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, chưa bao giờ loài người sử dụng nhiều nhựa như hiện tại, kéo theo những hệ lụy như nhựa tiêu thụ một lần dẫn đến khủng hoảng xử lý chất thải tại nhiều quốc gia.
Hiện nay chỉ có 2% nhựa Lego làm từ nguyên liệu có nguồn gốc sinh học, như polyethylene gốc mía đường. Trong các bộ đồ chơi Lego, chúng chính là những cây, lá, bụi rậm – tức những món không cần độ bền như gạch lắp ráp, cũng không cần phải dính với nhau.
Với Lego, đây là cả một thách thức về kỹ thuật, vì hãng không muốn người dùng phân biệt được khác biệt giữa hai chất liệu cũ và mới.
Những loại gạch mới cần có những thuộc tính vật lý như gạch cũ: sức mạnh, bền màu, và độ dính, để có thể tương hợp với gạch cũ.
Nhiều năm qua, từ các thiết kế xây dựng thông thường đơn giản, Lego đã chuyển sang các thiết kế phức tạp, theo chủ đề về nhân vật hoặc kiến trúc riêng, và lấn sân vào lĩnh vực video game, ứng dụng, phim điện ảnh, hoạt hình, và cả công viên giải trí.
Năm 2019, doanh số bán của Lego tăng 6%, và vẫn không có dấu hiệu suy giảm, kể cả khi công ty khuyến khích việc nhường lại các bộ đồ chơi cho thế hệ tiếp theo – theo ước tính, những 96% người mua sẽ nhường lại!
Đây là khác biệt căn bản giữa nhựa dùng một lần và đồ chơi Lego.
“Từ năm 1958 tới nay, ta có thể mua bất cứ món Lego nào và chúng vẫn ghép vừa vặn với những bộ cũ hơn.”
Chưa hết, Lego còn sử dụng lại phế phẩm nhựa trong quá trình sản xuất đồ chơi, dù từ chối tiết lộ bí quyết này ra công chúng.
Năm 2014, Lego tuyên bố sẽ giảm mức khí thải carbon, hợp tác với tổ chức môi trường WWF. Năm 2017, Lego tuyên bố sử dụng hoàn toàn năng lượng tái chế từ năm 2017.
Bo Oksnebjerg, trưởng WWF Đan Mạch, chia sẻ về thành tựu của Lego: “Công ty chuyển sang sử dụng nhiều năng lượng gió hơn, và giờ đây đang tìm kiếm những giải nguyên liệu thay thế cho nhựa.”
Công ty mẹ của Lego, Kirkby, đã đầu tư hơn 1 tỉ đôla vào các nông trại gió. Chưa hết, hãng còn tiếp tục cải tiến bao bì để giảm thiểu lượng bao nhựa sử dụng cho riêng các loại gạch, đồng thời thu giảm kích thước bao bì để giảm bớt thể tích vận chuyển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận