27/12/2015 11:30 GMT+7

Lễ hội Hamyang, khát vọng Ngọc Linh

TẤN VŨ (hotanvu@tuoitre.com.vn)
TẤN VŨ ([email protected])

TT - Ngày chúng tôi đến Hamyang, tỉnh Gyeongsang (Hàn Quốc) cũng là dịp địa phương này đang tổ chức một lễ hội truyền thống về sâm núi lần thứ 12 của huyện, kéo dài trong năm ngày.

Người dân huyện Hamyang trưng bày sản phẩm của mình tại lễ hội sâm 2015 - Ảnh: Tấn Vũ
Người dân huyện Hamyang trưng bày sản phẩm của mình tại lễ hội sâm 2015 - Ảnh: Tấn Vũ

[AUDIO id= alt=]//static.tuoitre.vn/tto/r/2015/12/27/le-hoi-hamyang-khat-vong-ngoc-linh-1451203903.mp3[/AUDIO]

Dòng người ùn ùn từ khắp đất nước Hàn Quốc kéo về đây tận hưởng thứ đặc sản quý giá của đất trời ban tặng. Đây cũng là dịp để gần 500 hộ gia đình trồng sâm núi ở Hamyang bày biện những củ sâm quý giá nhất của mình để quảng bá.

Lễ hội cấp huyện choáng ngợp

Ngày 14-12, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái vừa có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương về việc tổ chức “Lễ hội sâm Ngọc Linh”. Công văn nêu rõ Bộ VH-TT&DL ủng hộ việc tổ chức lễ hội sâm, bảo vệ nguồn gen quý hiếm, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu cây sâm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam. Kinh phí tổ chức lễ hội theo phương thức xã hội hóa theo quy định của pháp luật hiện hành.

Những bộ trang phục màu xanh với phù hiệu lá và đóa hoa sâm trên vai áo, đầu quấn khăn trắng truyền thống, những người trồng sâm như hòa mình vào một vũ điệu riêng tự hào của xứ sở mình.

Những người đàn ông ở làng So Sang tái hiện cảnh người đi đào sâm núi mất tích và dựng lều trên núi đào sâm. Những đứa trẻ cưỡi trên những chiếc xe gỗ mang dáng hình củ sâm có hai lá chạy quanh bên đài phun nước của lễ hội.

Để nâng tầm giá trị cây sâm, người Hamyang đã “lồng” truyền thuyết vào ngay trong chính sản phẩm của mình. Đích thân ông Im Chang Ho, chủ tịch huyện Hamyang, hóa trang thành một ông già chống gậy, mang gùi đi tìm sâm và dựng lều ở ngay trên đỉnh núi tuyết.

Bên dưới hàng ngàn người hóng mắt theo dõi vở kịch mà chính ông chủ tịch huyện là diễn viên chính. Ông Im Chang Ho cho biết mình rất tự hào thay mặt cho người dân để quảng bá sản phẩm truyền thống của Hamyang ra bên ngoài.

Dạo một vòng quanh lễ hội sâm, chúng tôi thật sự choáng ngợp với những gì người dân ở một vùng núi xa xôi này làm được.

Bên cạnh những củ sâm tươi còn nguyên củ, thân, lá, rễ... đóng gói trong bao bì cẩn thận bày bán, hàng loạt sản phẩm sâm đã qua chế biến như nước giải khát, kem dưỡng da, nước đóng chai, dược phẩm, thực phẩm chức năng được bày biện lung linh dưới ánh đèn trang trí.

Nhiều nông dân tại Hamyang cho biết ngành công nghiệp trồng sâm ở đây không bao giờ “bán lúa non” bằng cách bán sâm tươi mà họ tự chế biến sâm núi ra nhiều sản phẩm khác để xuất khẩu.

“Huyện chúng tôi tự hào có đến 126 cơ sở sản xuất và 2.470 người làm việc trong ngành công nghiệp này. Chúng tôi bán sản phẩm của mình đến 50 quốc gia” - ông Im Chang Ho cho biết.

Chính quyền Hamyang chưa dừng lại ở việc tổ chức lễ hội cấp quốc gia, và năm 2020 Hamyang sẽ là nơi tổ chức hội chợ triển lãm sâm trên toàn thế giới.

“Hội chợ Expo - Sâm núi thế giới Hamyang 2020 sẽ là nơi hội tụ của những xứ sở sâm hàng đầu thế giới như Canada, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Khi đó quy mô sẽ rất lớn và chúng tôi còn thiết kế cả một thung lũng nghỉ dưỡng sâm núi “trường sinh bất lão” trong vùng này. Chúng tôi mong muốn sâm Việt Nam cũng có mặt tại nơi đây năm 2020” - ông Im Chang Ho nói.

Để bán sâm ra thị trường quốc tế, chính quyền huyện này đã không ngừng mở rộng và kết nghĩa với sáu thành phố lớn ở Hàn Quốc như: Seoul, Changwon, Busan, Daegu, Gwangju, Jeollanam và hàng loạt thành phố của các quốc gia khác trên thế giới như: Dương Châu, Giang Tô (Trung Quốc); Northhamstead, Nassau, New York (Mỹ); Quảng Nam (Việt Nam)...

Hai củ sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi ở Nam Trà My - Ảnh: H.V.M.
Hai củ sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi ở Nam Trà My - Ảnh: H.V.M.

Giấc mơ Ngọc Linh

Mặc dù được chính quyền Hamyang giới thiệu nhiều điểm du lịch để chúng tôi tham quan trong những ngày ở đây, nhưng đoàn công tác quyết định ở lại Hamyang để tìm hiểu thêm về sâm, bởi không chỉ sâm núi Hamyang, gần 100 gian hàng khác cũng bày bán sâm của những vùng khác từ khắp đất nước Hàn Quốc.

Những người Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ cũng mang những củ sâm của họ đến đây để quảng bá.

Đi giữa lễ hội Hamyang, những người Quảng Nam lại nghĩ về sâm Ngọc Linh. Ông Hồ Quang Bửu tâm sự: những gì đề cập trong dự án phát triển vùng sâm quốc gia vừa được Chính phủ thông qua là hoàn toàn phù hợp với hiện tại của Việt Nam, tuy nhiên điều đó người Hàn Quốc đã làm từ nhiều thập niên trước.

“Nhìn hạ tầng của họ mình ganh tị. Xe buýt chạy đến tận vườn sâm thì chẳng còn gì để nói. Tuy nhiên, Nam Trà My cũng bắt đầu xây dựng con đường 50km chạy từ trung tâm huyện đến đỉnh núi nơi độ cao khoảng 2.000m và xuyên qua luôn Mường Hoong (Đắk Glei, Kon Tum) ngay trong năm 2016 này” - ông Bửu nói.

Nghe vua sâm Hamyang kể chuyện, mọi người lại nghĩ: để có được những ông vua sâm tài sản hàng triệu USD ngay tại Quảng Nam hay Kon Tum cũng không phải là điều quá khó khăn.

Thực tế ngay tại vùng đất Nam Trà My cũng có hàng loạt nông dân như Hồ Văn Du, Hồ Văn Lượng... với hàng tấn sâm ngoài rừng, tài sản hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, người giàu vẫn là cá biệt, còn lại phần lớn đồng bào ở đây vẫn nghèo. Để những người nông dân này vươn mình ra khỏi đỉnh núi, bay xa hơn, đòi hỏi phải có một cú hích từ chính quyền.

Ông chủ tịch huyện Nam Trà My cho hay đến nay chính quyền đã quy hoạch chi tiết 15.000ha rừng trồng sâm ở huyện này. HĐND tỉnh Quảng Nam cũng đã thông qua việc cho thuê đất dưới tán lá rừng để trồng.

Và theo đề án của Chính phủ thông qua thì dự kiến kinh phí cho đề án là 9.000 tỉ đồng, trong đó xã hội hóa 7.000 tỉ đồng, 2.000 tỉ đồng còn lại là từ ngân sách và sẽ chia đều số tiền này đến năm 2030. Đến lúc đó Việt Nam dự kiến sẽ có khoảng 500-1.000 tấn sâm/năm, đứng thứ hai thế giới. Doanh thu mang về từ 1,5-2 tỉ USD/năm.

Ông Bửu hồ hởi công bố đến nay đã có hơn 20 doanh nghiệp lớn nhỏ đang đầu tư vào vùng sâm.

Ngay sau chuyến công tác tại Hàn Quốc kết thúc, hàng loạt đề án được ra đời và chưa dừng lại ở đó, ông Bửu cho biết ông vừa được nhiều doanh nghiệp lớn ở Israel mời qua bàn bạc chuyện sâm.

“Anh biết đấy, công nghệ sinh học, công nghệ gen của Israel đang là số 1 thế giới. Chúng ta đã đầu tư và đã nghiên cứu thì phải chọn người giỏi. Tại sao chúng ta không nghĩ đến một ngày không xa công nghệ Israel đi vào sản phẩm sâm Ngọc Linh ngay trên đất này? Tôi đang chờ đợi nhiều đổi thay sau chuyến công tác này” - ông Bửu nói.

Đang ngồi nhấm thử thứ rượu đặc lừ mùi sâm, đục như nước vo gạo tại lễ hội, chợt thấy ông Hồ Quang Bửu, chủ tịch huyện Nam Trà My, hớt hải chạy đến bảo: “Chết rồi! Hội chợ này người ta bày bán cả sâm... Ngọc Linh”.

Ông Bửu đưa chiếc điện thoại của mình vừa chụp được hình ảnh ba củ sâm y hệt giống sâm trên đỉnh Ngọc Linh từ lá, thân, rễ...

Anh Trịnh Minh Quý, phó giám đốc Trung tâm sâm giống Ngọc Linh, có vẻ bần thần: “Đúng là sâm Ngọc Linh nhưng vấn đề làm sao người Hàn trồng được và có sản phẩm bày bán tại đây”.

Không ai còn nói với nhau lời nào nhưng nhìn sâu trong ánh mắt của mỗi người trong đoàn nghiên cứu, chúng tôi biết rằng đó là niềm âu lo. Còn ông chủ gian hàng nhất quyết không nói gì nhiều về nguồn gốc của những củ sâm này ngoài việc ra giá bán.

TẤN VŨ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên