TTCT - “Có khả năng có sự can dự từ bên ngoài…”, nhận xét của Tổng thống Lebanon Michel Aoun đúng cả cho vụ nổ tàn phá thành phố Beirut lẫn tình hình nước này. Trang tin Morocco World News giật tít: "Vụ nổ Beirut: Ông Macron đóng vai cứu tinh da trắng khi thăm Lebanon". Ảnh: moroccoworldnews.com Quyết định từ chức của nội các Thủ tướng Hassan Diab ngày 10-8 có thể là một minh họa cho đặc điểm này của một nước chỉ rộng hơn 10.000km2, dân số hơn 5 triệu người, song chia phe đánh nhau suốt từ đời nào tới giờ. Ngay sau vụ nổ khiến hơn 200 người chết, hơn 6.000 người bị thương, hơn 300.000 người mất nhà cửa, dân chúng xuống đường ào ạt, điều thực ra đã bắt đầu từ tháng 10-2019. Việc bổ nhiệm ông Diab làm thủ tướng đầu năm 2020 được kỳ vọng sẽ giúp tháo bớt ngòi nổ và làm dịu đi đám cháy đã kéo dài mấy mươi năm qua, nhưng nay thì tất cả lại “tanh banh”. Khẩu hiệu phản đối nhất quán “tất cả có nghĩa là tất cả” được nhấn mạnh lần nữa từ người biểu tình và người dân bày tỏ sự tức giận với tất cả các lực lượng chính trị. Những người biểu tình cũng đưa ra lời chỉ trích rõ ràng hiếm hoi về Hezbollah, gọi đó là một “giáo phái mafia” và “băng đảng trộm cắp và tội phạm”. Mảnh đất của chia rẽ France Info 8-8 đặt câu hỏi: “Tại sao cụm từ “hệ thống băng hoại” rất thường được sử dụng để nói tới Lebanon?”, rồi tự trả lời: “Để duy trì thế cân bằng giữa các cộng đồng, một hệ thống chính trị được thiết lập sau 15 năm nội chiến (1975-1990), nhằm “gắn kết quốc gia” với “truyền thống hiến định”: tổng thống theo phái này, thủ tướng theo Hồi giáo Sunni, chủ tịch quốc hội theo Hồi giáo Shia”. Đáng tiếc là truyền thống “chia ghế” đó bắt nguồn từ cuộc điều tra dân số năm 1932 mà nhóm theo Thiên Chúa giáo Maronite [một nhánh của Giáo hội phương Đông] chiếm đa số, cho đến nay vẫn chưa có một cuộc điều tra cập nhật! Từ cuộc bầu cử quốc hội năm 1992 sau nội chiến kết thúc, mới có sửa đổi dựa trên thỏa thuận Taef: phe Maronite không còn chiếm đa số “tự nhiên” trong quốc hội, mà chia đều ghế cho các giáo phái, dân vẫn bầu phổ thông. Trên lý thuyết, sự “chia đều” này được hi vọng sẽ làm giảm bớt sự tị nạnh giữa các bên và đem lại cơ hội cộng tác với nhau. Trên thực tế theo thời gian, công cuộc “chia ghế” đã chia rẽ thay vì gắn kết, biến xã hội Lebanon thành từng mảnh, trong đó mỗi giáo phái “đặt để” người của mình vào từng định chế, tổ chức, đơn vị, xí nghiệp lớn… Hậu quả là Lebanon cứ thế “ở lì” hạng 138/180 trên bảng xếp hạng cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), kèm theo bình luận: “Tham nhũng chính trị và xung đột lợi ích vẫn là những trở ngại chính đối với bất kỳ sự cải thiện nào ở Lebanon”. Là một quốc gia mà kinh phí cho hoạt động chính trị không được rót thoải mái từ ngân sách, mà tùy vào nguồn tài trợ mỗi đảng huy động được, TI nhận định ở Lebanon, “khung pháp lý và quy định nhà nước về sự tài trợ các đảng chính trị thiếu một số yếu tố cần thiết, đặc biệt là các tiêu chuẩn cụ thể, minh bạch và trách nhiệm giải trình” (L’Orient Le Jour, báo Lebanon 29-1-2019). Nội các vừa từ chức tối thứ hai 10-8 là một nồi lẩu “tả pí lù” như thế với bốn bộ trưởng theo hai nhánh chánh của Hồi giáo Shia là Amal và Hezbollah, sáu bộ trưởng theo phe Tổng thống Aoun song lại là đồng minh của phái Hezbollah… Chỉ mỗi bộ trưởng thông tin, bà Manal Abdel Samad Najd, là không theo phái nào: bà là người đầu tiên tự loan báo từ chức ngay hôm sau vụ nổ (5-8) và xin lỗi do “đã không đáp ứng được mong đợi của nhân dân”. Các cộng sự của bà, có lẽ vẫn còn hi vọng bám trụ tới kỳ cùng, đợi đến trưa thứ hai 10-8 mới chịu từ chức tập thể. “Đổ vỏ” cho thiên hạ Sự sụp đổ của chính quyền Diab cũng đánh dấu chấm hết cho cuộc truyền tụng về tính “kỹ trị” (technocrate) của chính quyền này. Thật ra trong thời đại ngày nay, khi mà sự học lên cao đã là phổ quát toàn cầu, hiếm nước nào còn bám theo mô hình “dân trị” suông bằng nước bọt và luồn cúi. Vấn đề không phải là kỹ trị hay không kỹ trị mà là “có ra gì không?”. Điều này không chỉ đúng ở Lebanon mà ở bất kỳ nước nào mỗi khi thay đổi chính phủ lại đệm tính từ “kỹ trị” vào cho oai phong. Ông Diab vốn là dân học thuật sừng sỏ: giáo sư đầu ngành ngành điện dân dụng ở Viện Đại học Mỹ Beirut (AUB) lừng lẫy toàn cõi Trung Đông, nhưng ông cũng chẳng phải thần thánh: dân chúng đặt câu hỏi ông nói mình muốn xây dựng đất nước, song sao lại đòi AUB bồi thường hợp đồng cho ông bằng ngoại tệ trong tài khoản ở nước ngoài?! (The Daily Star, báo Lebanon 10-8-2020). Dân chúng thắc mắc là do tỉ giá đôla Mỹ chính thức là 3.900 lira Lebanon, còn ngoài chợ đen là trên 10.000 lira! Nhưng thiệt ra, ông Diab bất quá chỉ “đổ vỏ” cho những kẻ “ăn ốc” đi trước mình. Ông lên nắm quyền vào lúc Lebanon đang nợ ngập đầu và phải để Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) “cầm tay chỉ việc”. Tháng 10-2019, trước khi ông Diab lên cầm quyền, Chính phủ Lebanon ký một thỏa thuận với IMF, theo đó, đất nước đang mắc nợ chiếm đến 155% GDP này được IMF cấp tín dụng mới với lãi suất nhẹ đôi chút để đảo nợ. Điều kiện đi kèm: giá cả tăng vọt, tái cấu trúc đau đớn, bao gồm “dọn dẹp” ngành năng lượng không hiệu quả, và nhất là giảm 50% lương công chức! Một ví dụ điển hình của tình trạng “làm ít, ăn nhiều” là chuyện Lebanon phải nhập khẩu điện của Thổ Nhĩ Kỳ qua một “kênh truyền tải” lạ lùng là hai chiếc tàu - nhà máy điện thả neo ở cảng Beirut, cách bờ 100m, hòa vào lưới điện quốc gia, theo một hợp đồng trị giá lên đến 370 triệu đôla (báo Anh The Guardian 11-4-2013). Trong lễ khánh thành, các quan chức điện lực Lebanon nói đây chỉ là phương án tạm dự kiến 3 năm, trong khi chờ đợi khôi phục các nhà máy điện ở Jiyeh và Zouk. 5 năm sau, Lebanon vẫn còn thiếu điện và tờ Al Arabiya 6-8-2018 cho biết một tàu - nhà máy điện Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang tiếp điện cho Lebanon! Không chỉ với những sai lầm lĩnh vực công, ông Diab còn phải “đổ vỏ” cho cả khối ngân hàng, tài chính tư nhân của Lebanon. Tháng 5 vừa rồi, ông bị thống đốc Ngân hàng Trung ương Raid Salamé cản không cho đàm phán với IMF về một thỏa thuận vay ưu đãi 10 tỉ đôla do lẽ trong các điều kiện của IMF có yêu cầu tái cấu trúc ngành ngân hàng Lebanon. Chưa vừa lòng, chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Lebanon Samir Hammoud thậm chí còn dọa sẽ mặc kệ chính phủ mà thương thuyết trực tiếp với IMF về một kế hoạch theo ý họ (Yalibnan, 18-5-2020). Không có gì lạ khi các nhóm lợi ích tư nhân lớn và mạnh như vậy ở Lebanon: Trong 17 tỉ phú đôla của Lebanon do Forbes công bố cuối tháng 4-2020 có ông Najib Mikati, từng làm thủ tướng Lebanon 2011-2014. Cùng người em trai Taha Mikati, ông Najib đã xây dựng Tập đoàn Investcom vào năm 1982, tập đoàn mua bán điện thoại vệ tinh vốn được sử dụng rộng rãi trong thời gian nội chiến Lebanon! Mở đường cho ngoại nhân Hai ngày sau vụ nổ, hôm thứ năm 6-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bay sang Lebanon. Đến nơi, ông đã “tắm biển người”: dân chúng Lebanon than thở với ông về những thiếu sót của chính phủ nước mình, cứ như thể Lebanon còn là một xứ bảo hộ của Pháp như cách đây 100 năm. Truyền hình Pháp France Info tường thuật: “Là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên đến thăm đất nước kể từ sau thảm họa hôm thứ ba 4-8, ông Macron thậm chí còn đi xa đến mức ôm choàng một số người qua đường. Ông đã tận dụng cơ hội để lắng nghe sự tức giận của người dân đang đòi các nhà lãnh đạo của họ từ chức… Về phần mình, ông thông báo sẽ gửi thêm các nguồn lực cho nước này và dự định thành lập một hội nghị viện trợ cho Lebanon”. Đài này cũng ghi nhận rằng ông Macron không ngần ngại nói thẳng với các thành viên của chính phủ mà ông gặp: “Tôi hi vọng nhà chức trách Lebanon sẽ đưa ra câu trả lời rõ ràng về các cam kết của họ, nhà nước pháp quyền, tính minh bạch, quyền tự do, dân chủ và những cải cách cần thiết…”. Đó là phản ứng của người dân, còn chính giới Lebanon thì sao? Cũng France Info tường thuật: “Trong tầng lớp chính trị Lebanon, có những phản ứng trái chiều hơn một chút. Bởi nếu một số nhà lãnh đạo chào mừng sự thẳng thắn và trung thực của Emmanuel Macron, đặc biệt trong đảng của ngài tổng thống [Lebanon], theo thông tin của chúng tôi, đại diện các đảng phái chính trị khác khi đối thoại với Emmanuel Macron đã bộc lộ sự lạnh nhạt rõ ràng, như thể họ bị dội nước lạnh, vì những chỉ trích công khai từ một nguyên thủ nước ngoài ngay trên lãnh thổ nước mình”. Tất nhiên, di sản thuộc địa quá ảm đạm của nước Pháp khiến không chỉ chính giới Lebanon bực tức. Trang tin Sputnik của Nga chạy tít: “Chuyến thăm của Macron tới Lebanon làm dấy lên nỗi lo sợ về việc Pháp hồi sinh chế độ thuộc địa”. Thông tấn xã Mỹ AP cũng đặt câu hỏi: “Pháp định giúp Lebanon hay muốn tái chinh phục nước này?”, và phê bình: “Dường như Emmanuel Macron quên rằng Lebanon không còn là một xứ bảo hộ của Pháp”. Có nhiều bài học rút ra được từ thảm kịch Beirut vừa rồi. Song, cay đắng nhất có lẽ là tình trạng nợ nần khiến Lebanon phải cầu van IMF và một chính phủ bất lực tới mức dân chúng kêu cầu sự lãnh đạo từ một tổng thống nước ngoài. Thật ra, không có gì mới dưới ánh mặt trời. Tờ Le Journal de Montreal của Canada 21-10-2019 đã cảnh cáo: “Do tham nhũng đã là quá sâu và phổ biến, những cải thiện trong nền kinh tế có thể nhanh chóng bị chuyển hướng sang làm giàu cho một vài cá nhân, thay vì phục vụ cho việc cải thiện sinh kế của dân chúng. Nói cách khác, các biện pháp mà IMF kêu gọi có nguy cơ gây tổn hại lớn cho dân chúng nói chung, và làm giàu cho những kẻ tham nhũng nhất”.■ Về phần mình, lãnh đạo Hezbollah tại Lebanon, Sayed Hassan Nasrallah Sayed Hassan Nasrallah, đã bác bỏ các suy đoán của truyền thông mà ông cho là “bất công” trong những giờ đầu của thảm kịch Beirut, theo đó Hezbollah bị quy kết cất giữ tên lửa trong cảng. Ông Nasrallah nói những cáo buộc đó nhằm mục đích kích động người dân Lebanon chống lại nhóm kháng chiến Hồi giáo này. Tags: HTVVTCLebanonBeirut
Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII TTXVN 25/11/2024 Sáng nay 25-11, tại trụ sở Trung ương Đảng đã khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Mưa lớn, tháng 11 mà Huế ngập nặng, sập một căn nhà NHẬT LINH 25/11/2024 Mưa lớn ở Thừa Thiên Huế đã khiến một nhà dân bị sập làm 2 người bị thương, nhiều đường ở TP Huế bị ngập sâu, không thể đi lại.
Đang giao lưu trực tuyến: Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến đầu tuần tới Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.