Theo UBND TP Cao Lãnh, lễ giỗ diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15-7 với nhiều chương trình hấp dẫn như: hội thao, giao lưu đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp, vẽ tranh nón lá, biểu diễn lân sư rồng... đặc biệt là hội thi đua xuồng trên sông Cao Lãnh (khu vực công viên Hai Bà Trưng).
Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường hằng năm thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh về đền thờ tại chợ Cao Lãnh, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp tham dự và chiêm bái, mừng một năm sung túc, an vui.
Bà Võ Thị Thu Hà - ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - bày tỏ hằng năm dịp này các chị em trong xóm thường thuê xe đi cúng viếng đền thờ ông bà Đỗ Công Tường.
"Chị em tới đây trước cúng ông bà, sau cầu cho mạnh khỏe, cho con cháu trăm họ được bình an, cầu cho nhà nhà được tốt đẹp, ấm no, vui vẻ", bà Hà nói.
Đặc biệt người dân và du khách dự lễ giỗ sẽ được phục vụ thức ăn và nước uống miễn phí từ 7h-21h hằng ngày.
Theo tài liệu ghi chép, ông Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh, cùng vợ đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà dưới thời vua Gia Long.
Do chăm chỉ, cần cù nên việc làm ăn buôn bán của ông bà ngày càng phát đạt, thu hút thêm nhiều người đến mở tiệm, trao đổi hàng hóa tấp nập, hình thành nên khu chợ Vườn Quít.
Năm Canh Thìn (1820) xảy ra bệnh dịch tả trong vùng khiến nhiều người chết. Ông bà Đỗ Công Tường đặt bàn hương án khấn nguyện, xin chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch bệnh mau chấm dứt.
Sau đó ông bà chay lạt, khổ hạnh từ mùng 6 đến 9-6 âm lịch thì bà lâm bệnh và mất, ngày mùng 10-6 ông cũng bệnh qua đời, dịch bệnh cũng sớm chấm dứt.
Đến năm 1907, người dân trong vùng cùng lập miễu thờ ông bà nơi chợ Vườn Quít xưa và đặt tên chợ là chợ Câu Lãnh. Lâu dần, người dân gọi trại là chợ Cao Lãnh đến ngày nay. Miễu được người dân quen gọi là miễu ông bà Chủ Chợ.
Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận khu mộ và đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận