Cần chú ý vấn đề tâm lý của nạn nhân sau vụ cháy. Trong ảnh: người mẹ xúc động gặp lại con sau vụ cháy chung cư Carina - Ảnh: XUÂN HƯNG
Nếu chỉ chú ý đến vấn đề kỹ thuật và hỗ trợ vật chất mà không quan tâm đến trị liệu tâm lý cho nạn nhân thì sẽ không đầy đủ và thiếu trách nhiệm đối với những cư dân tại đây.
Dư chấn kéo dài
Nạn nhân của các vụ hỏa hoạn thiệt hại không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần, thậm chí thiệt hại về tinh thần còn lớn hơn thiệt hại về vật chất bởi những dư chấn của vụ cháy sẽ còn kéo dài nơi mỗi người, đặc biệt là trẻ em.
Đây là điều đã được chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới. Chẳng hạn nghiên cứu của nhóm tác giả Thụy Điển công bố vào năm 2007 liên quan đến các nạn nhân của vụ cháy khách sạn tại thành phố Boras của nước này cho thấy sau 25 năm, có hơn 50% số nạn nhân cho rằng vụ hỏa hoạn ấy vẫn còn để lại những hậu quả tiêu cực đối với đời sống của họ.
"Ngay từ bây giờ, chủ đầu tư và các tổ chức nên có những chương trình trị liệu tâm lý cho những người dân đang sinh sống tại chung cư vừa xảy ra hỏa hoạn, đặc biệt là phải trị liệu tâm lý cho các em nhỏ".
Lê Minh Tiến
Tương tự, năm tháng sau khi xảy ra vụ cháy quán cà phê tại Volendam (Hà Lan) làm chết 14 người và gây thương tích 250 thanh thiếu niên vào năm 2001, kết quả nghiên cứu 91 em sống sót trong vụ hỏa hoạn đó cho thấy các em thường xuyên rơi vào trạng thái lo âu, suy nghĩ mông lung, sử dụng nhiều thức uống có cồn và gia tăng các hành vi gây hấn.
Hỏa hoạn không chỉ gây hậu quả trực tiếp đến các nạn nhân mà còn tác động tiêu cực đến gia đình của họ. Chẳng hạn trong nghiên cứu tại Hà Lan vừa nêu trên, sau 2 năm xảy ra vụ cháy, cha mẹ của các nạn nhân vẫn còn gặp nhiều vấn đề về tâm thần, sức khỏe, tim mạch...
Cần có chương trình trị liệu tâm lý
Những nạn nhân vụ chung cư Carina chắc chắn đang và sẽ đối diện với nhiều vấn đề về tâm lý. Trước hết là tâm lý bất an. Rồi đây chung cư này sẽ được sửa chữa, thẩm định là an toàn thì người dân cư ngụ ở đây cũng sẽ không hoàn toàn yên tâm sinh sống.
Đối với những gia đình có người thân qua đời trong vụ cháy, những cảm giác phiền muộn, nỗi ám ảnh sẽ còn nặng nề và kéo dài lâu hơn nữa. Đặc biệt, vụ cháy và những hậu quả của nó sẽ trở thành một ký ức đau buồn nơi các em thiếu nhi.
Vì thế, ngay từ bây giờ, chủ đầu tư và các tổ chức nên có những chương trình trị liệu tâm lý cho những người dân đang sinh sống tại chung cư vừa xảy ra hỏa hoạn, đặc biệt là phải trị liệu tâm lý cho các em nhỏ.
Việc trị liệu tâm lý cho các nạn nhân sau thảm họa có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau. Chẳng hạn phương pháp "Di chuyển đôi mắt" của nhà tâm lý học F. Shapiro (Mỹ) mà theo đó, việc di chuyển đôi mắt dần dần sẽ hình thành nên niềm tin tích cực thay thế cho niềm tin tiêu cực mà các nạn nhân đã gặp phải sau khi trải qua thảm họa.
Một phương pháp khác cũng thường được áp dụng là "Trị liệu nhận thức - hành vi", vốn được dùng để điều trị các rối loạn tâm lý liên quan đến sợ hãi, nghiện, trầm cảm và lo âu. Các nhà tâm lý đương nhiên sẽ biết rõ đâu là những phương pháp trị liệu hiệu quả cho các nạn nhân của thảm họa.
Lính cứu hỏa cũng bị ảnh hưởng
Những người lính cứu hỏa, cảnh sát tham gia chữa cháy và cứu nạn cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Một nghiên cứu tại Hà Lan cho thấy trong khoảng thời gian từ 6 đến 12 tháng sau khi tham gia chữa cháy, tỉ lệ lính cứu hỏa gặp vấn đề về hô hấp tăng từ 5,4% lên 14,9%; những vấn đề về tâm lý như mỏi mệt, buồn chán cũng gia tăng nơi những người này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận