Phóng to |
Thời gian qua một số cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc đã bị đối xử tệ hại nơi xứ người và bị giết chết. Nạn nhân Thạch Thị Hồng Ngọc bị người chồng Hàn Quốc Jang đánh chết hôm 7-7-2010 - Ảnh: TTO |
Ông Đinh Trung Tụng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp - nhấn mạnh có nhiều cô dâu người Việt lấy chồng nước ngoài, chủ yếu là người Đài Loan và Hàn Quốc, theo phong trào, không dựa trên nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, chủ yếu vì mục đích kinh tế, phía người vợ muốn nương dựa vào kinh tế của chồng hoặc chí ít cũng để xuất cảnh ra nước ngoài làm ăn sinh sống.
Quá trình kết hôn thường diễn ra trong thời gian rất ngắn, thậm chí có những trường hợp chú rể chỉ biết người vợ tương lai vài ngày là tổ chức đám cưới. Lễ cưới vội vàng, đơn giản. Một số nơi xảy ra tình trạng môi giới, hối lộ lo thủ tục nhanh chóng… khiến nhiều cô dâu Việt trẻ đẹp kết hôn với người chồng Đài Loan già yếu, tàn tật, hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Thậm chí thời gian qua một số cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc đã bị đối xử tệ hại nơi xứ người và bị giết chết.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, đi theo "phong trào" này, hoạt động kinh doanh môi giới kết hôn nhằm mục đích trục lợi, bất hợp pháp của một số tổ chức, cá nhân đã phát triển mạnh mẽ, tập trung chủ yếu tại TP.HCM, miền Đông và Tây Nam bộ.
Nhiều trường hợp môi giới kết hôn diễn ra tập thể, khoe thân thiếu văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam và hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người Việt Nam. Tuy vậy, theo Bộ Tư pháp, những cá nhân, tổ chức này vẫn ngang nhiên chạy theo lợi nhuận bất chính, coi thường pháp luật.
Việc lấy chồng có yếu tố nước ngoài diễn ra rầm rộ như thời gian qua thực tế đã đe dọa tiềm ẩn việc mất cân đối dân số về giới tính cục bộ tại một số địa phương. Cụ thể, tại Hải Phòng có trường hợp người dân tập trung lên UBND xã để phản đối vấn đề này.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thanh Hòa, việc phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài vì lý do kinh tế đã làm biến đổi chuẩn mực xã hội, thay đổi quan niệm về giá trị hôn nhân trong một bộ phận người dân. Chính những biểu hiện và nhận thức sai lệch này đã đẩy không ít cô gái sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nghèo biến cuộc hôn nhân của mình với người đàn ông không quen biết thành phương tiện để giúp bản thân và gia đình thoát nghèo.
Điều tra xã hội học cho thấy có đến 31% cô dâu muốn lấy chồng Đài Loan để kiếm việc làm và tăng thu nhập, trên 15% muốn kiếm chồng giàu để giúp đỡ gia đình.
“Trào lưu” phụ nữ nông thôn nghèo, học vấn thấp, có lối sống thực dụng, lười lao động… muốn lấy chồng người nước ngoài để trục lợi, đổi đời đã gây tác động xấu, tiêu cực về mặt đạo đức cho một lớp nữ thanh niên và trẻ em gái. Mặt khác, gây ra những hệ lụy về mặt xã hội như giải quyết hậu quả đối với nạn nhân về tinh thần, tâm lý, thương tích thân thể, trẻ mồ côi, con lai được đưa về quê ngoại…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận