30 bức ảnh về những khoảnh khắc giữa mẹ và con mà Lê Bích đã ghi lại được trên hành trình đi dọc các tỉnh miền núi phía Bắc cho đến các tỉnh miền Trung trong gần 20 năm cầm máy ảnh, từ năm 2005 tới nay, đang được giới thiệu tới công chúng trong triển lãm Mẹ yêu con tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Lê Bích và 19 năm 'cóp nhặt' tình mẫu tử
Lê Bích được biết đến là một nhà nhiếp ảnh gắn bó với làng Việt, và các nghề thủ công truyền thống, nhưng lần này anh giới thiệu tới người xem một chủ đề mà anh đã theo đuổi 19 năm.
Năm 2005, khi lần đầu tiên thực hiện bức ảnh Trên lưng mẹ, chụp em bé dân tộc Mông ngủ ngon trên lưng của người mẹ đang bán hàng tại góc bán rượu phiên chợ Bắc Hà, Lê Bích đã có một cảm xúc đặc biệt về tình mẫu tử.
"Hình ảnh đã chạm đến trái tim của tôi một cách mạnh mẽ, và tôi đã quyết định sẽ bắt đầu hành trình khám phá những cung bậc cảm xúc khác nhau về tình mẫu tử", Lê Bích nói.
Kết quả là một triển lãm xúc động về tình mẹ con được bày ra sau 19 năm. Ở đây, người xem được khơi gợi những cảm xúc sâu sắc nhất trong mình, đó là tình mẫu tử.
Những người mẹ dù ở đâu, miền núi hay đồng bằng, dân tộc nào, cũng luôn dành những ngọt lành, ấm áp nhất cho những đứa con.
Người xem sẽ được bắt gặp niềm vui của bé gái được mẹ cho ăn sáng tại chợ phiên Lũng Phìn, xã Lũng Phìn, Mèo Vạc, Hà Giang; niềm vui của những em bé miền núi được cùng mẹ đi chợ sắm đồ tại Phố Cáo, tỉnh Hà Giang; bé trai ngủ ngoan trong lòng mẹ trong lúc mẹ bán hàng trên đỉnh Dốc Cun, tỉnh Hòa Bình…
Hay xúc động với nụ cười yêu thương của hai mẹ con nghèo đang ngồi chờ khách thuê làm mẫu chụp ảnh tại đồi cát Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; với hình người mẹ quê tần tảo đang chở đứa con trên chiếc xe đạp cũ ra chợ cá mưu sinh ở bờ biển Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định.
Tình mẹ của nhà báo Trần Mai Anh, mẹ của bé Thiện Nhân, cũng được Lê Bích ghi lại để kể cho mọi người về hành trình làm mẹ đầy yêu thương dành cho cậu bé Thiện Nhân của chị.
Chuyện của hai mẹ con đầu bạc một đời ngồi khâu nón bên nhau
Tình mẹ con không chỉ ngọt ngào khi những đứa con còn nhỏ, nó được nuôi dưỡng cả đời người. Lê Bích nhắc chúng ta điều đó bằng những bức ảnh chụp người con gái lớn tuổi qua giúp mẹ làm đèn trung thu tại làng nghề hoa lụa Báo Đáp, tỉnh Nam Định.
Đặc biệt là câu chuyện cảm động chụp hai mẹ con cùng tóc bạc trắng, ngồi khâu nón trong căn nhà quê đơn sơ. Đó là hai mẹ con làm nón tại làng Chuông, Thanh Oai, Hà Nội.
Lê Bích chụp bức ảnh vào năm 2014. Năm ấy, bà Bấc 98 tuổi, hằng ngày ngồi khâu nón cùng con gái 78 tuổi. Anh bảo hai mẹ con họ đã ngồi đó gần như cả cuộc đời, vì người con gái bị mù nên phải nương nhờ mẹ.
Nay bà mẹ đã qua đời, người con gái mù gần 90 tuổi vẫn ngồi đó khâu nón.
Ống kính của Lê Bích bị thu hút vào những bà mẹ lam lũ, tần tảo. Anh bảo sự khắc nghiệt và thiếu thốn của đồng bào dân tộc ở vùng cao đã làm cho hình ảnh người mẹ rất đậm nét, rất mạnh mẽ và đầy yêu thương.
Bấy lâu ống kính của anh gắn bó với làng quê, làng nghề nên hình ảnh phụ nữ tảo tầm lam lũ rất gần gũi thân thương với anh. Càng tiếp xúc với họ, anh càng thấy rõ hơn vẻ đẹp trong sự tảo tần đầy hy sinh của những người mẹ nghèo.
Vì "ai cũng sinh ra từ mẹ", triển lãm mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.
Triển lãm kéo dài tới hết ngày 15-3. Lê Bích dành tặng bộ ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận