Tán sỏi trong lòng niệu quản - bể thận ngược chiều (RIRS)
PGS.TS.BS. Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, phó giám đốc bệnh viện Bình Dân, TP.HCM:
Tại bệnh viện Bình Dân, mỗi năm các bác sĩ tiết niệu khám và phẫu thuật cho hơn 1.500 trường hợp sỏi thận với các kỹ thuật hiện đại và cập nhật.
Từ năm 1997, phẫu thuật nội soi lấy sỏi thận qua da (PCNL) đã được thực hiện tại trung tâm này. Tiếp theo, kỹ thuật lấy sỏi qua đường hầm nhỏ (mini-PCNL) được triển khai từ năm 2015.
Bệnh viện còn có Trung tâm huấn luyện Phẫu thuật nội soi hoạt động từ năm 2009 thu hút không chỉ các bác sĩ từ các tỉnh thành trong nước mà còn có một số bác sĩ từ các nước trong khu vực Đông Nam Á ghi danh.
Một số kỹ thuật lấy sỏi thận ít xâm lấn mà người bệnh có thể lựa chọn tại bệnh viện Bình Dân như tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL), lấy sỏi qua da (PCNL), lấy sỏi thận qua da xâm lấn tối thiểu (mini-PCNL) và kỹ thuật tán sỏi trong lòng niệu quản - bể thận ngược chiều (RIRS).
Sau khi thăm khám và chẩn đoán, tùy thuộc vào vị trí và đặc điểm của sỏi thận mà bạn đang gặp phải, các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp.
Các phương pháp điều trị sỏi niệu ít xâm lấn đang được ứng dụng giúp người bệnh điều trị hiệu quả, khắc phục nhược điểm của các phương pháp lấy sỏi truyền thống trước đây như khả năng lấy sạch sỏi cao, sẹo mổ nhỏ, sau mổ ít đau và thời gian nằm viện và hồi phục ngắn hơn.
Người bệnh ngay tại Việt Nam có thể được tiếp cận các phương pháp điều trị hiện đại trong bối cảnh thế giới phẳng của khoa học ngày nay.
Sỏi có thể gây suy thận
Tất cả các loại sỏi đường tiết niệu đều có thể làm ảnh hưởng đến thận do gây cản trở dòng chảy nước tiểu, làm ứ đọng nước tiểu gây viêm nhiễm đường tiết niệu và nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn thận gây hậu quả là suy thận.
Sỏi đường tiết niệu thường xuất hiện ở nơi có dòng nước tiểu yếu hoặc đường tiểu quá nhỏ, uốn khúc, bị hẹp do dị dạng bẩm sinh hay tắc nghẽn bởi chấn thương, u chèn ép hoặc do lao.
Đa phần các trường hợp bị sỏi đường tiết niệu là do sự lắng đọng các khoáng chất (oxalat, canxi, vitamin C, acid uric, photpho...), trong khi lượng nước đào thải qua thận ít hoặc rất ít sẽ làm lắng đọng các khoáng chất gây nên cặn thận, sỏi thận.
Trong các loại sỏi thận thì sỏi canxi là loại hay gặp nhất, chiếm khoảng 80 - 90%. Lý do là lượng canxi dư thừa trong cơ thể không sử dụng hết và được loại bỏ qua thận, lượng dư thừa này thường chảy vào nước tiểu.
Nếu canxi không được đưa ra ngoài, hoặc đơn giản là quá nhiều để có thể hòa tan trong nước tiểu, nó sẽ rắn lại và kết hợp với các khoáng chất khác tạo thành sỏi. Sỏi canxi thường xuất hiện ở những nguời có lượng vitamin D cao hoặc bị cường tuyến giáp. Những người bị suy thận thường có khả năng bị sỏi canxi.
Ngoài ra có loại sỏi được hình thành sau khi đường tiết niệu bị viêm (sỏi khuẩn). Loại sỏi này khá phổ biến ở phụ nữ. Sỏi khuẩn thường có nhiều góc, cạnh nhọn, hoặc phân nhánh thành sừng và kích thước có thể phát triển lớn làm tổn thương đến thận.
Khác với nữ giới, nam giới có thể bị sỏi tiết niệu loại do acid uric gây ra. Sỏi acid uric thường gặp ở người có tiền sử bệnh gút.
Tất cả các loại sỏi đều có thể gây tổn thương thận có thể dẫn đến suy thận nếu không có phương pháp điều trị kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận