Chiều 14-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đăng Vinh - chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi - cho biết: "Tôi đang ở hiện trường cao tốc, vận động người dân chưa đồng ý di dời và chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ dọn dỡ nhà cho những hộ đồng ý. Tinh thần gấp rút, không phút nghỉ ngơi nên người dân và cán bộ đều nỗ lực".
Nỗ lực tối đa bàn giao mặt bằng cao tốc
Sau buổi làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn hôm 29-5, bà Bùi Thị Quỳnh Vân - bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - ấn định trước 30-6 phải hoàn thành 100% mặt bằng giao cho đơn vị thi công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Không có lý do, không có ngoại lệ.
Huyện Tư Nghĩa là địa phương còn vướng mặt bằng nhiều nhất với 38 hộ/87 ngôi nhà. Khối lượng công việc rất lớn, áp lực phải hoàn thành nhiệm vụ buộc ông Nguyễn Đăng Vinh phải liên tục xuống hiện trường.
Theo ông Vinh, những trường hợp vướng rất khó vận động. Như thửa đất tổ tiên để lại, chỉ có 100m2 đất ở nhưng có đến 4 hoặc 5 căn nhà được xây dựng và sinh sống hàng chục năm.
Việc xây dựng trên đất nông nghiệp là sai, nhưng thực tế cuộc sống, những gia đình này không có bất kỳ đơn vị đất ở nào.
Bà con yêu cầu cấp đất tái định cư, nhưng căn cứ quy định pháp luật chỉ được giao đất có thu tiền sử dụng đất theo suất đầu tư của Nhà nước.
Chính điều này, cộng với xã Nghĩa Kỳ chỉ cách TP Quảng Ngãi 3km, nhiều thửa đất thu hồi ở vị đắc địa tại khu vực ngã tư Quốc Tế.
Đây là nơi sầm uất bậc nhất khu tây huyện Tư Nghĩa, bà con thuận tiện buôn bán, họ không đồng ý di dời.
Thậm chí có hộ từng di dời nhường đất cho cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Để thuận tiện kinh doanh, họ chấp nhận bỏ cả tỉ đồng mua đất ở khu vực này sinh sống. Nay tiếp tục dính cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn và phải di dời.
"Nửa tháng qua, tôi và nhiều anh chị lãnh đạo, cán bộ UBND huyện, xã, Công an huyện... phải túc trực ở công trường, vận động người dân bàn giao mặt bằng thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn".
Bám mặt ở công trường, xử lý việc cơ quan qua điện thoại, iPad
Vì suốt ngày có mặt ở hiện trường, nên nhiều người nói vui "muốn gặp chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa đừng đến trụ sở mà lên công trường cao tốc".
Ông Vinh có nghe chuyện và bảo: "Vừa mắc cười, nhưng lại đúng thực tế. Thật sự nửa tháng qua, cả buổi sáng tôi ở công trường vận động dân. Chiều thì có hôm về cơ quan họp xử lý công việc quan trọng, không thì tôi vẫn ở công trường đốc thúc giải tỏa".
Hiện tại khu vực ngã tư Quốc Tế như đại công trường, trên diện tích rộng khoảng 1ha, hàng chục căn nhà to lớn bị tháo dỡ.
Với quyết tâm cao, tính đến chiều 14-6 đã có 35 hộ dân/80 căn nhà được tháo dỡ. Chỉ còn 3 hộ dân/7 căn nhà đang được cán bộ, lãnh đạo huyện Tư Nghĩa tuyên truyền vận động.
"3 hộ dân này cơ bản đã thống nhất di dời. Thật sự chúng tôi rất mừng khi cơ bản hoàn thành công việc được giao. Dự kiến đến ngày 20-6 sẽ hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho cao tốc", ông Vinh nói.
Nói về công việc thời gian qua xử lý thế nào, ông Vinh cho biết huyện dừng những cuộc họp không thật sự cấp thiết. Những cuộc họp quá cần thiết thì chuyển sang họp vào buổi chiều, hoặc cuối giờ chiều.
Riêng xử lý công việc hành chính hằng ngày vẫn không bị gián đoạn, vì hiện nay thời kỳ chuyển đổi số, xử lý văn bản toàn trình trên hệ thống, chỉ cần smatphone hoặc iPad là có thể xử lý văn bản mọi lúc mọi nơi.
"Tôi vừa chỉ đạo hiện trường cao tốc, vừa chỉ đạo các hoạt động của huyện bằng văn bản, hoặc trao đổi qua điện thoại với anh em ở UBND. Nói chung, không việc gì bị trễ dù không ở trụ sở huyện", ông Vinh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận