Lễ hội Hoàng mai qui mô toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại cố đô Huế (diễn ra từ ngày 9 đến này 19-1-2023, tại khu vực Công viên Thương Bạc). Đây là lễ hội nằm trong khuôn khổ Lễ hội mùa Xuân của Festival Huế 2023.
Hoàng mai Huế - Loài hoa đặc trưng ở xứ kinh kỳ
Dưới triều Nguyễn, hoàng mai được trồng nhiều trong hoàng cung, phủ đệ, dinh thự, sân đình … Hoàng mai xứ Huế có hoa màu vàng tươi năm cánh, dáng thanh thoát, hơi ưỡn mình về phía mặt trời.
Từng bông hoa nở chụm lại thành từng chùm một điểm xuyết trên nhành mai phảng phất một làn hương dìu dịu rất riêng. Đó chính là "phong thái" của mai đất Huế. Chính bởi những nét đặc trưng liên quan đến hoàng gia triều Nguyễn xưanên người ta thường gọi hoàng mai là "hoa vua, hoa ngự".
Với người Huế, hoa mai gắn liền với đời sống tinh thần của người dân xứ vàng son một thuở. Cây mai vàng là thứ không thể thiếu trong mỗi sân vườn xứ Huế, dù gia chủ có khó khăn thế nào. Cũng từ đó hoàng mai trở thành loài cây đặc trưng khi nhắc đến xứ kinh kỳ.
Ngày hội của "hoa vua" - hoàng mai xứ Huế
Để tôn vinh vẻ đẹp của loài "hoa vua", Trung tâm Festival Huế tổ chức lễ hội hoàng mai Huế lần đầu tiên trên toàn quốc. Đây là ngày hội để những người chơi mai Huế quần tụ và trưng ra những tuyệt phẩm mai vàng độc đáo đến người xem cả nước.
Cẩn thận cắt từng chiếc lá trên một cây mai tòa có phần ngọn uốn lượn vươn lên trời xanh, ông Nguyễn Ngọc Sơn (chủ vườn mai ở đường Lại Thế, TP Huế) nói rằng đến ngày hội mai vàng sẽ đem chậu mai móng rồng quý này đi trẩy hội.
Ông Sơn cho biết mai móng rồng là một biến thể đột biến của hoàng mai xứ Huế. Khi cây kết nụ, phần cuống sẽ phìn to ra. Mỗi cuốn nụ cho từ 1 đến 3 nụ hoa, mỗi nụ to và cuộn tròn lại, nhìn như móng của một con rồng. Khi hoa nở cho một mùi hương rất thơm.
Tương truyền dưới triều Nguyễn, trong dân gian nếu tìm được mai móng rồng đều phải đem tiến cung cho vua thưởng và trồng trong Đại Nội để thể hiện quyền uy. Cây mai móng rồng của ông Sơn từng có người trả giá hơn 2 tỉ đồng. Nhưng muốn cây quý ở lại với cố đô nên ông Sơn không bán.
"Tôi sẽ đưa cây mai này đến dự triển lãm ở ngày hội hoa mai sắp tới. Với những nhà vườn trồng mai như tôi, ngày hội này sẽ rất thú vị, là dịp để những cây mai quý, độc đáo ở Huế "xuất đầu lộ tướng", khoe mình ra chốn nhân gian", ông Sơn nói.
Những loài mai quý theo như ông Sơn nói đó là những biến thể của hoàng mai như "quảng hương mộc mai", "cành vàng lá ngọc"…. Đặc biệt trong số đó là loài mai ngự - loài hoa mai hoàng cung hiện nay gần như hiếm thấy trong dân gian.
Xây dựng thương hiệu "xứ sở mai vàng" của Việt Nam
Để ngày hội hoàng mai lần đầu tiên được thành công tốt đẹp, từ trước tết, những thành viên của Hội Hoàng mai Huế đã cố gắng chăm cho những chậu mai vàng quý của mình chờ đến ngày bung sắc. Anh Trương Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Hoàng mai Huế, cho biết hội động viên mỗi hội viên cố gắng đưa đi từ 1 đến 2 cây mai quý đến lễ hội lần này.
"Tôi hi vọng đây là tiền đề để lễ hội hoàng mai được tổ chức thường xuyên vào mỗi độ tết đến xuân về, trở thành ngày hội thực sự của người yêu vẻ đẹp của loài hoa tượng trưng cho sự sum vầy này", anh Tuấn Anh nói.
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, cho biết sẽ có 3 không gian ở lễ hội hoàng mai lần này gồm: Không gian trưng bày, triển lãm; không gian giao lưu và trao đổi và không gian đấu giá.
Ông Đạt kỳ vọng rằng lễ hội sẽ là sân chơi ý nghĩa để các chuyên gia, nghệ nhân, những người yêu thích nghệ thuật chơi mai có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Tạo cơ hội cho người trồng mai tiếp cận thị trường chơi mai cảnh khắp tứ phương, đem lại lợi ích kinh tế.
Lễ hội này cũng là dịp quảng bá hình ảnh hoàng mai xứ Huế, hướng đến việc xây dựng Huế trở thành xứ sở hoàng mai Việt Nam.
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, cho rằng lễ hội hoàng mai lần đầu tiên được tổ chức ở Huế là dịp để xứ Huế khẳng định thương hiệu xứ sở mai vàng của cả nước, tương tự như khi nhiều người nhắc Nhật Bản là xứ sở hoa anh đào, Hà Lan là đất nước của hoa tulip…
Ông Thọ lưu ý rằng việc phát triển các phong trào "mai vàng trước ngõ", xây dựng thành phố hoàng mai cần phải gắn liền với lợi ích kinh tế của người trồng mai.
"Cây mai phải đem lại lợi ích kinh tế cho người trồng. Có vậy mọi người, đặc biệt là các chủ vườn mai, các nghệ nhân mới có thể hưởng ứng một cách có hiệu quả phong trào xây dựng Huế - Thành phố bốn mùa hoa, thành phố hoàng mai của Việt Nam", ông Thọ nói.
Sau 10 ngày diễn ra, Lễ hội Hoàng mai Huế lần thứ I đã kết thúc tốt đẹp vào ngày 19-1 với sự tham dự của hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, thưởng lãm.
Ban tổ chức lễ hội cũng đã chọn ra 15 tác phẩm Hoàng mai loại lớn và 15 tác phẩm Hoàng mai loại Bonsai để chấm vòng chung kết. Sau khi lựa chọn kỹ lưỡng, ban tổ chức lễ hội đã chọn ra các tác phẩm hoàng mai thuộc 2 nhóm trên để trao 1 giải vàng, 2 giải bạc, 3 giải đồng và 5 giải khuyến khích cho từng nhóm.
Lễ hội Hoàng mai Huế lần I - 2023 để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách, trong cộng đồng những người yêu Hoàng mai Huế, tạo tiền đề tổ chức định kỳ Lễ hội Hoàng mai trong những năm tiếp theo, hướng đến việc xây dựng Huế trở thành xứ sở Hoàng mai Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận