Xuân này, chị "chỉ chê một nỗi là tiền vé vào và tiền đò tăng gấp đôi, chưa kể các thể loại vé khác; còn nhìn chung trật tự hơn những mùa trước...".
Đi một vài lễ hội khác nữa, chị nói đùa "năm nay chẳng có xì căng đan lễ hội gì, báo chí chắc buồn lắm". "Xì căng đan" mà chị nói là những hiện tượng biến tướng, trục lợi lễ hội: từ hỗn loạn cướp phết Hiền Quan, loạn ấn đền Trần, tranh lộc ở chùa Hương, náo loạn giành mảnh, cọng chiếu với hy vọng được sinh con trai ở Đúc Bụt... cho tới các câu chuyện trục lợi tâm linh, tín ngưỡng.
Nhưng năm nay quan sát một số lễ hội đã diễn ra từ Tết Nguyên đán tới thời điểm hiện tại, về cơ bản, các lễ hội đã "sóng yên bể lặng".
Tới chiều 20-2 (tức 11 tháng giêng), lễ hội chùa Hương đón gần 24 vạn khách tham quan dựa vào số vé bán ra; con số này vẫn còn tiếp tục tăng nữa.
Chùa Bái Đính, Tam Chúc (Ninh Bình) cũng đón số lượng khách trẩy hội, chiêm bái, lễ Phật đông. Thời tiết đẹp, khách thảnh thơi vãn cảnh chùa.
Số lượng người đi chơi hội vẫn đông, nhưng tình trạng hỗn loạn mà báo chí phản ánh trong những năm trước không còn nữa.
Một số lễ hội khác có yếu tố phản cảm trước đây từng là tâm điểm của dư luận thì giờ văn minh, lành mạnh hơn: hội Gióng (Hà Nội) không còn tranh cướp, lễ làng Ném Thượng (Bắc Ninh) cũng dựng rạp chém lợn trong phòng kín...
2024 là năm đầu tiên thực hiện bộ tiêu chí môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành nhằm hướng đến một mùa lễ hội an toàn, văn minh và lành mạnh.
Bộ tiêu chí hướng tới chuẩn hóa xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Đồng thời là công cụ, thước đo đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương.
Cùng với tình trạng phản cảm mà báo đài phản ánh thời gian qua, có thể thấy bộ tiêu chí này ít nhiều đã phát huy tác dụng trong việc kích thích năng lực quản lý chủ động của địa phương. Có người nói, giá như các địa phương chủ động sớm hơn...
Chợt nhớ một cuộc chơi xuân của nhà văn Tô Hoài kể lúc ông mới mười chín, đôi mươi. Ngày mùng 4 rét mướt, không đẹp trời như bây giờ, nhà văn cùng đoàn người băng qua cánh đồng chỉ còn gốc rạ lổm nhổm đi trẩy hội. Là cái gò ông Đống, để xin ông được mạnh chân khỏe tay đi đến nơi về đến chốn. Nhà văn khi đó kể, ngày Tết, ra đường chỉ cầu vui. Và trong "tiếng chuông đã đưa giữa những bờ rào cúc tần phủ sương sớm mai trắng mơn mởn. Các bà lão gặp nhau đứng chụm lại, chào hỏi rộn rã. Năm mới, a di đà Phật".
Xưa kia người trẩy hội đa số nông dân. Sau này, có đủ hạng người. Có cả những người sống bằng áp phe, buôn bán... Lễ hội "phình" ra, thời nào đạo đó. Lễ hội vẫn "ăn khách", truyền thống vẫn như "giọt máu đào" trong dòng người trẩy hội mùa xuân nhưng ngoài cầu an, cầu vui, vẫn có không ít người giữa thanh thiên bạch nhật dâng một lễ vật lút lít và lén gửi một lời khấn cầu tài, cầu lộc tới thánh thần.
Lại phải nói giá như...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận