Liệu quyết định sa thải thầy trong vụ việc thầy trò đánh nhau trên bục giảng ở Bình Định là nặng tay, có thể khiến "giậu đổ bìm leo" trong nghĩ suy của một số học trò cá biệt về cư xử với thầy cô. Học trò nay đã khác xưa quá nhiều khiến thách thức cho những người "trồng người" càng chồng chất?
Với học sinh cá biệt, việc "buông" các em tất nhiên sẽ dễ hơn gấp trăm lần việc uốn nắn các em thành người tốt, hay đây là "thuốc thử" cho bản lĩnh sư phạm và trái tim ấm nồng, tận tụy của nhà giáo?
Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến.
Phóng to |
Ảnh chụp từ clip: giáo viên Trần Anh Tuấn - Trường THPT Nguyễn Huệ, Bình Định (áo trắng)- và hai học sinh trên bục giảng trong vụ việc thầy trò đánh nhau. Thầy Anh Tuấn hiện bị sa thải, hai học sinh bị cảnh cáo |
Cái tát bất lực
Bố mẹ còn chưa dạy nổi Tôi cũng là giáo viên và nhận thấy thái độ của học sinh bây giờ khác xưa lắm. Nhiều bố mẹ còn không dạy được con cái huống chi thầy giáo. |
Có bài báo đã viết về sự việc ở Bình Định là " cái tát tay bất lực của thầy". Tôi nghĩ là đúng. Đó là sự bất lực với một thế hệ trẻ vô cảm vì được chăm lo vật chất quá đầy đủ; sự bất lực về một nền giáo dục mà ở đó thầy cô không còn chỗ đứng vì ý thức tôn sư trọng đạo phần nào phai tàn theo cùng sự du nhập của cái gọi là hòa nhập, hiện đại, văn minh, tự do trong giới trẻ.
Nhiều học sinh không biết ngả mũ, không biết cúi đầu, nhất là rất "nghèo nàn" những lời xin lỗi hay cảm ơn ai đó khi cần - những điều phải được học ngay từ cấp I.
Và còn cả sự bất lực của đội ngũ thầy cô giáo "lực yếu thế cô" trước sự cô lập của dư luận khi có lỗi. Thật bất lực thay!
Vì em chưa tốt, em mới cần thầy
Tôi thấy rằng thời nào cũng "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò", do vậy mới cần quý thầy cô để không những dạy chữ (theo nghĩa rộng) mà còn dạy nên người. Với gần 30 năm trong nghề, tôi thấy dạy học cần có nghề (một số kỹ năng có thể do được học qua các trường sư phạm, cũng có thể tích lũy trong quá trình sống) và có tâm (tận tụy trong công việc, bao dung, gương mẫu,...). Thử hỏi có bao nhiêu thầy cô hiện nay có được hai điều ấy?
Tôi chỉ nhớ đến câu nói: "Gieo gì sẽ gặt nấy". Hiện nay nhiều thầy cô đang biến mình thành người "bán chữ" (cũng đủ thủ thuật để ép các học sinh phải "mua") lại đòi các em học sinh phải lễ phép, kính trọng? Nếu là thầy đúng nghĩa thì dù có gặp học sinh cá biệt thế nào chăng nữa cũng giáo dục được.
Cuối cùng, kính mong mọi người đọc tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Hugo để hiểu vấn đề muôn thuở của "con người" và "giáo dục".
Tui hết cách rồi!
Khi giảng bài một số em không nghe, cứ tự do nói chuyện như ngoài chợ hoặc không chịu làm bài thì xử lý sao đây? La rầy chúng thì mang tội "nhục mạ", phạt chúng vài roi thì là "hành hạ, đánh đập" trẻ em và kết quả là nhận kỷ luật, bị đuổi việc... như thầy giáo Tuấn vừa qua!
Cái "tối kiến" không nằm trong luật nên giáo viên áp dụng để các em sợ "cay" mà bớt nói?! Thật khổ! Cấp lãnh đạo chỉ biết kỷ luật chứ chưa đưa ra cách xử lý học sinh cá biệt! Tui hết cách dạy rồi!
Ghét thầy, khinh thầy, làm sao học thầy?
Hồi nhỏ lúc nhận giáo huấn của thầy, có bao giờ bạn nghĩ sẽ làm thầy để được đánh mắng không? Và thầy bạn có đánh mắng chỉ vì nổi cơn muốn đánh mắng không? Thầy cũng không trông mong đưa sự việc lên hiệu trưởng, nhờ kỷ luật nhà trường ghi trong nội quy để làm các em sợ. Sợ thì không vui để học, khinh lờn cũng không học vì không muốn giống thầy.
Ghét thầy, khinh thầy, làm sao muốn học thầy? Sư phạm là nghề khó, bởi vậy mới có những nhà giáo dục để đời.
Khi học trò tự biên tự diễn màn bị giáo viên xúc phạm
Bạn từng đứng trên bục giảng chưa? Rất nhiều giáo viên từng mang rất nhiều hoài bão đẹp đẽ, hăm hở lên lớp để dạy những điều tâm đắc. Nhưng bù lại, một hoặc hai em trong lớp có những hành vi rất vô giáo dục. Khi cả lớp xúc động vì nội dung nào đó thì em ấy nói "Im một chút cho người ta ngủ coi, nói hoài vậy trời".
Các em nghiện game hành xử rất lạ, tâm sự riêng để cảm hóa nhưng các em không thấm, thậm chí cố tình chọc giận để giáo viên xúc phạm, sau đó các em làm đơn thưa đến ban giám hiệu. Gia đình thì không quan tâm các em nhưng khi hay tin các em báo bị giáo viên xúc phạm thì cả nhà kéo vào trường tru réo lên. Trong hoàn cảnh ấy bạn sẽ làm gì?
Còn nặng nợ cơm áo, làm sao mãi mềm dẻo, cảm thông?
Tôi là giáo viên. Tôi thấy có nhiều ý kiến cho rằng người thầy không được làm những việc trách mắng, đánh đập, đưa ra cho các em hình phạt này nọ; rằng hãy dùng tấm lòng, những biện pháp mềm dẻo, cảm thông với tâm tư nguyện vọng của các em; rằng đắc nhân tâm không liên quan đến vũ lực và các hình phạt... Nhưng nếu học sinh cá biệt được chúng ta cảm thông và dùng các biện pháp mềm dẻo hết lần này đến lần khác vẫn không tiến bộ một chút nào (nếu như không nói đến việc các em càng ngày càng làm tới)?
Làm một người giáo viên với đồng lương còm cõi, ngoài giờ đi dạy phải vắt óc ra suy nghĩ cách kiếm thêm đồng tiền để cải thiện cuộc sống, thử hỏi có thể kiên nhẫn được bao nhiêu mà thông cảm với tìm hiểu, mềm dẻo với yêu thương đong đầy? Trái tim luôn nóng, máu luôn chảy không đồng nghĩa với việc ta có thể làm hết nhiệt huyết của người thầy mà theo từng em bảo ban trong khi chúng không hề có ý thức hối lỗi.
Các biện pháp cũng không thể làm cho hoàn hảo được khi ta còn phải ngược xuôi cơm áo gạo tiền. Hãy thử đặt mình vào vị trí người giáo viên như tôi, và quý vị hãy cố gắng cùng nhà trường giáo dục con em chứ đừng thấy con hư là đổ lỗi cho giáo viên. Đừng thấy con em mình bị phạt mà mắng nhiếc ngay họ trong khi nếu chúng hỗn hào, xấc láo ở nhà như thế thì chưa chắc quý vị đã kiềm chế được.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận