Các bình nước thiêng từ 76 tỉnh của Thái Lan đã tề tựu về Bangkok - Ảnh: REUTERS
Sau hơn hai năm trì hoãn, Quốc vương Maha Vajiralongkorn sẽ chính thức làm lễ đăng cơ, trở thành Vua Rama X của vương triều Chakri có lịch sử hơn 230 năm vào tuần tới.
Buổi lễ kéo dài đến 3 ngày, từ ngày 4 đến 6-5, đã phải mất nhiều tháng liền để chuẩn bị.
Người dân Thái Lan được khuyến khích mặc đồ màu vàng từ tháng 5 đến tháng 7, tháng sinh nhật của nhà vua, bởi đó là màu của Mặt trời, màu của thứ hai - ngày quốc vương được sinh ra.
Hòa trộn tôn giáo
Lần cuối cùng người Thái chứng kiến lễ đăng cơ của một tân vương là vào năm 1950, bởi người khi đó là Quốc vương Bhumibol Adulyadej, tức Vua Rama IX và là phụ thân của nhà vua hiện nay.
Dù là một quốc gia Phật giáo, các nghi lễ đăng quang của quốc vương Thái Lan là sự tổng hòa của ít nhất hai tôn giáo là Phật giáo và Bà La Môn với niềm tin duy nhất rằng chúng sẽ đem lại sự hưng thịnh cho vương triều mới.
Hôm 23-4, những tiếng tụng kinh lớn và đều vang lên, tiếp nối khi lá số tử vi cho triều đại của Quốc vương Vajiralongkorn được đúc trên một tấm bảng vàng xuất hiện.
Trên một tấm bảng vàng khác, người ta thấy tên của nhà vua và biểu tượng vương quyền của ông.
Đó chỉ là một phần trong buổi lễ quan trọng để chuẩn bị cho lễ đăng cơ. Quốc vương không xuất hiện và cử một người đại diện trong nghi lễ dài tới 3 tiếng này.
Tử vi hoàng gia và hai vật phẩm khác sẽ đóng vai trò thiết yếu trong các sự kiện đăng cơ chính của nhà vua Vajiralongkorn. Chúng sẽ được trao cho quốc vương với các chức sắc cao nhất của Bà La Môn Thái Lan.
Với nhiều quốc gia, nghi thức trao vương miện cho tân vương được xem là đáng chú ý thì ở Thái Lan, trong lễ đăng cơ, hai nghi thức Song Phra Muratha Bhisek (tắm thanh tẩy) và Abhisek (nghi thức quán đỉnh, tấn phong hoàng gia) mới là quan trọng nhất.
Truyền thống bắt đầu từ Vua Rama I là sự tiếp nối của các triều đại Thái Lan trước đó và có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Theo báo The Nation của Thái Lan, trong lễ đăng cơ của Vua Vajiralongkorn, nước thiêng cho lễ tắm thanh tẩy sẽ được lấy từ năm con sông lớn của Thái Lan là sông Bang Pakong, sông Pasak, sông Chao Phraya, sông Ratchaburi và sông Phetchaburi và bốn chiếc ao ở Suphan Buri.
Đối với nghi thức quán đỉnh (rưới nước thiêng), nước thiêng sẽ được lấy từ 107 địa điểm quan trọng ở 76 tỉnh và từ hoàng cung.
Biểu tượng của đoàn kết
Lễ đăng quang của Vua Vajiralongkorn diễn ra trong bối cảnh Thái Lan đang bị chia rẽ bởi cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên sau đảo chính quân sự.
Cho đến thời điểm hiện tại, kết quả chính thức của cuộc bầu cử vào tháng trước vẫn chưa có và dự kiến chỉ được công bố vào ngày 9-5, tức 3 ngày sau lễ đăng quang của tân vương.
Chính quyền quân sự Thái Lan tuyên bố họ ưu tiên lễ đăng cơ của nhà vua hơn việc thành lập chính phủ mới.
Tuyên bố đó hầu như không vấp phải sự phản đối nào từ các đảng chính trị khác tại Thái Lan - một điểm chung hiếm hoi giữa các phe phái nếu không tính đến luật khi quân nghiêm khắc của nước này.
Việc các thành viên của hoàng gia Thái Lan thường tránh các vấn đề chính trị đã làm lu mờ một thực tế rằng nhà vua Thái Lan có quyền lực đáng kể, bao gồm chấp thuận bổ nhiệm một thủ tướng mới.
Trong trường hợp của Vua Vajiralongkorn, ông đã thể hiện quyền lực khi cấm em gái ra tranh cử và kêu gọi nhân dân bỏ phiếu cho hiền tài, "ngăn kẻ xấu tạo ra sự hỗn loạn".
Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Trung tâm an ninh và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), nhận định lần đầu tiên sau 18 năm với nhiều cuộc đảo chính, các lực lượng chính trị tại Thái Lan đang tìm kiếm một quy tắc thỏa hiệp mới dưới triều đại mới với sự cân bằng giữa một bên là quân đội, hoàng gia, hành chính và tư pháp, bên còn lại là quốc hội, các đảng chính trị và những người được nhân dân bầu ra.
Dù sẽ có nhiều khó khăn trong ngắn hạn nhưng theo ông Pongsudhirak, sự thỏa hiệp này là cách duy nhất để đưa Thái Lan thoát khỏi sự tụt hậu chính trị và nền kinh tế đang chững lại.
Nghi lễ đăng cơ ra sao?
Theo báo The Nation, các nghi lễ trong ngày đăng cơ sẽ được bắt đầu bằng việc tắm thanh tẩy bên trong hoàng cung của quốc vương.
Nhà vua sau đó sẽ thay vương phục và thực hiện nghi thức rưới nước thiêng trên ngai làm bằng gỗ sung trước khi chuyển sang một ngai vàng khác cùng chiếc ô trắng 9 tầng cho nghi thức đăng cơ, đội vương miện và tuyên thệ kế vị.
Nghi thức cuối cùng là một lễ rước hoàng gia đến các ngôi chùa Wat Bovoranives, Wat Rajabopidh và Wat Phra Chetuphon để viếng tượng Phật và thể hiện sự thành kính trước các vị vua và hoàng hậu đã khuất.
Vua Vajiralongkorn sẽ ra mắt dân chúng và quan chức ngoại giao tại hoàng cung vào ngày lễ cuối cùng 6-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận