Có lẽ mọi thứ đã được khởi đầu từ một dòng tweet được lan truyền hồi 2016, chuyện gia đình nọ quyết định tặng cho con gái nhà mình một bữa tiệc để an ủi lo âu của cô gái về “lần đầu tiên” của mình.
Ở Mỹ, đây là một khái niệm khá mới mẻ, nhưng các nền văn hóa khác không cho đây là điều gì quá lạ lẫm. Chẳng hạn ở Nhật, gia đình có thể ăn mừng lần có "nguyệt san" đầu tiên của con cái trong nhà bằng một món nếp tên gọi Sekihan, làm từ đậu đỏ.
Với nhiều phụ huynh, tổ chức tiệc tùng là một cách để chống lại sự tiêu cực xoay quanh cột mốc sinh học và thay đổi cơ thể của cô gái.
Trong bữa tiệc đặc biệt ấy, cô gái sẽ được tặng vô số các loại "có cánh" đáng yêu... Nhiều bà mẹ còn trao cho con mình một quyển nhật ký để ghi chép lại những thay đổi cơ thể, để từ đó không còn cảm thấy bỡ ngỡ.
Có bà mẹ chọn tặng cho con gái một ổ bánh kem và tiệc gia đình. Trên ổ bánh, có dòng chữ “Thế là con đã có!”. Bữa tiệc còn có sự tham gia của vài người bạn cùng lớp, cũng chia sẻ về tiệc của chính mình. Một số gia đình còn muốn xem đây như một bữa tiệc truyền thống của gia đình từ đó về sau.
Ngoài tiệc tùng, dịp này một số gia đình còn tổ chức cho cả nhà ra ngoài ăn kem, xem phim. Điều quan trọng với họ là làm sao duy trì cảm xúc của đứa trẻ trước dấu mốc này.
Người da đỏ Apahe Mescalero thực hiện nghi thức lễ ăn mừng kỳ kinh đầu tiên, xem nó là quan trọng nhất của cả bộ lạc, diễn ra trong vòng 8 ngày, để tôn vinh những cô gái vừa có kinh trong suốt một năm. Thổ dân Nuu-chah-nulth (Nootka- cư trú tại vùng ven biển Đông Bắc Thái Bình Dương của Canada) cho cô gái ra giữa biển rồi tự bơi vào đất liền. Thổ dân da đỏ Navajo có kỳ lễ tên gọi kinaalda, cho các cô gái phô trương sức mạnh bằng những cuộc đua chân đất, sau đó làm bánh ngô để cả bộ lạc cùng thưởng thức. Những ai đang "đến tháng" sẽ mặc quần áo đặc biệt và để kiểu tóc tựa nữ thần Navajo. Trong khi đó, nhiều quốc gia Nam Á, Châu Phi và một số vùng Đông Nam Á vẫn cho "nguyệt san" là một chủ đề cấm kỵ, thậm chí nhơ bẩn, không xứng đáng và cần phải thanh tẩy. Ngày 28-5 hàng năm được chọn là Ngày Vệ sinh kinh nguyệt toàn cầu, từ năm 2014. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận