Một cửa hàng bán đá granit lót vỉa hè ở TP.HCM - Ảnh: Duyên Phan |
Tại cuộc họp báo ngày 29-3, đại diện UBND Q.1 (TP.HCM) cho biết trong năm 2016 sẽ thực hiện lát đá granit vỉa hè cho 5 tuyến đường là Công Xã Paris, Nguyễn Thị Minh Khai, Đồng Khởi, Nguyễn Thái Học và Phùng Khắc Khoan.
Riêng kế hoạch lát đá granit cho vỉa hè của khoảng 120 tuyến đường còn lại thì vẫn đang xây dựng. UBND quận 1 sẽ lấy ý kiến của các sở, ngành, chuyên gia và cả tiếp thu ý kiến của người dân về vấn đề này.
Có chỗ còn quá đẹp
Ngày 29-3, khảo sát các tuyến đường trung tâm TP cho thấy có nhiều vỉa hè xuống cấp, hư hỏng, đầu tư không đồng bộ nhưng cũng có những tuyến đường có vỉa hè còn rất mới.
Ba trong năm tuyến đường mà UBND quận 1 dự kiến làm mới vỉa hè trong năm 2016 gồm Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Khắc Khoan và Nguyễn Thái Học đã xuống cấp nghiêm trọng.
Hai bên vỉa hè đường Nguyễn Thái Học lát bằng gạch con sâu có nhiều đoạn bong tróc, gạch vữa nằm ngổn ngang trên mặt đường.
Bà Nguyễn Thị Nhung (phường Phạm Ngũ Lão) cho biết vỉa hè đường này làm cách đây khoảng 15 năm, hư hỏng nhiều, các hộ dân phải tự sửa sang vỉa hè trước nhà khiến nhiều đoạn giống như chiếc áo vá với đủ loại.
Tương tự, trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn giao nhau với Pasteur chạy xuống đến đường Đinh Tiên Hoàng (phường Bến Nghé) cũng lát bằng gạch con sâu, đang sụt lún, vỡ gãy.
Còn tuyến đường Phùng Khắc Khoan, từ khúc giao đường Nguyễn Thị Minh Khai đến đường Điện Biên Phủ (phường Đa Kao) đổ bằng bêtông, hiện gãy vỡ, lòi vữa.
Riêng vỉa hè Công Xã Paris và đường Đồng Khởi (quận 1) vẫn còn sử dụng tốt, chưa có dấu hiệu xuống cấp. Đặc biệt, vỉa hè tuyến đường Đồng Khởi ở đoạn giao nhau với đường Lý Tự Trọng chạy thẳng ra đường Tôn Đức Thắng còn chắc chắn, màu đá lát còn mới.
Anh Trịnh Công Hoàng, một người dân trên đường Nguyễn Cư Trinh (phường Phạm Ngũ Lão), cho biết vỉa hè trên đường này làm trước năm 2011 bằng gạch terrazzo. Hơn năm năm qua, vỉa hè vẫn bằng phẳng, tươm tất.
Khi nghe nói sẽ làm mới vỉa hè, anh Hoàng khoát tay: “Vỉa hè vầy mà làm lại chi tốn tiền, để nhiều năm nữa cũng chẳng sao”.
Vỉa hè đường Công Xã Paris, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM có chiều rộng khoảng 15m. Bề mặt vỉa hè còn rất đẹp và bằng phẳng nhưng đây sẽ là một trong năm tuyến đường được UBND Q.1 cải tạo, lót đá granit trên vỉa hè trong năm 2016 - Ảnh: Hữu Khoa |
Sao phải lát vỉa hè bằng đá granit?
Đây là câu hỏi nhiều người thắc mắc khi đề cập đến kế hoạch 1.000 tỉ đồng cải tạo vỉa hè của UBND quận 1. Chỉ việc cải tạo vỉa hè của năm tuyến đường trong năm 2016 đã tốn 90 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 29-3, ông Trần Thế Thuận - chủ tịch UBND quận 1 - lý giải đây là loại đá xuất xứ trong nước, bền, giá thành hợp lý, chịu được khí hậu của vùng nhiệt đới.
Về mặt kỹ thuật, đá granit có thể sắp xếp gài vào những vị trí phức tạp, có khi không cần phải có vữa ximăng. Tiền lệ là tại thành phố có lát đá granit trên đường Nguyễn Huệ và thấy hiệu quả thực tế, có nghiên cứu của các chuyên gia trong lĩnh vực.
Về các phản ảnh vỉa hè lát đá granit bị bể, bong tróc, ông Thuận cho biết phải kiểm chứng lại thông tin, phải xem những chỗ bị bong tróc, vỡ là đoạn đường nào, sử dụng đá loại nào, có cùng chất liệu đá mà quận đang nghiên cứu, đề xuất hay không.
Quận sẽ cho đi xác minh để có thông tin chính thức.
Với câu hỏi chi 90 tỉ đồng để lát đá cho năm tuyến đường có “hào phóng” quá không, ông Thuận nói: “Các yếu tố kỹ thuật và các dự toán của dự án lát vỉa hè năm tuyến đường này hiện đang chờ ý kiến của UBND TP, nên tôi không bình luận gì. Vài hôm nữa, UBND TP có ý kiến, quận sẽ thông tin cụ thể”.
Bàn về việc lát vỉa hè bằng đá granit, không ít chuyên gia ngành xây dựng lại băn khoăn.
Ông Nguyễn Lý Trọng - kỹ sư cao cấp, ủy viên Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM - nói chất liệu đá rất kén công trình. Chỉ nên dùng cho những công trình mang tính cổ kính, vĩnh cửu, trang trọng...
Ông Trọng cho rằng khi quyết định lát đá granit ở một khu vực nào đó thì phải xem tính mỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật và giá thành. Ông nói: “Theo tôi, nếu lát đá granit cho vỉa hè thì nên chọn vài con đường mang vẻ cổ kính, nghiêm trang chứ không nên lát đá hết tất cả các vỉa hè”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Hiệp, nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho rằng lát đá granit trên vỉa hè là rất lãng phí. “Có thể nói việc quận 1 lát đá là rất lãng phí, chúng ta còn nghèo mà lại chơi sang” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Giá đá granit bao nhiêu? Trước đó, trả lời Tuổi Trẻ, quận 1 dự tính suất đầu tư 1m2 đá granit lát vỉa hè là 2,9 triệu đồng, đá terrazzo là 1,2 triệu đồng và gạch con sâu là 800.000 đồng/m2 (suất đầu tư bao gồm tiền đá, bốc dỡ vỉa hè cũ, làm nền hạ...). Ngày 29-3, khi tham khảo giá bán đá granit, các cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận 5 cho biết để lát vỉa hè người ta thường dùng loại đá granit trong nước. Khi chúng tôi đưa hình ảnh một số vỉa hè lát đá granit trên địa bàn TP.HCM, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng ở quận 5, TP.HCM cho biết với loại đá giống như thế này và cắt theo khuôn 30x60cm hoặc 40x60cm, độ dày từ 1,8-6cm, tùy theo thiết kế thi công thì giá dao động từ 550.000 - 1 triệu đồng/m2. Không tính tiền đào gạch cũ, dọn sạch mặt bằng, nếu thuê luôn thợ thi công thì tính thêm 300.000 đồng/m2. |
UBND Q.1 sẽ tiếp thu ý kiến phản hồi Tại cuộc họp báo sáng 29-3, bà Nguyễn Thị Thu Hường, phó chủ tịch UBND quận 1, cho biết con số 1.000 tỉ đồng để lát đá granit cho vỉa hè các tuyến đường trên địa bàn quận mới chỉ là cam kết của các doanh nghiệp ứng vốn cho UBND quận thực hiện. Bà Hường cho hay kế hoạch chỉnh trang toàn bộ vỉa hè của các tuyến đường trên toàn quận sẽ được trình xin ý kiến của UBND TP và mời các sở, ngành liên quan góp ý. Việc chỉnh trang này phải tính toán đến hiệu quả lâu dài, phải được sự đồng thuận của người dân. Về ý kiến lát toàn bộ vỉa hè trên địa bàn quận bằng đá granit không phải là tốt, bà Hường khẳng định đó mới chỉ là đề xuất của các doanh nghiệp, khi đi vào quá trình thực hiện thì UBND quận sẽ mời các chuyên gia thẩm định để có phương án tốt nhất, kinh tế nhất. Theo bà Hường, nếu kế hoạch thực hiện chỉnh trang toàn bộ vỉa hè của các tuyến đường trên địa bàn quận 1 thì cũng sẽ làm trong nhiều năm, từ nay đến năm 2019. Việc này chỉ được thực hiện khi quận đã dành đủ ngân sách để chăm lo các vấn đề an sinh xã hội cho người dân, hoạt động trọng tâm trên địa bàn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận