15/07/2022 09:17 GMT+7

Lấy yêu thương để trị bệnh 'vô cảm', được không?

TS. VŨ THỊ MINH HUYỀN
TS. VŨ THỊ MINH HUYỀN

TTO - Sau hàng loạt những mặt trái của xã hội xảy ra trong thời gian gần đây, có bao giờ bạn tự hỏi: Phải chăng sự ích kỷ, vô cảm trở thành dịch bệnh? Làm sao để trị?

Lấy yêu thương để trị bệnh vô cảm, được không? - Ảnh 1.

Bệnh vô cảm của con người bắt nguồn từ giáo dục? - Tranh: DAD

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết của TS Vũ Thị Minh Huyền (Học viện Y - dược học cổ truyền Việt Nam) gởi đến chuyên mục chia sẻ.

Xã hội ngày càng phát triển, giá trị đạo đức bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến bệnh vô cảm. Sự ấm áp và yêu thương trong cuộc sống dần trở thành điều quý hiếm khó tìm và là điều mà nhiều người khát khao có được, tìm kiếm trong vô vọng.

Thật đau lòng mỗi khi những hình ảnh vô cảm và thiếu đạo đức được các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo hay chúng ta tận mắt chứng kiến những cảnh đau lòng. 

Hãy để cho thế giới này luôn được tỏa sáng bằng tình yêu thương và hãy nuôi dưỡng nó bằng cách làm nhiều việc tốt, yêu thương mọi người, sẵn lòng giúp đỡ người khác.

TS Vũ Thị Minh Huyền

Điều đáng lên án là khi chứng kiến các vụ việc trên, phần lớn đều dửng dưng, không can ngăn và coi như không thấy gì. Gặp người bị tai nạn, thay vì dừng lại giúp đỡ nhưng lại bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra, thậm chí có trường hợp không những chẳng cứu giúp nạn nhân mà còn lợi dụng cơ hội tìm cách lấy cắp tiền, tài sản của người bị nạn. 

Người ta có thể thản nhiên đứng nhìn cảnh một kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu; một vụ chủ cửa hàng đánh đập 1 nữ sinh vì tội ăn cắp cái váy giá hơn 100.000 đồng; một vụ đánh ghen làm nhục người khác… 

Họ không hề can ngăn mà chỉ lấy điện thoại ra quay rồi tung lên mạng xã hội. Tại sao người ta không lên tiếng can ngăn? Bởi người ta vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Bởi người ta sợ liên lụy, mang vạ vào thân.

Trong cơ quan nhà nước, thể hiện ở việc gây khó khăn, gây cản trở, cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc để trục lợi... khiến người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khi đến làm việc đều không hài lòng. 

Mối quan hệ giữa các đồng nghiệp trong các cơ quan nhà nước ở nhiều đơn vị vẫn còn mất đoàn kết, quan hệ với nhau chỉ vì lợi ích, không đạt được lợi ích là trở mặt với nhau, tìm cách hại nhau, rất khó để xây dựng được mối quan hệ tình cảm đồng nghiệp thân thiết với nhau chỉ vì tình cảm vô tư không vụ lợi. 

Đồng nghiệp không giúp đỡ nhau trong công việc mà tìm đủ mọi cách để gài bẫy cho đồng nghiệp làm sai hoặc biết rõ đồng nghiệp đang làm sai nhưng không góp ý, chờ khi mọi việc đã xảy ra rồi mới có ý kiến. 

Có những người luôn có tâm lý đố kỵ với những người có năng lực giỏi hơn, bằng cấp cao hơn, có điều kiện kinh tế tốt hơn, sợ người khác có cơ hội cạnh tranh vị trí với mình hoặc có cơ hội thăng tiến cao hơn mình nên tìm đủ mọi cách để hạ bệ đồng nghiệp xuống. 

Có những người chuyên tìm cách tiếp cận với người khác để lấy thông tin, sau đó lại đi bán thông tin cho người khác, xúi giục, kích động người khác làm những việc không tốt, gây ảnh hưởng đến sự đoàn kết trong cơ quan. 

Những vụ dì ghẻ, bố mẹ ngược đãi, bạo hành trẻ em và bao nhiêu chuyện đau lòng khác trong xã hội cho thấy bệnh vô cảm đang diễn ra cả trong nhiều lĩnh vực.

Khi mà tất cả mọi thứ đều bị lu mờ bởi vật chất, danh lợi… thì sự ích kỷ, vô cảm trở thành xu hướng chung. Khi mà xã hội này còn nhiều người chỉ lợi dụng người khác để đạt được mục đích cá nhân, coi trọng vật chất hơn tất cả mọi thứ khác, sẵn sàng giẫm đạp lên người khác để thăng tiến, trục lợi thì sự ấm áp, yêu thương cũng đã bị họ lãng quên.

Bệnh vô cảm đã phản ánh sự suy giảm nền tảng đạo đức. Khi sự gắn kết giữa người với người trong xã hội bị rạn nứt thì nó làm cho con người không dám tin vào những điều tốt đẹp, tình yêu, không dám đứng lên phản đối những việc làm sai trái.

Sự ấm áp, yêu thương hiện nay dường như bị xen lẫn với sự toan tính, thủ đoạn và đề phòng. Chính những lý do này khiến cuộc sống này ngày càng trở nên ngột ngạt, khó thở, người ta không còn gắn bó với nhau, yêu quý nhau vô điều kiện như thời xưa, sự gắn kết, tình người càng bị mai một. 

Xã hội cần có ngọn lửa nhân ái lan tỏa, những người hoạn nạn càng cần ngọn lửa nhân ái sưởi ấm họ. Đó chính là tiêu chí của một xã hội văn minh, một xã hội có đạo đức. Không gì có thể thay thế việc khơi dậy lòng nhân ái và dũng khí trong mỗi con người, tinh thần trách nhiệm và dũng khí của các cơ quan chức năng trước những ngang trái và bất công. 

Bao nhiêu đó cũng đủ làm ấm lòng người nhận, thể hiện được sự đồng cảm, sẻ chia, gắn bó và thấu hiểu lẫn nhau. Sự ấm áp, yêu thương làm cho con người đến gần nhau hơn, có thêm niềm tin vào cuộc sống, thay đổi cái nhìn của mọi người trong xã hội, mỗi người hoàn thiện hơn về mặt nhân cách, đạo đức, cũng nhờ đó mà xoa dịu được những nỗi đau trong tâm hồn. 

Nếu con người luôn học cách đối xử ấm áp, yêu thương với người khác, chúng ta hoàn thành tốt công việc với hiệu quả cao hơn, cuộc sống càng thêm ý nghĩa, chúng ta có một đời sống tinh thần lành mạnh. Tâm hồn mỗi người nhờ thế được bồi đắp trở nên trong sáng hơn, niềm tin vào con người và cuộc sống vì thế mà sẽ được củng cố thêm.

Vì vậy chúng ta hãy mở rộng cánh cửa trái tim, hãy luôn cố gắng trở thành một con người tử tế, luôn biết yêu thương và giúp đỡ mọi người. 

Vì không những ta mang hạnh phúc đến cho mọi người, cho chính mình mà còn giúp những người bất hạnh hiểu rằng thế giới này vẫn vô cùng ấm áp tình người. Bất chợt, ca khúc "Xin đừng hẹn kiếp sau" của nhạc sĩ Nguyễn Minh Anh bên nhà hàng xóm vang lên: "Nếu như có thể xin đừng làm nhau đau / Vì cuộc đời dài ngắn, ai biết ngày mai sau".

Sống ở đời, hãy quan tâm, yêu thương nhau mỗi ngày khi còn có thể, xin đừng gây tổn thương cho nhau, xin đừng làm nhau đau, xin đừng đợi đến lúc ai đó chết mới yêu thương họ toàn vẹn. Bởi, cuộc đời mỗi người dài ngắn khác nhau, chúng ta không thể biết được ngày mai tương lai của chúng ta ra sao. 

Hãy thật sự để trái tim lên tiếng và sống bằng một trái tim ấm áp, đầy yêu thương, bạn nhé.

Hãy dạy trẻ yêu thương bản thân để trẻ quý trọng sự sống và cuộc đời mình Hãy dạy trẻ yêu thương bản thân để trẻ quý trọng sự sống và cuộc đời mình

TTO - Bất kỳ đứa trẻ nào cũng sẽ có lúc phải đối mặt với những vấn đề của bản thân, và có khả năng trở thành nạn nhân của chính mình.

                              

TS. VŨ THỊ MINH HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên