Lễ ký kết có sự tham dự của ông Lại Xuân Môn - ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - cùng lãnh đạo các bộ ngành...
Việc thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả được các đơn vị kỳ vọng nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực giao thông vận tải chất lượng cao ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Phương - hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả sẽ có 4 nhiệm vụ chính là đào tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tư vấn và thực hiện dự án... Trong đó, chú trọng công nghệ mới nhất trong khảo sát, xây dựng hạ tầng giao thông, đón đầu xu thế xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc.
"Thời gian tới, chúng tôi quyết tâm xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm của ngành giao thông, làm chủ các thí nghiệm đặc thù mà Việt Nam chưa làm chủ như hầm gió, động đất, kết cấu nhịp lớn, cầu treo dây võng, cầu treo dây văng" - ông Phương nói.
Trao đổi với lãnh đạo viện, ông Lại Xuân Môn nhấn mạnh mô hình viện đào tạo khá mới ở Việt Nam. Việc cộng hưởng các thế mạnh này giúp nhân sự ngành giao thông vận tải được tiếp thu cả kiến thức, kỹ năng thực tế trong xây dựng hạ tầng, chiến lược công nghệ vật liệu và hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam.
TS Nguyễn Xuân Cường - cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam - cũng yêu cầu Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả có thể góp phần khắc phục những khó khăn của ngành giao thông, đảm bảo lợi ích hài hòa cho người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
Riêng lĩnh vực đường sắt, ông Cường mong muốn viện nghiên cứu sâu, học hỏi kinh nghiệm phát triển cả hệ thống đường sắt của các nước áp dụng cho Việt Nam; cùng ngành giao thông hướng đến mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 3.000km đường cao tốc, tầm nhìn đến năm 2050 đạt khoảng 10.000km đường cao tốc.
"Nguồn việc giai đoạn 2025-2030 vì vậy rất lớn, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao vô cùng quan trọng" - ông Cường nói.
Cho học viên tiếp cận thực tiễn nhiều hơn
Theo ông Hồ Minh Hoàng - chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, chương trình đào tạo hiện nay chưa hoàn toàn đáp ứng được tính thực tiễn. Trong khi từ khâu quản lý dự án, tổ chức thi công, thanh quyết toán dự án đường sắt, metro, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo là xu thế tất yếu của thế giới hiện nay.
Vì thế Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả sẽ tăng kết nối thực tiễn, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, điều hướng rõ tiêu chí "tiến độ, chất lượng, minh bạch" ngành giao thông vận tải.
Mô hình viện đào tạo của một doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp hạ tầng giao thông có thể xem là mới mẻ ở Việt Nam. Còn trên thế giới mô hình này rất được xem trọng và đã có nhiều trung tâm đào tạo nổi tiếng như Land Rover trong Đại học Warwick, AstraZeneca tại Đại học Oxford hay trường đại học của Tập đoàn Sany tại Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận