Ông Đầu Thanh Tùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - đọc diễn văn tại lễ hội khẳng định vai trò, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu và công đức của nữ anh hùng Triệu Thị Trinh; tôn vinh những giá trị độc đáo, quý báu của Lễ hội đền Bà Triệu và Khu di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu.
Đồng thời, nhấn mạnh trách nhiệm và sự đóng góp của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Lễ hội đền Bà Triệu.
Để tưởng nhớ công lao của Bà Triệu, từ ngày 19 đến 22-2 âm lịch hằng năm, đông đảo du khách thập phương lại hội tụ về làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc để được hòa vào Lễ hội đền Bà Triệu.
Lễ hội này với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc như: tế lễ, rước kiệu, tế nữ quan, rước bóng… Với giá trị to lớn và nét độc đáo, năm 2022 Lễ hội đền Bà Triệu đã được ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại buổi lễ sáng 11-3, thay mặt Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ông Nông Quốc Thành - phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa - đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội đền Bà Triệu cho tỉnh Thanh Hóa.
Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023, kỷ niệm 1.775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội đền Bà Triệu nhằm tri ân công đức của nữ tướng Triệu Thị Trinh, các bậc tiền nhân trong cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô xâm lược.
Qua lễ hội góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh dựng nước, giữ nước cho thế hệ trẻ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với thúc đẩy du lịch của tỉnh Thanh Hóa.
Đây còn là dịp để giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp vùng đất, con người xứ Thanh cùng nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế du lịch đến với bạn bè, du khách.
Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận