Để không "tiếp sức" cho hội chứng gieo "hoang mang tập thể", ai cũng cân nhắc kỹ trước khi "like"
Trên mạng xã hội mà dễ thấy nhất là Facebook, YouTube đã và đang xuất hiện nhiều thông tin mà người lớn chúng ta hay gọi là hội chứng gieo những "hoang mang tập thể" ở giới trẻ.
Theo đó những thông tin này đã thu hút đám đông bằng các trò giật gân, câu khách, thách đố kiểu ngông cuồng, phát ngôn tục tĩu hay làm nhục người khác, thậm chí vi phạm pháp luật. Tất cả diễn ra không chỉ ở các đô thị lớn mà còn ở nông thôn, vùng xa.
Nhìn nhận để thấy rằng, đó là điều thực tế phản ánh sự xuống cấp đạo đức, đang có cơ hội bùng phát tạo ra tâm lý lệch lạc ở một bộ phận các bạn trẻ, tạo thói quen hùa theo đám đông, mất khả năng tự nhận thức đúng sai trước các vấn đề cuộc sống.
Ai cũng trải qua thời thơ dại, nông nỗi để tới khi lớn khôn. Trách nhiệm người lớn, cơ quan chức năng không chỉ phê phán mà còn phải định hướng để những cô, chú "hưu" chạy đúng đường.
Theo tôi, hội chứng gieo những "hoang mang tập thể" ở giới trẻ đáng thương hơn trách móc bởi các em chưa phân biệt được tốt xấu, đúng sai, điều nên làm và không nên làm… Có trường hợp không làm chủ được bản thân vì thiếu kinh nghiệm, bị phụ thuộc nhận xét của người khác, làm theo các lời thách đố, thiếu sân chơi lành mạnh.
Thậm chí có em muốn được quan tâm đã tìm cách bắt chước trò lố bịch trước đó để mọi người chú ý, ủng hộ hay phản ứng. Phần lớn các trường hợp này xem ra thường thiếu sự quan tâm và giáo dục từ gia đình, bố mẹ, người thân.
Phải nhìn nhận rằng: mạng xã hội giờ không chỉ là phương tiện chia sẻ, kết nối mà còn là công cụ để tiếp thị, quảng cáo, kinh doanh, mua bán sản phẩm, thăm dò tâm lý công chúng. Vậy nên nhiều người đăng tải các trò lố nhằm chỉ để thu hút sự chú ý, tăng "like". Thậm chí trên mạng còn chỉ dẫn cách để được tăng "like" bằng những trò lố lăng, thách đố, gây sốc. Mà quả thực đã nhận nhiều "like".
Tổ tàu SE6 trả lại tiền cho hành khách - Ảnh: tổ tàu SE6 cung cấp
Đáng lo hơn với các nút "like" vô cảm như tiếp thêm động lực cho hội chứng gieo những "hoang mang tập thể". Người thì suy nghĩ "cứ like đại xem sao chứ mất mát gì đâu", người thì "like" theo cảm tính... Nhưng tât cả đâu biết đằng sau các nút "like" đó là hậu quả khó lường. Có những nút "like" chỉ là vô tình, không phù hợp hoàn cảnh nhưng như xát thêm muối vào vết thương và nỗi đau cho người trong cuộc.
Vậy nên thiết nghĩ, ngăn chặn hội chứng bị cho là gieo "hoang mang tập thể" đòi hỏi sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bên cạnh tuyên truyền hiểu biết pháp luật, hãy loại bỏ thông tin xấu phát tán lan rộng trên mạng và đề cao lý tưởng sống cho giới trẻ bằng cách sống trung thực.
Địa phương có thể tạo thêm sân chơi, công viên, giải trí, sinh hoạt cộng đồng để giới trẻ. Hơn nữa là sự quan tâm và giáo dục, chỉ dẫn thay vì cấm cản. Cha mẹ có thể kết bạn với con mình trên mạng xã hội để có điều kiện theo dõi quan tâm, chia sẻ, khuyên bảo và nhắc nhở những điều chưa phù hợp, không tin lời khiêu khích hoặc cái xấu đang tràn lan.
Lấy cái đẹp dẹp cái xấu bằng cách tìm kiếm để phát hiện, tôn vinh, học tập, nhân rộng những điều tốt đẹp trong đời sống. Cuộc đời còn rất nhiều người tốt, việc tốt hiện diện khắp nơi và lan tỏa rất nhanh. Như câu chuyện bác bảo vệ (68 tuổi) kiêm giữ xe ở một quán cà phê bị kẻ gian lừa lấy mất chiếc xe SH Mode, lương chỉ 3 triệu/tháng, chiếc xe đã mất trị giá hơn 40 triệu.
Câu chuyện này ngay sau đó đã được chia sẻ trên mạng, lập tức cộng đồng mạng đã quyên góp tặng bác ấy hơn 100 triệu. Sau khi bồi thường chiếc xe đã mất, bác bảo vệ già đã gởi số tiền còn lại để giúp những cuộc đời khó khăn. Câu chuyện đẹp ấy tiếp tục được nhân lên.
Một gương người tốt, hành động tốt, câu chuyện nhân văn như thế có thể tác động tới nhận thức của nhiều người, từ đó giúp nhìn nhận cuộc sống cũng như hành xử trong đời sống hằng ngày chuẩn mực hơn, tôn trọng các quy phạm đạo đức và luật pháp hơn. Và tất nhiên cuộc sống sẽ càng ấp tình người hơn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận