30/07/2020 10:16 GMT+7

Lây nhiễm COVID-19 toàn cầu đang ở làn sóng thứ mấy?

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Tuần này hàng loạt báo đài quốc tế tường thuật về sự bùng phát trở lại của virus corona, từ châu Á cho tới châu Âu. Song theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây chỉ là sự tiếp tục của làn sóng dịch thứ nhất.

Lây nhiễm COVID-19 toàn cầu đang ở làn sóng thứ mấy? - Ảnh 1.

Người dân thủ đô London, Anh đổ ra phố ăn nhậu bất chấp các quy định về giãn cách xã hội, sau khi được dỡ bỏ phong tỏa vào đầu tháng 7 - Ảnh: Reuters

Hôm qua 29-7, Trung Quốc - nơi đầu tiên xuất hiện các ca bệnh COVID-19 cuối năm 2019 và tưởng chừng đã thoát khỏi đại dịch chết chóc này - bất ngờ ghi nhận 101 ca nhiễm mới trong 24 giờ. Đây là con số cao nhất một ngày trong khoảng ba tháng rưỡi qua.

Chúng ta đã quên đi thông điệp rất quan trọng rằng đây là trạng thái bình thường mới. Con virus này yêu thích cái cách chúng ta yêu thích được xích lại gần nhau. Do đó, năm nay chúng ta phải hoạt động tách rời nhau.

Margaret Harris (người phát ngôn WHO)

Tái bùng phát

Trong số trên có tới 98 ca lây nhiễm trong cộng đồng, với khu tự trị Tân Cương chiếm nhiều nhất (89 ca). Theo Tân Hoa xã, hơn 100 nhà điều tra dịch tễ tại Tân Cương đã tiến hành các cuộc điều tra trong nhiều ngày qua để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm COVID-19.

Khu vực đông bắc Trung Quốc cũng trở thành điểm nóng, sau khi một người đàn ông làm việc tại một nhà máy chế biến hải sản ở Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) đột nhiên mắc COVID-19 và sau đó ít nhất 9 thành phố ghi nhận các ca nhiễm có liên quan ổ dịch ở Đại Liên.

Tại Hong Kong, trưởng đặc khu Carrie Lam ngày 28-7 nói rằng đặc khu hành chính này hiện bên bờ vực bùng phát dịch "quy mô lớn", có thể dẫn tới "sự sụp đổ của hệ thống bệnh viện và lấy đi nhiều mạng sống, đặc biệt người già". Cùng ngày, Hong Kong ghi nhận 120 ca nhiễm mới và đây là ngày thứ 8 liên tiếp có hơn 100 ca nhiễm mỗi ngày.

Ngày 28-7, Hong Kong cũng bắt đầu áp dụng các biện pháp chống dịch COVID-19 khắt khe nhất từ đầu mùa dịch: bắt đeo khẩu trang khi rời nhà, nhà hàng chỉ bán đồ ăn đem về, không tụ tập hơn 2 người nơi công cộng, với mức phạt người vi phạm lên tới 5.000 đôla Hong Kong (gần 15 triệu đồng).

Tại Đức, người đứng đầu cơ quan y tế công nước này bày tỏ "rất quan ngại" khi trong tuần qua nước này ghi nhận thêm hơn 3.600 ca nhiễm mới. "Chúng ta đang ở giữa một đại dịch phát triển nhanh chóng" - ông Lothar Wieler, chủ tịch Viện Robert Koch, nói. Ông cho biết người Đức đã trở nên "cẩu thả" và thúc giục người dân đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội.

Đài Deutsche Welle ngày 29-7 dẫn lời người phát ngôn WHO, bà Margaret Harris cho biết việc thiếu kỷ luật đã dẫn tới tình trạng gia tăng ca nhiễm ở nhiều quốc gia. Bà nói rằng mọi người phải giữ khoảng cách cơ thể với nhau để ngăn virus lây lan. "Thứ ảnh hưởng tới sự lây truyền chính là các cuộc tụ tập đông người, chính là việc mọi người ở gần nhau, không giữ giãn cách xã hội và không có các biện pháp đề phòng để đảm bảo không tiếp xúc gần" - bà giải thích.

Lây nhiễm COVID-19 toàn cầu đang ở làn sóng thứ mấy? - Ảnh 3.

Làn sóng thứ hai, thứ ba?

Đến nay, nước Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới. Châu Mỹ đang dẫn đầu với hơn 8,7 triệu ca nhiễm, kế đến là châu Âu với 3,2 triệu ca nhiễm. Nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ đã phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế như Bỉ, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Ý, Na Uy, Mỹ, Việt Nam, Trung Quốc, Úc...

Nỗi lo về làn sóng COVID-19 thứ hai giờ đây tăng lên tại nhiều nước. Tuy nhiên, báo Guardian ngày 29-7 đã có bài viết giải thích tại sao đây chỉ là "một làn sóng lớn" và rằng làn sóng dịch thứ hai có thể không tồn tại.

Bà Margaret Harris cho rằng không nên đề cập tới các làn sóng dịch COVID-19 khác nhau vì điều này chỉ "làm cho lầm đường lạc lối". Bà nói cách gọi làn sóng thứ nhất, thứ hai, thứ ba thật sự không có ý nghĩa và rằng COVID-19 hiện tại là "một làn sóng lớn".

"Sự thật là con virus vẫn luôn quanh quẩn chúng ta. Nó sẽ trồi lên và lặn xuống một chút" - bà Margaret Harris giải thích, đồng thời đánh giá COVID-19 vẫn luôn "chờ đợi các cơ hội".

Giáo sư Melissa Hawkins tại Đại học Mỹ (AU) cũng đưa ra nhận định tương tự khi phân tích về tình hình tại Mỹ. "Nói chung Mỹ không gặp làn sóng COVID-19 thứ hai vì làn sóng thứ nhất chưa bao giờ thật sự kết thúc. Đơn giản là vì virus đang lây tới những phần dân số mới hoặc tái bùng phát ở những nơi đã hạ thấp cảnh giác quá sớm" - bà Hawkins giải thích.

Trung tâm y học thực chứng của Đại học Oxford (Anh) chỉ ra hầu hết suy nghĩ của chúng ta về "làn sóng thứ hai" bắt nguồn từ cúm Tây Ban Nha năm 1918 - 1920. Theo báo Guardian, thực tế vấn đề làn sóng dịch thứ hai đã trở thành một vấn đề gây nhiều tranh cãi, được nhiều chính trị gia thảo luận nhưng thường rất mập mờ.

Dịch COVID-19 ngày 30-7: Mỹ cân nhắc cấp phép dùng huyết tương người khỏi bệnh cho điều trị Dịch COVID-19 ngày 30-7: Mỹ cân nhắc cấp phép dùng huyết tương người khỏi bệnh cho điều trị

TTO - Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đang cân nhắc cho phép sử dụng huyết tương giàu kháng thể của bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục để điều trị cho những người bị nhiễm. Việc cấp phép có thể diễn ra vào đầu tuần sau.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên