Ngày 25-7, lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).
Lễ viếng cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh.
Tại Nhà tang lễ quốc gia, trong tiếng nhạc trầm hùng, các đoàn đại biểu kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đi vòng quanh linh cữu để bày tỏ thương tiếc và chia buồn cùng gia quyến.
Nghẹn ngào tiễn biệt trong nước mắt
Đến 17h35 ngày 25-7, ban tổ chức đã sắp xếp để người dân được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ quốc gia.
Càng về chiều tối, lượng người dân đổ về các tuyến phố quanh nhà tang lễ càng đông. Đến 20h30 dòng người xếp thành nhiều hàng dài trên các con phố dẫn vào khu vực nhà tang lễ như Nguyễn Công Trứ, Trần Thánh Tông, Tăng Bạt Hổ, Hàn Thuyên, Lò Đúc... Tất cả mọi người đều bày tỏ mong muốn được vào viếng, tiễn biệt Tổng Bí thư.
Là một trong những người được vào Nhà tang lễ quốc gia viếng sớm, chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Từ (Bắc Giang) cho hay bà rất xúc động khi được vào nhà tang lễ bày tỏ lòng thành kính, tri ân tới Tổng Bí thư.
Bà chia sẻ đã rời nhà lúc 4h sáng. "Sau khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, tôi có cảm giác như mất đi một người thân thiết. Bác đã hy sinh cả cuộc đời mình cho nước, cho dân. Vì vậy, tôi quyết tâm phải có mặt tại đây từ sớm để được vào viếng", bà Từ nói trong nước mắt.
Bước ra khỏi Nhà tang lễ quốc gia khi trời đã không còn nhìn tỏ, bà Lưu Thị Liên (59 tuổi, Hà Nội) cùng nhóm người bạn của mình mắt vẫn ướt lệ.
Cầm chiếc khăn mùi xoa sụt sùi xúc động, bà Liên nói khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần bà đã rất bàng hoàng, cảm giác như mất đi một người thân.
"Ngay từ lúc biết tin Tổng Bí thư qua đời, chúng tôi ngày nào cũng nghe ngóng tin tức về lễ viếng để cùng nhau tham dự. Hôm nay, khi bước vào nhà tang lễ tất cả đoàn đều cúi đầu tỏ lòng thành kính tới Bác và rất xúc động", bà Liên nói.
Dò từng bước ra khỏi nhà tang lễ sau khi vào viếng Tổng Bí thư, Trần Văn Dũng (24 tuổi, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) bày tỏ rất xúc động khi được vào viếng. Bị khiếm thị từ khi còn nhỏ, Dũng không nhìn rõ mọi vật xung quanh.
Dù đi lại không thuận lợi, nhưng từ 16h Dũng đã có mặt và xếp hàng. "Khi bước vào nhà tang lễ, dù tôi không nhìn rõ tất cả mọi người nhưng có thể cảm nhận được tình cảm xúc động của mọi người dành cho Tổng Bí thư qua những tiếc nấc nghẹn", Dũng chia sẻ.
"Tôi như mất đi người thân"
Chiều muộn, dòng người vẫn nối nhau xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh).
Là thương binh mất đi một chân sau trận đánh ở chiến trường miền Nam, ông Phạm Văn Dĩ (79 tuổi) kể dù nắng gắt nhưng ông vẫn nhắn con đưa đến viếng Tổng Bí thư.
Từ Hà Nam, ông Dĩ lên chuyến xe khách sớm nhất để tới Hà Nội. "Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, tôi đang ở chiến trường, còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, tôi ở đây.
Nhất định tôi phải đến. Hiếm có nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, có tài, có đức, liêm khiết, cực kỳ có uy tín với dân với nước như ông. Bản thân tôi rất xúc động nên không thấy mệt", ông Dĩ nói.
Sau đoàn của ông Dĩ không lâu, chị Nguyễn Phương Lan (Hà Đông, Hà Nội) cùng con trai ôm di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đôi mắt đỏ hoe, chực ngấn lệ.
Chị bộc bạch mấy ngày nay, khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần chị cảm thấy bâng khuâng, không thiết tha ăn uống như "mất một người thân trong gia đình".
"Tôi ốm, không đến Nhà tang lễ quốc gia được nên sáng nay quyết định mang di ảnh Tổng Bí thư sang đây để tưởng nhớ về ông", chị Lan nói và cho hay từ ngày Tổng Bí thư từ trần, chị đã lập ban thờ ông tại nhà.
Dẫn đoàn cựu chiến binh ba chiến dịch vào viếng Tổng Bí thư, ông Nguyễn Văn Vỵ (91 tuổi) đi từ huyện Lục Nam, Bắc Giang lên Hà Nội và hội ngộ gần 120 người đến từ 63 tỉnh thành.
Phần đông trong họ từ 70 - 90 tuổi, trải qua ba chiến dịch lớn gồm chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo xuất sắc của thời bình. Khi nghĩ đến hình ảnh Tổng Bí thư làm việc đến phút cuối cùng, dù nằm trên giường bệnh, tôi vô cùng xúc động, vô cùng nhớ thương", ông Vỵ nghẹn ngào nói.
Nhà văn hóa ngay trong lối sống
Nhà thơ Vũ Quần Phương, một trong các thành viên thuộc đoàn của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vào viếng Tổng Bí thư chiều 25-7, cho biết các văn nghệ sĩ dành tình cảm rất đặc biệt cho Tổng Bí thư.
Ông Phương nói Tổng Bí thư là nhà văn hóa ngay trong lối sống. Ông bày tỏ cảm phục trước đạo đức tuyệt vời của Tổng Bí thư và đặc biệt đánh giá cao tài năng dựa trên đạo đức của Tổng Bí thư.
Đưa tiễn bạn hiền
Dẫn đầu đoàn lớp văn khóa 8 (1963 - 1967) Trường đại học Tổng hợp đi viếng "bạn hiền" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ quốc gia, ông Nguyễn Ngọc Thiện nghẹn ngào nói lớp ngữ văn xưa còn 16 người, đều có mặt đông đủ đến tiễn người bạn hiền đồng môn thân quý.
Cả đoàn đều tin rằng người hiền ấy sẽ về cõi người hiền, gặp Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các bậc tiền nhân.
Ông Thiện khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương cao đẹp về tài năng, bản lĩnh, đạo đức, nhân cách.
Hình ảnh ấy sẽ không bao giờ phai mờ trong lòng các bạn bè đồng môn. Mặc dù các bạn học đều biết trước về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng hay tin ông ra đi đều vô cùng đau xót, tiếc thương.
Ông Trần Đình Thảo, nguyên phó tổng biên tập báo Tin Tức, TTXVN, có mối duyên đặc biệt với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi hai người bạn học có thời gian người làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, người làm phóng viên chuyên trách đưa tin lãnh đạo Hà Nội. Ông Thảo nói với bạn bè Tổng Bí thư là "người bạn tốt".
Ông kể khi một người bạn học cùng có hoàn cảnh khó khăn, đang sống tại quê nhà Hải Phòng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ấy đã giúp đỡ bố trí việc làm cho bạn tại Hà Nội. Do gia đình có mẹ già, con thơ, vợ đau yếu nên người bạn không thể nhận sự giúp đỡ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng vô cùng cảm kích trước tấm lòng của người bạn hiền.
Người bạn có hoàn cảnh khó khăn ấy chính là ông Bùi Đức Nhận. Có mặt trong đoàn bạn đồng môn đến viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ quốc gia, ông Nhận kể đó là năm 1997, lớp văn khóa 8 họp lớp tại TTXVN. Lúc ấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đến dự.
Được biết thông tin cả lớp chỉ còn ông Nhận hiện sống tại Hải Phòng chưa có công việc ổn định, gia cảnh khó khăn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biết, tin vào năng lực của bạn, đã sắp xếp cho bạn một công việc phù hợp tại Hà Nội.
Ông Nhận kể vì hoàn cảnh gia đình lúc đó không thể bỏ lại ở Hải Phòng nên ông chỉ nhận tấm lòng của bạn. Tuy thế đó vẫn mãi là mối ân tình mà ông Nhận chưa trả được cho bạn. Lần từ biệt cuối cùng, ông Nhận đã đi xe khách từ Hải Phòng lên Hà Nội để cùng các bạn vào viếng bạn hiền.
Dòng người dài như vô tận
Đến tận 22h ngày 25-7, dòng người vẫn nườm nượp đổ về Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo chương trình lễ tang trước đó, lễ viếng ngày đầu tiên sẽ kết thúc lúc 22h nhưng với dòng người đến đông nên lễ viếng phải kéo dài thêm sau đó.
Người lãnh đạo gần dân, nghe dân
Điều đặc biệt, trong dòng người đến viếng, rất đông là các bạn trẻ vượt đường sá xa xôi từ các tỉnh thành lân cận hoặc quận, huyện ngoại thành về trung tâm thắp nén hương lòng tưởng niệm người lãnh đạo "suốt cả cuộc đời, đến giây phút cuối cùng còn làm việc, cống hiến cho Tổ quốc".
Đọc những dòng chia sẻ ở 24 cuốn sổ tang đặt ở Hội trường Thống Nhất dễ thấy đa phần những người đến viếng chưa một lần gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Mọi người biết đến người lãnh đạo cao nhất của Đảng thông qua tin tức báo, đài hoặc qua những phát ngôn chỉ đạo, phong cách sống, làm việc.
Lẽ sống "danh dự là điều thiêng liêng nhất" trở thành lý tưởng, mục tiêu sống của nhiều bạn trẻ, qua những dòng sổ tang nhiều người xưng "cháu", gọi Tổng Bí thư là "bác" với sự ngưỡng mộ, kính trọng, thần tượng.
96 tuổi đời, 77 tuổi Đảng nhưng ngồi viết vào sổ tang sau khi viếng, ông Nguyễn Văn Thái vẫn gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếng thân thương là "Bác". Tự chạy xe máy từ quận Tân Bình qua quận 1 để viếng, ông Thái viết vào sổ tang kể một kỷ niệm sâu sắc về Tổng Bí thư.
Nghỉ hưu từ năm 1989, cấp hàm đại tá, cục trưởng Cục Tài vụ, Tổng cục Hậu cần, suốt hơn 30 năm ông Thái luôn viết thư góp ý với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các vấn đề phát triển đất nước, an ninh quốc phòng, phòng chống tham nhũng, trong đó có gửi cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Năm 2012, dù mới chỉ đảm nhận chức vụ Tổng Bí thư nhưng khi nhận được thư của ông Thái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cử phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng gặp mặt trực tiếp để lắng nghe ý kiến của ông và về báo cáo lại.
"Giữa trăm công nghìn việc, và ngay từ mới những năm đầu được bầu vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy một con người gần gũi với nhân dân, chịu lắng nghe những tiếng nói, kể cả phản biện để có những quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sát thực tế, hợp lòng dân", ông Thái nghẹn ngào.
Nhìn dòng người, biết dân kính trọng Tổng Bí thư
"Dòng người không biết khi nào ngơi", nhóm phóng viên đưa tin lễ viếng nói với nhau khi giờ viếng theo chương trình kết thúc. Dòng người chờ viếng về đêm xếp thành vòng tròn quanh sân Hội trường Thống Nhất, dài như vô tận.
Mới bay từ Hải Phòng vào TP.HCM, bà Vũ Thị Hải (78 tuổi) chỉ nguyện thắp nén hương lòng viếng Tổng Bí thư. Ngồi trên xe lăn, tay bà Hải chắp lại trước ngực, nước mắt nghẹn ngào hòa vào dòng người đến viếng.
Bà Hải chia sẻ dù có tuổi, sức khỏe yếu dần nhưng hằng ngày bà vẫn luôn theo dõi tình hình của đất nước và có tình cảm sâu sắc, sự kính trọng, quý mến với Tổng Bí thư.
"Tôi là người dân thôi nhưng rất kính trọng bác, rất cảm phục và thương tiếc bác, vị lãnh đạo tài đức, giản dị, gần gũi nhân dân. Được thắp nén hương viếng bác, tôi rất nghẹn ngào, không biết nói gì hơn, cảm ơn những đóng góp của bác cho đất nước mình", bà Hải xúc động.
Cùng hòa vào dòng người đến viếng là bà Lê Thị Đương, năm nay đã ngoài 97 tuổi. Lúc nghe tin Tổng Bí thư mất, bà Đương nói con cháu mua vé cho bà ra tận Hà Nội viếng, nhưng do tuổi bà đã cao, sức yếu nên con cháu đưa bà đến viếng ở Hội trường Thống Nhất.
Trời đổ mưa tầm tã khi bà Đương đến, chờ hai tiếng đồng hồ, mưa đổ xuống hai đợt bà mới vào viếng, lắng phút mặc niệm trước di ảnh Tổng Bí thư.
"Nhìn dòng người đến đây hôm nay cũng đủ thấy người dân kính trọng Tổng Bí thư như thế nào", bà Đương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận