Theo lịch trình, nội dung đề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn sẽ được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận.
Nhiều khả năng đề án này sẽ được Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp cuối năm nay để sớm cụ thể hóa tinh thần nghị quyết trung ương 4.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét các dự án luật đang được dư luận chờ đợi như Luật đất đai (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi); Luật thủ đô...
Lịch trình phiên họp còn có nội dung xem xét các báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai; kế hoạch kiểm toán năm 2013; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 cùng với báo cáo của các cơ quan tư pháp.
Ngày 11-9, Ban chỉ đạo xây dựng đề án quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào các nội dung của dự thảo đề án.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: “Mục tiêu của đề án là nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thay mặt cử tri đánh giá, thể hiện sự tín nhiệm của mình đối với người do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Qua đó, tăng cường trách nhiệm của những người này trước Quốc hội, HĐND nói riêng và cử tri cả nước nói chung. Kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước đánh giá chính xác, hiệu quả hơn năng lực trình độ của người giữ chức vụ quyền hạn, kịp thời đưa ra khỏi hàng ngũ những người không đủ đức, đủ tài, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp”.
Về đối tượng thuộc diện phải lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức danh từ bộ trưởng hoặc tương đương bộ trưởng trở lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận