23/07/2019 13:08 GMT+7

'Lau nước mắt' người nuôi heo

VĂN LỢI
VĂN LỢI

TTO - 62/63 tỉnh thành công bố dịch tả heo châu Phi, số heo chết do dịch đã lên đến 1/10 tổng đàn và tình hình vẫn chưa yên. Heo chết đã rầu, nhìn về tương lai càng rầu hơn...

Lau nước mắt người nuôi heo - Ảnh 1.

Một hộ chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuần rồi, các địa phương tiếp tục đề nghị Bộ NN&PTNT cấp thêm thuốc sát trùng Benkocid. Bộ NN&PTNT ban hành hướng dẫn tiêu hủy heo chết bằng cách đốt. Điều này cho thấy dịch tả heo châu Phi vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp.

Chuyện ở trại heo của ông Ba Sơn

Ông là Phạm Hoàng Sơn (Ba Sơn), một chủ trang trại nuôi heo rất nổi tiếng ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp. Ông có cách nuôi heo rất độc đáo là cho heo nghe nhạc êm dịu để ngủ vào ban ngày, chỉ ăn vào ban đêm.

Cách nuôi này giúp heo lớn nhanh, thịt ngon, bán được giá. Nhờ kiên trì nghề nuôi heo 20 năm nay, từ hai bàn tay trắng ông đã khấm khá và có tiếng về kinh nghiệm nuôi heo.

Dịch tả heo châu Phi tràn tới. Chuồng heo của ông Ba Sơn nằm giữa đồng. Xung quanh toàn là đất nhà, rộng thênh thang nên ông có cơ sở để tin rằng mình giữ được an toàn đàn heo. Ông thiết lập vòng cách ly 300m tính từ chuồng heo, coi như nội bất xuất ngoại bất nhập.

Bản thân ông cùng với mấy công nhân mang đồ vô ăn ngủ luôn trong trại heo. Gia đình, họ hàng muốn gặp thì gọi ông chạy về chứ dứt khoát không cho vô thăm ở trại.

Hai tháng trôi qua từ ngày Đồng Tháp có dịch. Hơn 100 con nái và 1.500 con heo thịt chuồng nhà ông vẫn khỏe. Mỗi ngày, ông chi gần 30 triệu đồng tiền thức ăn. Tối 21-7, qua điện thoại ông vẫn quyết tâm: "Cố gắng bằng mọi giá để giữ đàn heo em à! Nhưng có lẽ sẽ kiếm chỗ bán bớt".

12h trưa 22-7, ông gọi điện lại, mếu máo: "Đi rồi, không giữ được!". Mọi nỗ lực đã thành công cốc. Xác nhận của lực lượng thú y huyện Tháp Mười cho biết trang trại của ông vừa xuất hiện dịch tả heo châu Phi vào trưa 22-7. Đã có 11 con heo nái bị chết, số còn lại đang cách ly.

Toàn trang trại của ông có gần 2.000 con heo, là trang trại nuôi heo duy nhất của huyện Tháp Mười còn sót lại sau 2 tháng kể từ khi xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên ở huyện này.

Chuyện của ông Ba Sơn là một ví dụ điển hình câu chuyện thực tế đầy nước mắt của người nuôi heo. Ngay cả những người nhiều kinh nghiệm nhất cũng bó tay và trắng tay vì dịch tả. Người nuôi heo làng bột Sa Đéc, Đồng Tháp cũng đang tự hỏi những ngày sắp tới sẽ như thế nào.

Trước dịch, tổng đàn heo của làng bột Sa Đéc xấp xỉ 50.000 con, là một trong hai vùng nuôi heo lớn nhất của tỉnh Đồng Tháp. Nghề nuôi heo ở đây đã có gần trăm năm, gắn liền với nghề làm bột.

Dịch tả heo châu Phi tràn qua, heo làng bột chết hết, nghề làm bột phải lao đao theo vì tiền lời của bà con nằm hết trong đó. Nỗi lo nữa là bột cặn không tiêu thụ được, đổ bỏ cũng gây ô nhiễm môi trường.

Tái đàn, theo cách nào?

Ai cũng rầu, chủ những trang trại lớn với kinh nghiệm chăn nuôi và khả năng lo vốn của mình, ban đầu họ có thể bình tĩnh hơn những người nuôi nhỏ lẻ. Và họ đã dốc sức người sức của phòng dịch để giữ đàn heo.

Nhưng rồi cũng… khóc vì chi phí phòng dịch phát sinh, muốn bán heo (chưa bệnh) cũng không dễ dàng vì phải qua kiểm dịch, giá heo không cao hơn mấy so với giá Nhà nước hỗ trợ cho những hộ có heo chết. Khi heo chết (như ở trại ông Ba Sơn), tổn thất lớn gấp bội.

Khóc vì hiện tại và rầu vì tương lai. Ông Nguyễn Văn Nương, chủ nhiệm hội quán làng bột Sa Đéc, cho biết bà con ở đây đang chia thành hai nhóm. Một nhóm dự tính sau khi hết dịch sẽ nuôi heo trở lại nhưng cách nuôi khác bây giờ. Bà con sẽ hợp tác lại, nuôi thành chuồng lớn, cách xa khu dân cư, đảm bảo an toàn sinh học.

Một nhóm khác đề nghị bỏ luôn nghề nuôi heo, đề xuất với Nhà nước hỗ trợ thuê chuyên gia nghiên cứu chế biến bột cặn thành nguyên liệu để bán cho các nhà máy thức ăn gia súc, gia cầm.

"Về lâu dài, chúng ta phải sống chung với dịch nên vẫn phải có kế hoạch phát triển chứ không vì dịch bệnh mà không phát triển" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nói như vậy tại hội nghị triển khai các giải pháp tổng hợp phòng chống dịch tả heo châu Phi diễn ra sáng 11-7.

Phát triển đàn heo, hẳn nhiên vẫn phải trông chờ vào các trang trại chăn nuôi lớn. Nhưng sau những tổn thất này, ai sẽ còn đủ sức người sức của tái đàn? Những người chăn nuôi nhỏ lẻ, với số tiền được hỗ trợ, họ có thể tiếp tục nhưng với tập quán cũ, gần như không có giải pháp phòng dịch đúng khoa học, diễn biến dịch đang phức tạp như hiện nay, làm thế nào để giữ an toàn cho heo khi tái đàn?

1/10 đàn heo cả nước nhiễm bệnh dịch, chỉ riêng chi phí hỗ trợ cũng đã là con số quá lớn. Nhưng cái mất không chỉ có vậy. Doanh nghiệp thức ăn gia súc khóc theo người chăn nuôi, thịt ngoại nhập lấn sân trên thị trường… Tổn thất lâu dài khó có thể cân đo đong đếm hết.

Cái được là gì? Chúng ta sẽ được gì sau những tổn thất hôm nay? Kinh nghiệm gì sau trận dịch lần này để có thể "lau nước mắt", yên tâm tái đàn, thay đổi tư duy chăn nuôi và biết cách phòng dịch tốt hơn trong thời gian tới? Đây là điều cần nhất cho người nuôi heo, tiếc thay vẫn chưa thấy rõ nét.

Trắng tay vì heo chết và sẽ tay trắng kinh nghiệm ứng phó với dịch. Vậy nên, những lo âu tương lai còn quá lớn khi người nuôi nhỏ lẻ đang chờ tiền hỗ trợ và sẽ nuôi lại với tập quán cũ, chuồng trại giữa khu dân cư, dùng nước sông, rạch, nước thải đổ về sông rạch.

Theo quyết định 793 ngày 27-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi, các cơ sở chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch được hỗ trợ theo mức sau: heo con, heo thịt 25.000 đồng/kg heo hơi; heo nái, heo đực 30.000 đồng/kg.

Doanh nghiệp chăn nuôi (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) được hỗ trợ mức 8.000 đồng/kg heo hơi; heo nái, heo đực 10.000 đồng/kg. Mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức hỗ trợ kinh phí trong phòng chống bệnh dịch tại địa phương.

3,3 triệu con heo bị tiêu hủy, ngành thức ăn chăn nuôi cũng mệt mỏi

TTO - Để đối phó, các nhà máy sản xuất đã phải thay đổi kế hoạch kinh doanh, chuyển từ sản xuất thức ăn chăn nuôi heo sang làm thức ăn cho gà và thủy sản để thay thế nguồn sụt giảm.

VĂN LỢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên