Theo quy hoạch, toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TP dài khoảng 220km - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Tại hội thảo, ông Hoàng Ngọc Tuân, phó giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư (Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM), cho hay theo quy hoạch, TP có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (tramway hoặc monorail). Tổng chiều dài toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TP khoảng 220km với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỉ USD.
Hiện TP có tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sắp hoàn thành; tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hồ sơ mời thầu các gói thầu chính. Các tuyến còn lại đang kêu gọi đầu tư.
Theo ông Tuân, đường sắt đô thị chỉ hiệu quả khi hình thành cả một hệ thống, mà muốn hoàn thiện phải có thời gian và huy động được nhiều nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai. Dự án đường sắt đô thị đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ, trong khi việc thu hồi vốn qua hình thức bán vé hầu như không khả thi.
"Hiện nay chúng ta đi vay ODA rất khó khăn, mặt khác các thành tố ưu đãi cũng giảm dần. Do vậy, theo định hướng hiện nay nghiên cứu hướng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, cơ chế PPP đang khó thu hút nhà đầu tư tham gia do chi phí quá lớn, thời gian thu hồi vốn lâu và nhà đầu tư lo ngại tính rủi ro", ông Tuân cho biết.
Một vấn đề quan trọng khác, theo ông Tuân, hiện chúng ta đang xây dựng metro rất bị động, công nghệ phụ thuộc vào nhà tài trợ. Do đó, cần sớm xây dựng các tiêu chí kỹ thuật chung cho các tuyến đường sắt đô thị để thuận lợi cho công tác đấu thầu, xây dựng, vận hành sau này. Nếu đồng bộ tiêu chuẩn, tàu có thể chạy từ tuyến này qua tuyến khác, thuận lợi cho khai thác, duy tu, bảo dưỡng...
Đồng tình quan điểm cần có tiêu chuẩn thống nhất, PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên trưởng khoa kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa TP.HCM), cho hay việc đầu tư có sự khác biệt về công nghệ sẽ rất khó khai thác và dễ dẫn đến lãng phí.
Do vậy, chúng ta cần lấy một tiêu chuẩn chung để thực hiện. Từ tiêu chuẩn đó chúng ta lựa chọn, thu hút nhà đầu tư tư nhân hạ giá thành đầu tư. Đặc biệt, nước ta phải ưu tiên làm chủ công nghệ để bớt phụ thuộc, giảm giá thành khi đầu tư.
Ông Ngô Thịnh Đức, chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam, đề nghị cần có hướng giải quyết để đầu tư metro nhanh hơn - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Ông Ngô Thịnh Đức, chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam, nói rằng ở nước ta metro đang có nhiều tiêu chuẩn, công nghệ khác nhau và đây sẽ là một nguy cơ. Mỗi khi ray hư, điện hư…, chúng ta phải đi mua vật tư mỗi nước mỗi thứ. Do vậy, ông kiến nghị ban hành một tiêu chuẩn chung về đường sắt đô thị cho cả nước.
"Phương thức đầu tư PPP hiện nay cũng đang vướng mắc ở cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Hiện nay, nhà đầu tư đang chịu hết từ lúc lập dự án đến lúc thiết kế. Do đó, các nhà khoa học, chuyên gia cần phải phản biện, góp ý, đề xuất các cơ chế thu hút tư nhân, tìm ra con đường ngắn nhất để hoàn thiện đường sắt đô thị", ông Đức chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận