Ô nhiễm không khí sẽ tác động xấu đến sức khỏe, tùy vào độ nhạy cảm của mỗi người. Đặc biệt, những người có đường hô hấp nhạy cảm như viêm mũi dị ứng, hen suyễn sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.
- Coi AQI để liệu đường mà... hít thở!
Để đánh giá chất lượng không khí, người ta xây dựng chỉ số AQI - Air Quality Index. Chỉ số AQI được xác định dựa trên mức độ của 8 yếu tố gây ô nhiễm không khí: bụi thô (PM10), bụi mịn (PM2.5), NO2, SO2, CO, O3, NH3, và Pb (chì). AQI có thang đo từ 0-500, càng cao thì càng nguy hiểm cho sức khỏe.
Yếu tố quan trọng nhất của ô nhiễm không khí là nồng độ PM 2.5- các hạt bụi mịn có đường kính <=2,5 µm (tương đương 1/30 kích thước sợi tóc!). Các hạt bụi này vô cùng nguy hiểm, bởi chúng dễ dàng đi sâu vào đường hô hấp đến phổi, gây ra các kích ứng trên đường hô hấp như ho, hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở; ảnh hưởng xấu lên chức năng phổi, làm trầm trọng thêm các bệnh hen suyễn, tim mạch, và cũng là tác nhân gây ung thư phổi.
Người dân nên theo dõi thông tin về chất lượng không khí trước khi ra đường, hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời. Khi chất lượng không khí kém, mọi người nên hạn chế ra đường, đặc biệt là trẻ em, người già và nhóm người có bệnh hen suyễn, tim mạch. Vì khí thải từ xe cộ sẽ kết hợp với không khí ẩm, hình thành các hạt bụi mịn lơ lửng-bụi mù ô nhiễm, nên trong cùng một ngày thì giờ cao điểm sẽ có chất lượng không khí tệ hơn các giờ khác.
- Hết ô nhiễm: chỉ còn cách... lập đàn cầu mưa!
Các chất gây ô nhiễm không khí nói chung và PM 2.5 nói riêng được tạo ra từ khí thải động cơ xe, khí thải các nhà máy dùng nhiên liệu như than đá, gỗ, dầu hay do cháy rừng. Ngoài ra, một số hoạt động trong nhà cũng sinh ra PM2.5 như hút thuốc, đốt nến, đèn dầu, chạy máy phát điện...
Chất ô nhiễm có thể theo gió bay xa hàng cây số. Một khi không khí đã ô nhiễm, con người hầu như không thể làm gì để loại bỏ ô nhiễm, ngoại trừ … lập đàn cầu mưa, để mưa rửa trôi các hạt bụi và chất độc!
- Chống ô nhiễm kiểu “dân gian”: không ăn thua!
Thật không may, bụi PM 2.5 quá nhỏ và có thể dễ dàng đi xuyên qua các khẩu trang y tế thông thường, dù là hai hay ba lớp. Các khẩu trang phòng độc chuyên dụng thì cồng kềnh, đắt tiền, nhìn dị hợm, nên không thích hợp dùng hằng ngày được.
Những người phải làm việc ở bên ngoài, có thể giảm bớt tác hại ô nhiễm không khí bằng một số biện pháp như: đeo mắt kính ôm sát mặt (để giảm bớt bụi tiếp xúc với mắt); Rửa mắt, mũi bằng nước muối sinh lý sau khi ra đường; Đeo khẩu trang dày, nhiều lớp dù hiệu quả kém, nhưng cũng không có cách khác tốt hơn. Thay khẩu trang thường xuyên, chứ đừng nhét túi mai xài tiếp!
Một số bạn chia sẻ các biện pháp chống ô nhiễm kiểu “dân gian” như uống nước chanh/cam/đào/tắc để đối phó với ô nhiễm. Mặc dù uống nước trái cây cung cấp vitamin C, nâng cao hệ miễn dịch là tốt, nhưng lại không... mắc mớ gì với việc giảm độc hại của ô nhiễm! Có bạn còn bày thêm cách lót khăn giấy vào khẩu trang, tuy nhiên, cách này cần thận trọng, vì bản thân khăn giấy cũng là một nguồn tạo ra bụi mịn!
Đặc biệt, không nên nghe theo các quảng cáo thuốc/thực phẩm chức năng “thải độc cơ thể”, vì thực tế không có sản phẩm nào có thể loại thải bụi hay chất độc ra khỏi cơ thể được, chỉ có tốn tiền thôi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận