Phóng to |
Bức ảnh chụp cô gái 14 tuổi Mary Ann Vecchio quỳ trước thi thể Jeffrey Miller, một trong những nạn nhân vụ thảm sát tại ĐH Kent State. Với bức ảnh này, nhiếp ảnh gia John Paul Filo đã đoạt giải Pulitzer năm 1971 - Ảnh: ohiohistory.org |
Ngày 4-5-1970, Marsha Halperin, sinh viên ĐH Boston (thành phố Boston, bang Massachusetts), đang ngồi học chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp thì một người bạn ào vào lớp, hổn hển kể chuyện vệ binh quốc gia bang Ohio bắn chết bốn sinh viên ở ĐH Kent State trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam.
Chín sinh viên khác bị thương nặng. Trước đó bốn ngày, tổng thống Richard Nixon tuyên bố mở rộng cuộc chiến tranh Việt Nam và đưa quân Mỹ vào Campuchia. “Tôi cảm giác cả thế giới đã đảo lộn” - Halperin, giờ là bà Halperin-Epstein, hồi tưởng.
40 năm sau, ông Gary Lownsdale vẫn bị ám ảnh bởi cảnh tượng ông chứng kiến trong những ngày cuối cùng trên giảng đường đại học. Cú sốc và sự giận dữ từ vụ xả súng ở ĐH Kent State lan khắp Ohio, đến ĐH Cincinnati của ông.
“Sau ngần ấy năm, tôi vẫn cảm thấy vô cùng giận dữ” - ông Lownsdale nói. Sau ngày 4-5-1970, hàng trăm trường ĐH, cao đẳng, trung học ở Mỹ đã bị đóng cửa, khi 8 triệu học sinh sinh viên đổ ra đường phố khắp nước Mỹ biểu tình phản đối vụ xả súng và chống chiến tranh Việt Nam. Các trường ĐH đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp, hủy luôn lễ tốt nghiệp của sinh viên và yêu cầu họ rời trường, gửi bằng tốt nghiệp cho họ qua đường bưu điện.
“Nhiều người trong số chúng tôi đã rời trường trong không khí sặc mùi lựu đạn cay, giữa vòng vây hãm của cảnh sát và quân đội đứng canh gác, trực thăng của các đài truyền hình bay vù vù trên đầu - ông Lownsdale kể - Không còn cơ hội thi tốt để nâng điểm tốt nghiệp, hay nói lời tạm biệt với bạn bè hoặc những thầy cô mà chúng tôi yêu mến trong bữa tiệc chia tay”. Bà Connie Romine, từng học ở ĐH Ohio, mô tả cảm giác lúc nhìn thấy lính vệ binh quốc gia xếp hàng trên phố “chẳng khác nào việc tôi đang ở một đất nước khác vô cùng xa lạ”.
Bốn thập kỷ sau, một số trường ĐH đã quyết định tổ chức lại lễ tốt nghiệp cho thế hệ sinh viên ra trường năm 1970. ĐH Boston đã mời toàn bộ 3.000 cựu sinh viên đến dự lễ tốt nghiệp vào ngày 15 và 16-5. Ở đó, họ sẽ có dịp mặc áo choàng và đội mũ cử nhân lên nhận bằng tốt nghiệp. Trường ĐH Ohio và ĐH Cincinnati cũng sẽ tổ chức các buổi lễ tương tự trong tháng 6. Chủ tịch ĐH Boston Robert A. Brown cho biết trường “đã mắc nợ” đối với thế hệ sinh viên 1970.
Bà Halperin-Epstein sẽ có mặt trong cuộc hội ngộ đặc biệt đó. “Đó sẽ là một kỷ niệm vừa cay đắng, vừa ngọt ngào - bà bùi ngùi - Đối với một bà già 62 tuổi như tôi, sẽ có rất nhiều cảm xúc dội về. Đó sẽ là thời điểm để hồi tưởng”. Bà sẽ đến cùng cậu con trai. “Đó là cơ hội để khép lại quá khứ. Tôi sẽ đến và ôm tất cả mọi người”.
Còn cựu nữ sinh Leslie Clarke, sẽ bay đến ĐH Boston từ Cleveland, cho biết bà sẽ mang theo bức ảnh của người mẹ quá cố đến dự lễ tốt nghiệp. “Mẹ tôi đã vô cùng thất vọng vì không được chứng kiến cảnh con gái mình lên nhận bằng tốt nghiệp - bà Clarke kể - Là một y tá, bà ấy đã làm việc vô cùng chăm chỉ để tôi có thể được học hành tử tế”.
Ông Lownsdale cho biết ông sẽ đến dự lễ tốt nghiệp ở ĐH Cincinnati để gặp lại những người bạn cũ, tâm sự, trao đổi về những cảm xúc và ký ức của thời kỳ đó, và đơn giản để tìm hiểu xem các bạn mình đã sống như thế nào từ năm 1970. “Tôi tò mò muốn biết họ sống thế nào sau sự kiện đó, họ đã trải qua những gì. Điều đó thật tuyệt vời đối với một lớp học không bao giờ tốt nghiệp”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận