Phần lớn người dân tham gia lễ cầu an tối 30-1 tại chùa Phúc Khánh có đeo khẩu trang phòng virus corona - Ảnh: NAM TRẦN
Nhiều người mong muốn thỏa mãn nhu cầu vui chơi văn hóa tiếc nuối nhưng sẽ càng thêm thấm thía: thân mạng mình là quan trọng nhất. Thân, tâm mình an vui thì ở đâu cũng là hội.
Hội, chùa cùng lo chống dịch
Các lễ hội lớn sắp khai mạc như Lễ hội đền Trần, Lễ hội phết xã Hiền Quan, Hội xuân chùa Tam Chúc, Hội xuân Yên Tử... đều lần lượt công bố tạm dừng tổ chức.
Chiều 1-2, ban quản lý đền Trần cho biết dự kiến hủy tổ chức Lễ hội đền Trần, chỉ có ban khánh tiết dâng hương trong đền. Ban tổ chức Lễ hội phết Hiền Quan chiều 1-2 công bố dừng tổ chức lễ hội dù trước đó hai ngày còn dự định tổ chức họp báo để thông tin về những nỗ lực đổi mới của lễ hội này. Hội phết sẽ chỉ có các cụ trong làng thực hiện nghi lễ dâng hương tại đền.
Cùng với hai lễ khai hội lớn của chùa Tam Chúc và Yên Tử công bố tạm dừng tổ chức, chùa Phúc Khánh từ sáng 1-2 cũng ra thông bạch dán ở chùa kêu gọi phật tử đến chùa phải đeo khẩu trang, lễ cầu an vẫn được nhà chùa tổ chức nhưng khuyến nghị phật tử có thể ở nhà, "chỉ cần vào thời khắc lễ cầu an, phật tử tâm hướng đến Tam bảo".
Cũng trong sáng 1-2, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi văn bản đến ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố yêu cầu các chùa tạm dừng tổ chức các lễ hội, các khóa tu tập trung đông người đến từ nhiều vùng khác nhau, chỉ tổ chức các khóa lễ cầu nguyện quốc thái dân an, nguyện cầu cho nhân loại có đủ năng lượng và trí tuệ vượt qua dịch corona.
Giáo hội cũng khuyến khích các chùa tổ chức phát khẩu trang cho phật tử và du khách. Một số ngôi chùa trên cả nước ngay trong ngày 1-2 cũng "xắn tay" cùng cộng đồng phòng chống dịch bằng cách phát khẩu trang cho người dân, làm lễ nguyện cầu quốc thái dân an.
Từ sáng nay (2-2), chùa Bái Đính sẽ phát 1 vạn khẩu trang cho phật tử tới chùa, chùa Tam Chúc phát 2 vạn khẩu trang.
Từ phía người dân, ý thức phòng chống dịch bệnh đã tăng lên nhiều trong vài ngày qua. Từ ngày 30-1, lượng khách đến chùa Tam Chúc và chùa Bái Đính đã giảm hẳn.
Ngày 1-2, ông Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tỉnh sẽ tạm dừng, không tổ chức nhiều lễ hội đầu năm: Lễ hội đền Huyền Trân (dự kiến diễn ra trong hai ngày 1-2 và 2-2), Hội vật làng Sình (dự kiến diễn ra ngày 3-2 tại đình làng Lại Ân) và Lễ hội cầu ngư (dự kiến diễn ra ngày 5-2 tại thị trấn Thuận An)...
Người dân làng rau truyền thống Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP Hội An) tổ chức lễ hội Cầu Bông vào sáng mùng 7 xuân Canh Tý - Ảnh: HOÀNG DUY
Tự lợi và lợi tha
Với nhiều người Việt, lễ hội chính là cơ hội quan trọng trong năm để được đáp ứng nhu cầu vui chơi văn hóa, nhu cầu tâm linh. Nhưng theo TS Mai Thanh Sơn (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), với tình hình dịch bệnh hiện nay, nhu cầu này chắc chắn phải xếp sau chuyện sinh tử mà người dân cả nước đang phải đối mặt.
Là một chuyên gia nghiên cứu về lễ hội dân gian, hiểu rất rõ nhu cầu của người dân được tổ chức lễ hội, đặc biệt là các hội làng, PGS.TS Phạm Lan Oanh - viện phó Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - cho rằng các nhà quản lý, nhà văn hóa cần cùng hỗ trợ, hướng dẫn để người dân vẫn thực hành được phần nghi lễ dâng hương gọn nhẹ, linh thiêng, bỏ đi những phần hội hè tập trung đông người để đảm bảo sức khỏe cho dân.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, thượng tọa Thích Thanh Quyết - phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - nói: "Phật ở trong lòng mình, nếu tâm hướng thiện thì ở đâu cũng có Phật, không nhất thiết cứ phải đến trước chính điện, Tam bảo.
Nếu có điều kiện, chúng ta có thể thực hiện được tâm nguyện trọn vẹn đến chùa thực hành tín ngưỡng, nhưng trong những điều kiện như bây giờ, phật tử cần phát huy tinh thần mà Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dạy: Phật tại tâm. Bản mệnh con người vẫn là số 1, giữ gìn sức khỏe là quan trọng nhất".
Thượng tọa Thích Không Nhiên (Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế) hoan nghênh công văn kêu gọi dừng ngay tất cả lễ hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cho rằng đây là quyết định đúng, nhân văn, mang thông điệp từ bi của Phật giáo.
Theo thượng tọa Thích Không Nhiên, phật tử đi chùa chân chính, đi chùa lễ Phật với mục đích cuối cùng là tự lợi và lợi tha. Người dân không tham gia lễ hội trong mùa dịch chính là thể hiện tinh thần tự lợi và lợi tha của nhà Phật khi giúp bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cho cộng đồng, mang lại sự an bình cho dân tộc.
Một chuyên gia văn hóa chia sẻ: Lễ hội nói chung chỉ diễn ra trong điều kiện hòa bình, bình thường, không đói kém, dịch bệnh. Ví dụ như ở nước ta từ 1945 đến 1980 là thời kỳ chiến tranh, đói kém, hầu như không có lễ hội nào.
Phòng chống dịch bệnh là một vấn đề lớn của toàn cầu nên chắc chắn cần được ưu tiên. Người dân vẫn có thể hương khói tại nhà, tại đền chùa gần nhà mà không nhất thiết phải tổ chức lễ hội.
Lễ hội là nơi dịch bệnh lan nhanh nhất, không kiểm soát được vì quá nhiều thành phần, nên dừng lễ hội là rất đúng trong thời gian này. Nếu chỉ một trường hợp trong lễ hội bị phát hiện mắc bệnh chắc chắn sẽ gây hoảng loạn quy mô lớn, có thể dẫn tới mất kiểm soát về tư cách. Ví như ở Trung Quốc, con nhiễm bệnh bị cách ly đã khiến cha đe dọa bác sĩ... (T.Đ.)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận