20/02/2016 11:15 GMT+7

Lễ hội ngày nay khoa trương, na ná, phản cảm?

LẠI NGUYÊN ÂN
LẠI NGUYÊN ÂN

TT - Vừa đầu năm mới, như một lệ thường khó sửa, ta lại nghe nhiều dần lên những lời phàn nàn về lễ hội. Có quá nhiều điều 
cần bàn lại về lễ hội.

Hỗn loạn tại lễ hội “Đả cầu cướp phết” 2016. Ảnh tư liệu TT.
Hỗn loạn tại lễ hội “Đả cầu cướp phết” 2016. Ảnh tư liệu TT.

Chuyện cá chết nổi tại hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) sau đêm pháo hoa giao thừa mới chỉ được nhắc đến, chưa nghe hồi âm từ giới chức hữu quan ra sao thì đã lại nghe nơi này vừa đem chém lợn nơi kín đáo vẫn chưa làm yên dư luận, nơi khác lại có chuyện đánh nhau lung tung vì trò cướp phết, vì chen lấn xin lộc chùa, lộc đền.

Chưa kể những tệ nạn về dịch vụ quanh các lễ hội, “chặt chém” khách, tăng giá phòng trọ, tăng giá thức ăn vô tội vạ ở hầu như mọi ngả đường xuân!

Tục lệ xưa xô bồ trong thế giới hiện tại

Quả thật, các chuyện tệ nạn do lễ hội, từ vài chục năm nay, chưa bao giờ nguôi yên trong dư luận công chúng, nhất là ở thời của điện thoại smartphone, của Facebook.

Bởi người ta luôn luôn nhanh nhạy nắm bắt lấy trong đó những biểu hiện phi nhân, phản xã hội, những khía cạnh đi ngược lại các định hướng mới của thế giới thời nay: bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, tránh tất cả nguy cơ nhân tạo khiến Trái đất nóng lên...

Mọi động thái bên trong và bên ngoài mỗi lễ hội luôn luôn được cập nhật trong dư luận công chúng và những gì dường như “có chuyện” sẽ luôn khiến chúng ta phải bàn lại, phải nghĩ cách xử lý lại...

Không ít ý kiến, kể cả từ phía chuyên gia văn hóa dân gian, muốn bảo tồn tính nguyên trạng của lễ hội, dường như đã có từ khởi thủy, bảo rằng mỗi “kịch bản” lễ hội đều ứng với một câu chuyện gốc đã làm nên hàm nghĩa độc đáo riêng của lễ hội ấy, phân biệt nó với các lễ hội khác.

Ta nên hiểu rằng các loại lễ hội chính là nơi lưu giữ và tái hiện ký ức tập thể của cộng đồng người, những ký ức ấy có thể là những nét ghi hoặc đậm hoặc nhạt, thậm chí méo mó vênh lệch những trải nghiệm nào đấy mà cộng đồng từng có

Thế nhưng tính nguyên thủy của lễ hội xưa vốn gắn với điều kiện kỹ nghệ và tâm tính con người của ngày xưa.

Khi chỉ mới có ánh sáng đèn đuốc, lại bị tắt phụt đi trong chốc lát thì lễ thức “linh tinh tình... phộc” mới có được vẻ mộc mạc đến mức gần như ngây ngô mà lại bí mật kỳ thú; chứ ở thời ánh sáng điện và đủ thứ chiếu sáng hiện đại thì lễ thức kia như là một trò chơi vụng về.

Con người xưa tin vào phép mầu của nghi lễ tính giao linh thiêng kia như ngụ ý của phồn thực, của mùa màng bội thu, gia súc sinh sản nhiều và đàn bà trong làng chửa đẻ mau mắn...

Con người ngày nay đã ở quá xa thời thơ ấu kia, đã quá trần tục, quá thực dụng, quá tinh quái để chỉ thấy lễ thức kia ám chỉ một hành vi tính dục quá ư cụ thể.

Ta vẫn nghe những tin tức cho thấy chính cái tục cướp vợ rất bạo của một vài sắc dân miền núi khi xưa, nay cũng đã bị lợi dụng, lạm dụng rồi.

Vậy thì các thứ lễ thức, tục lệ thiêng liêng ngày xưa, bây giờ có còn nên được xem là linh thiêng?

Dẫu thế nào cũng không thể không tính tới nét phản cảm nếu nghi lễ xưa gây ra cho con người ở thế giới hiện tại.

Làng Ném Thượng (Bắc Ninh) chém kín 2
Làng Ném Thượng (Bắc Ninh) chém kín 2 "ông ỉn" nặng hơn tạ rưỡi tại lễ hội năm nay. Ảnh tư liệu.

Và những phản cảm mới

Cách đây dăm bảy năm, trong giới nghiên cứu tư vấn về văn hóa người ta nhận ra hậu quả tai hại của phương thức “sân khấu hóa” các lễ hội - một chủ trương đem lại rất nhiều công việc và thu nhập cho các nhà viết kịch bản lành nghề và cho các đạo diễn, cũng như cho các tay cai thầu thuê mướn tập hợp thợ diễn, diễn viên xa gần, trong khi công chúng của lễ hội bị đẩy hết ra làm khán giả.

Nhận ra lỗi lầm này rồi, người ta hô hào giới chức các địa phương làm mọi cách trả lễ hội về cho công chúng, sao cho chính dân gian địa phương tại chỗ là người tạo ra và cũng là người thụ hưởng lễ hội.

Có vẻ đây là một chỉnh sửa đúng hướng, nhưng do thế những nỗ lực tự phát cũng có thể đẩy tới các biến tướng biến dạng, nhất là nếu các địa phương bị động cơ thương mại hóa chi phối mạnh, dám bịa ra các thứ bùa ngải kiểu mới hòng thu lợi, gây ra những nét phản cảm mới.

Từ trong chiều sâu, ta nên hiểu rằng các loại lễ hội chính là nơi lưu giữ và tái hiện ký ức tập thể của cộng đồng người, những ký ức ấy có thể là những nét ghi hoặc đậm hoặc nhạt, thậm chí méo mó vênh lệch những trải nghiệm nào đấy mà cộng đồng từng có.

Bởi thế, không thể xóa một trải nghiệm xa xưa nào đó chỉ bằng lệnh cấm cái hành vi tưởng nhớ, cách này hay cách khác.

Nhưng cũng có thể đo lường cách thức tưởng nhớ, uốn nắn nó ít nhiều, sao cho nó không quá gây sốc cho cộng đồng, cho con người trong các mối quan hệ đa tạp của thế giới hiện đại.

Quá hoành tráng, khoa trương

Lại có một khu vực lễ hội rộng lớn dường như không có gì đáng lo ngại, song ảnh hưởng của nó thật ra không phải luôn luôn tốt, ấy là khu vực lễ hội chính thống, những lễ động thổ, khai trương, khánh thành, kỷ niệm vốn diễn ra hằng ngày.

Chính cung cách thực hiện các lễ lạt này dù vô tình hay cố ý cũng thường hay được xem như hình mẫu nghi thức cho các lễ hội dân gian vay mượn, bắt chước.

Quá hoành tráng, khoa trương, quá nhiều hoa hoét, biểu ngữ, cờ quạt, diễn văn dài dòng, lại luôn đi kèm với quảng cáo của các hãng tài trợ - những nét này đã từ lễ hội hành chính lây lan sang lễ hội dân gian, gây tác hại xóa nhòa hết những nét riêng của mỗi lễ hội, khiến lễ hội nào dường như cũng na ná nhau.

Có khi dân cư tại chỗ được huy động vào tốp trình diễn trong lễ hội cũng chỉ biết hành động rập khuôn, múa may, vẫy tay mà không biết mình đang dự hội gì, kỷ niệm nhân vật nào, ý nghĩa ra sao...

*Bạn có đồng quan điểm với tác giả bài viết - nhà phê bình Lại Nguyên Ân? Ý kiến của bạn về lễ hội ra sao, xin hãy viết ở ô Bình luận bên dưới. 

LẠI NGUYÊN ÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên