18/10/2014 09:37 GMT+7

Kỳ họp Quốc hội: Lấy phiếu tín nhiệm 50 người

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 17-10, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm người phát ngôn Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo quốc tế công bố nội dung chương trình kỳ họp thứ 8 khóa XIII của Quốc hội.

Họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 8 - Ảnh: Việt Dũng
Họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 8 - Ảnh: Việt Dũng
Cả thế giới chỉ có mỗi Quốc hội chúng ta tiến hành việc lấy phiếu này thôi. Thế nhưng kết quả vừa qua tôi nghĩ rằng rất tốt
Ông Nguyễn Hạnh Phúc

Theo đó, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp ngày 20-10 và dự kiến bế mạc ngày 28-11.

Với 18 dự án luật, ba dự án nghị quyết được xem xét, thông qua và 12 dự án luật khác được Quốc hội cho ý kiến, đây là kỳ họp đạt kỷ lục về số lượng các dự án luật, nghị quyết được đưa vào chương trình nghị sự.

Quốc hội sẽ lần thứ hai tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Dưới đây là nội dung ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phóng viên:

* Tiền Phong: Đây là lần thứ hai lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội có rút kinh nghiệm gì từ đợt lấy phiếu tín nhiệm trước không?

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần đầu đã được sử dụng ra sao trong đánh giá cán bộ? Kết quả lấy phiếu lần này tác động như thế nào đến công tác đánh giá, bố trí cán bộ nhiệm kỳ tới của Đảng?

- Cả thế giới chỉ có mỗi Quốc hội chúng ta tiến hành việc lấy phiếu này thôi. Thế nhưng kết quả vừa qua tôi nghĩ rằng rất tốt. Tuy nhiên một số thành viên Chính phủ phiếu không được cao lắm.

Qua thời gian các đồng chí này thấy rằng mình cần phải rút kinh nghiệm, làm tốt hơn nữa, tích cực hơn nữa, đến nay một số lĩnh vực mà các đồng chí đó phụ trách đã có chuyển biến tốt và được cử tri, nhân dân rất đồng tình.

Đây cũng là việc chúng ta thực hiện theo nghị quyết trung ương 4 về đánh giá cán bộ và là một kênh tham khảo để các cơ quan liên quan đến công tác quản lý cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới đây.

Rút kinh nghiệm từ đợt lấy phiếu đầu tiên, lần này chúng ta thống nhất mẫu báo cáo của người thuộc đối tượng lấy phiếu sẽ tương đồng hơn, tránh việc người viết dài quá, người viết ngắn quá.

* Tuổi Trẻ: Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định sửa đổi nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Được biết trung ương đã có chủ trương, định hướng về việc này, thể hiện qua tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với một số nội dung chính như chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần/nhiệm kỳ với ba mức phiếu (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp).

Xin hỏi ông, với các đại biểu Quốc hội là đảng viên thì họ có phải chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương của trung ương không? Theo ông, với những nội dung sửa đổi được trình ra Quốc hội lần này thì ý Đảng đã thật sự hợp lòng dân chưa?

- Trung ương đã bàn rất kỹ vấn đề này. Thật ra phải có sự khác nhau giữa lấy phiếu và bỏ phiếu. Bỏ phiếu thì đúng là chỉ có hai mức thôi, nhưng lấy phiếu phải có ba mức vì đây là đánh giá, khảo sát tín nhiệm.

Nếu lấy phiếu và bỏ phiếu cũng giống nhau thì chỉ cần hai mức, bỏ phiếu luôn chứ việc gì phải lấy phiếu nữa. Lấy phiếu là một kênh để đánh giá cán bộ, việc một năm hay hai năm tiến hành một lần thì trong quá trình thảo luận để sửa đổi cần phải xem xét rất kỹ để có quyết định, làm thế nào đủ cơ sở để đánh giá cán bộ.

Vừa qua cũng có đại biểu Quốc hội và cử tri có ý kiến rằng chỉ hai mức thôi. Chúng tôi tính ra mới chỉ khoảng 30% đại biểu phát biểu tại hội trường (tại kỳ họp thứ 7 - PV), chắc là kỳ họp tới đây sẽ có nhiều ý kiến phát biểu, tham gia thêm.

Việc sửa đổi nghị quyết này tại hai kỳ họp là để có điều kiện các đại biểu phân tích, làm rõ thêm chứ cũng chưa có quyết định chốt cái này. Trên cơ sở phân tích, đánh giá để Quốc hội có kết luận cuối cùng.

* Pháp Luật TP.HCM: Tờ trình của Chính phủ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm, nhiều đại biểu khi tiếp xúc cử tri chưa biết có nội dung về chủ trương đầu tư sân bay Long Thành nên chưa được nghe ý kiến cử tri về việc này.

Vậy đại biểu có khó khăn gì không khi đưa ra quyết định tại kỳ họp này?

- Về dự án sân bay Long Thành thì Chính phủ có báo cáo, đề xuất trình ra Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng hồ sơ đã đủ điều kiện trình Quốc hội.

Tại kỳ họp này Quốc hội chỉ cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ, chứ Quốc hội chưa có nghị quyết về đầu tư xây dựng sân bay Long Thành.

Cử tri TP.HCM muốn có luật riêng về cai nghiện ma túy

Theo tổng hợp ý kiến của cử tri TP.HCM gửi đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn, cử tri đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm để việc lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất, tránh hình thức. Đồng thời đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ lấy ở hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm.

Trong khi đó, tại báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri TP.HCM gửi đến kỳ họp đã nêu nhiều kiến nghị từ TP này liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Theo đó, kiến nghị Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Luật phòng chống ma túy cho phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính và tình hình thực tế hiện nay. Nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật phòng chống ma túy hoặc ban hành một luật riêng về cai nghiện.

Hiện nay, việc triển khai áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên theo Luật xử lý vi phạm hành chính do TAND cấp huyện xem xét, quyết định (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2014) nhưng đến nay chưa thực hiện được do thiếu các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành. Đề nghị các bộ, ngành quan tâm khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cai nghiện.

Với đặc thù đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn TP.HCM đông và phức tạp về tính chất, mức độ vi phạm, tập trung nhiều đối tượng nghiện ma túy từ các địa phương khác đến..., kiến nghị cho phép TP.HCM được thí điểm áp dụng giao chức năng quản lý, cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý.

Q.THANH

Chủ yếu bổ sung, sửa đổi nhiều dự án luật

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2015 và thảo luận, quyết định các vấn đề này. Quốc hội cũng nghe Chính phủ báo cáo về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 và thảo luận các nội dung này.

Như thường lệ, Quốc hội dành hai ngày rưỡi để tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ; dành một ngày để nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo và thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng”; dành một giờ để nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.

Đáng chú ý, kỳ họp này phần lớn nội dung làm luật của Quốc hội vẫn là xem xét, thảo luận, quyết định sửa đổi nhiều dự án luật như Luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức TAND (sửa đổi), Luật tổ chức viện KSND (sửa đổi), Luật MTTQ VN (sửa đổi), Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi)...

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên