31/05/2017 14:43 GMT+7

Lay lắt Vinashin - SBIC, kỳ cuối: Không để tiền nhà nước mất thêm

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Nhiều dự án lớn của Vinashin tại phía Nam cũng gặp khó khăn. Bộ Tài chính đã phải lên phương án trả nợ thay Vinashin - SBIC số tiền 63.200 tỉ đồng.

Cảnh hoang tàn bên trong Nhà máy đóng tàu Năm Căn, Cà Mau vốn được Vinashin công bố sẽ tạo việc làm cho 4.000 lao động - Ảnh: Nguyễn Hùng
Cảnh hoang tàn bên trong Nhà máy đóng tàu Năm Căn, Cà Mau vốn được Vinashin công bố sẽ tạo việc làm cho 4.000 lao động - Ảnh: Nguyễn Hùng

Tuổi Trẻ đi tìm nguyên nhân Tập đoàn (Vinashin, nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC) mãi vẫn không gượng dậy nổi.

Như nhiều chuyên gia, người trong cuộc khẳng định Vinashin - SBIC không có hướng ra khi còn “ôm” khoản nợ quá lớn, do vậy cần biện pháp mạnh để tránh thiệt hại lớn hơn.

Nhà máy chờ “khai tử”

Đến Nhà máy đóng tàu Năm Căn (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) những ngày cuối tháng 5-2017, quang cảnh nơi đây hoang tàn, đường dẫn vào nhà máy không có. Năm 2006, cả trăm hộ dân sống bên bờ sông Cửa Lớn (xã Hàng Vịnh) đã phải nhường 54ha đất cho dự án.

Theo thông báo của Vinashin lúc đó, nhà máy có năng lực đóng tàu trọng tải 10.000 tấn, sử dụng đến 4.000 lao động. Tuy nhiên, mọi việc không như mong đợi.

Dù Vinashin đã chuyển giao nhà máy cho Tổng công ty Hàng hải VN để tái cơ cấu, nhưng nhà máy vẫn dừng hoạt động nhiều năm nay. Vào trong nhà máy, quang cảnh thật thê thảm. Khuôn viên ngập nước, cây cối mọc cao ngập đầu người...

Ông Nguyễn Chí Tâm (đội trưởng đội bảo vệ) cho biết hiện tại nhà máy có 5 nhân viên bảo vệ, nhưng từ đầu năm đến nay công ty không trả lương nên cuộc sống hết sức khó khăn. Bị nhân viên điện lực, cấp nước đến đòi nợ nhiều, ông Tâm và các bảo vệ công ty bày tỏ ý định sẽ tự... giải thể.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Trần Hữu Thái - tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cà Mau - xác nhận có nợ lương các bảo vệ và bản thân ông cũng… bị nợ lương. Ông Thái cho biết công ty đang tiến hành các thủ tục để phá sản.

Gánh nợ quá lớn

Có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp (DN) thành viên và bản thân SBIC sau nhiều năm tái cơ cấu vẫn lỗ ngàn tỉ đồng, trong đó nguyên nhân chính là đầu tư dàn trải, đặc biệt là khoản nợ quá lớn từ thời Vinashin.

Cụ thể, năm 2015 SBIC lỗ 4.669 tỉ đồng, trong đó phần chi phí lãi vay chiếm 3.383 tỉ đồng. Chi phí thanh lý các tàu dở dang và tài sản tồn đọng cũng rất lớn, tới 785,5 tỉ đồng…

Tương tự, tổng lỗ lũy kế của SBIC năm 2016 là 5.405 tỉ đồng. Trong đó khoản lỗ do chi phí tài chính (lãi vay cũ và chênh lệch tỉ giá) là 3.834 tỉ đồng.

Theo thông tin từ SBIC, một nguyên nhân nữa khiến tổng công ty này tiếp tục khó khăn là thị trường vận tải biển tiếp tục giảm sâu, các đơn hàng đóng tàu tải trọng lớn không còn nhiều.

Vì vậy, thời gian qua SBIC đã tập trung tìm kiếm đơn hàng ở dòng tàu nhỏ, tàu chuyên dùng như dòng tàu vận tải đường sông, sông pha biển, tàu chở dầu cỡ nhỏ; tàu, phà chở khách, tàu cá.

Bản thân cũng buồn vì DN khó khăn suốt bao nhiêu năm, một lãnh đạo Công ty đóng tàu Phà Rừng (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) nói thẳng nguyên nhân sau nhiều năm tái cơ cấu, tình hình DN không có gì thay đổi vì bộ máy quản trị mới vẫn chưa đủ tầm để có thể giải quyết được khủng hoảng.

Lãnh đạo một công ty từng tách thành công ra khỏi Vinashin lại thẳng thắn nhìn nhận tính hiệu quả của bộ máy quản trị mới vốn từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN chuyển sang để điều hành ngành công nghiệp đóng tàu là không có.

Đội ngũ mới phần lớn thiếu trình độ kỹ thuật, nên khi đàm phán với các đối tác nước ngoài thường khó nhận được hợp đồng.

Phân tích thêm nguyên nhân thất bại của chương trình tái cơ cấu, vị cán bộ này băn khoăn tiền tỉ còn “sót” lại của Vinashin từng năm rải rác tại các ngân hàng đã được gom về một mối gửi vào Oceanbank nhằm hưởng chênh lệch lãi suất.

Sự việc bị vỡ lở khi ngày 13-10-2016, Cơ quan CSĐT C46 Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt Trần Đức Chính - nguyên kế toán trưởng SBIC.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định ông Chính có hành vi nhận tiền chăm sóc của khách hàng và tiền chênh lệch lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi tại Oceanbank lên tới khoảng 105 tỉ đồng.

Công ty đóng tàu Phà Rừng (thuộc SBIC, tại Hải Phòng) dù đã tái cơ cấu nhưng vẫn gặp khó khăn, đang phải quay trở lại thế mạnh về sửa chữa tàu thay vì đóng mới - Ảnh: TIẾN THẮNG

Nên tính đến phương án cho phá sản

Ngay “người trong cuộc” tại các nhà máy của SBIC cũng thừa nhận không dễ “cứu” các dự án. Ông Hoàng Việt Văn - giám đốc Công ty TNHH MTV thép Cái Lân (thuộc SBIC) - cho rằng dù Nhà nước đổ tiền vào, dự án mà ông tham gia quản lý cũng khó gượng dậy.

“Bởi lẽ phải thẩm định lại giá trị thực tế dự án, rồi rót hơn trăm tỉ đồng mua lại bản quyền phần mềm điều khiển, sửa chữa máy móc…”. Trong khi đó, thép nhà máy sản xuất ra sẽ “nắm chắc phần thua” vì đắt hơn thép tấm giá rẻ của Trung Quốc.

Về phương án xử lý nợ của SBIC, ông Nguyễn Hoàng Hải, phó tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, cho rằng nên quyết liệt làm theo đúng tinh thần Chính phủ đề ra là cho phá sản những DN làm ăn thua lỗ, yếu kém.

Đối với Vinashin giờ là SBIC, cần đánh giá tổng thể, kiểm tra “sức khỏe” lại lần cuối để có giải pháp dứt điểm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đức Trung, trưởng Ban cải cách và phát triển DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), cho rằng cần có phối hợp các bộ ngành, phân loại các dự án.

Việc xử lý DN phải có các tổ chức tư vấn, đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng DN có thể phục hồi mới đầu tư cho phục hồi. Nếu không, nghị quyết 14 của Quốc hội đã quy định sẽ cho giải thể, phá sản. Ông Trung nhấn mạnh nếu cứ cố duy trì các dự án yếu kém, tổn thất có thể sẽ nặng nề hơn.

Ông Trung đề nghị việc định giá, xác định giá trị DN phải công khai, minh bạch. Quan trọng nhất là phải xử lý rốt ráo câu chuyện trách nhiệm, bởi không rất khó xử lý các dự án tiếp theo.

Đồ họa: Vĩ Cường

Bộ Tài chính lên phương án trả nợ thay

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, Bộ Tài chính đã giao Cục Tài chính doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tổng thể, nghiên cứu phương án xử lý nghĩa vụ trả nợ cho SBIC.

Năm 2016, tại báo cáo thẩm tra tình hình nợ công được Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội công bố, trường hợp của SBIC đã được nêu ra, theo đó, dự kiến dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay trong 10 năm tới cho SBIC là 63.200 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cho biết khoản nợ này không chỉ bao gồm các khoản do Chính phủ bảo lãnh, mà còn có những khoản nợ Chính phủ cho Vinashin vay lại.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ Cục Tài chính doanh nghiệp xác nhận đang hoàn thiện báo cáo phương án xử lý nghĩa vụ trả nợ cho SBIC để trình Bộ Chính trị xem xét trong thời gian tới. Vị này cho biết nói chung tình hình tài chính, nợ nần của Vinashin, nay là SBIC, “rất xấu”.

SBIC 2017 tiếp tục khó khăn

Với tác động của vận tải biển lên đóng tàu, năm 2017 SBIC dự kiến triển khai thi công 230 sản phẩm, bàn giao 186 sản phẩm, sửa chữa hơn 330 lượt tàu.

So với năm 2016, các chỉ tiêu kinh doanh năm 2017 đều giảm. Trong đó doanh thu và thu nhập khác dự kiến đạt 5.564 tỉ đồng, chỉ bằng 89,3% so với năm 2016.

>> Kỳ 1: 

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên